Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] “Thời Niên Thiếu Của Anh Và Em": Trường Thành Đôi Khi Thật Cô Độc

Con người sợ rời khỏi đám đông, đặc biệt là trẻ con; chúng sợ hơn người trưởng thành, bởi vì chúng thường cũng là kẻ yếu.


    Và rồi thế gian như sụp đổ ngay trước mắt, mọi thứ hoang tàn, mục nát, chỉ còn em là điều trong lành, tươi sáng nhất trong cuộc đổ bể này. Xã hội dường như trở nên quá nhơ nhớp, bẩn thỉu khi mọi công lý đều quay mặt đi với những sinh mệnh bé nhỏ, thoi thóp, khi cái ác vẫn thường xuyên lởn vởn mà không bị pháp luật trừng trị, khi một tâm hồn lương thiện, ngây thơ dần bị vẩn đục bởi sự đen tối, tủi nhục và ác nghiệt của xã hội. Đó có lẽ là câu chuyện bi thương của Trần Niệm, một cô gái thông minh, nhút nhát nhưng nội tâm lại kiên cường, mạnh mẽ hơn bất kì ai. Hay đó là hiện thực gắt gao của Bắc Dã, một tên côn đồ ngông cuồng xem đánh nhau là niềm vui với quá khứ đầy nhơ bẩn nhưng sâu bên trong trái tim vụn vỡ ấy là khát khao được yêu, được thương, được che chở, bảo bọc. 


    Hai con người với hai số phận khác nhau, hai sinh mạng và hai đường thẳng song song nhưng lại vô tình va vào nhau tựa đã phá bỏ đi mọi định luật toán học để rồi quấn quít rời. Hai cá thể tưởng chừng như sẽ mãi sống riêng biệt nhưng chất chứa cùng một nỗi cô đơn lại dần trở thành mối quan hệ cộng sinh không thể tách rời, cùng sống cùng chết. Tất cả niềm tin yêu và nỗi đau cùng cực của hai thiếu niên trẻ tuổi, sống vất vưởng trong một xã hội suy tàn, dưới căn nhà ẩm thấp, dột nát nhưng vẫn luôn khát khao, mơ ước tựa cọng cỏ dại luôn quật cường giữa bão tố. Thời niên thiếu của anh và em được viết bởi tác giả Cửu Nguyệt Hi đã khắc họa rõ nét nhất hiện thực tàn khốc của một môi trường dung dưỡng xấu đã ảnh hưởng như thế nào đến quá trình trưởng thành của một đứa trẻ. Ngoài ra, tác phẩm còn ca ngợi khát khao được sống hạnh phúc và niềm tin yêu giữa con người. 


  1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm

    Mặc dù không để lại quá nhiều thông tin về bản thân nhưng không vì vậy mà cái tên Cửu Nguyệt Hi bị lu mờ trong những tên tuổi lớn của làng tiểu thuyết lãng mạn Trung Quốc. Với giọng văn đặc trưng và phong cách viết sáng tạo, lôi cuốn, các tác phẩm của Cửu Nguyệt Hi đã để lại một dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc, trở thành một trong những tác phẩm được săn đón nhất trong cộng đồng tiểu thuyết lãng mạn Trung Quốc. Với các thể loại tiểu thuyết, đối với Cửu Nguyệt Hi dường như không có giới hạn. Từ thanh xuân vườn trường, hiện đại đến trinh thám, các tác phẩm của cô đều thể hiện được sự chi tiết, kiến thức sâu rộng và sự tỉ mỉ qua từng dòng chữ. Cái hay và đặc trưng nhất trong tất cả “đứa con tinh thần” của cô có lẽ là sự sáng tạo về cách miêu ta tâm lý nhân vật. Có thể cốt truyện đơn giản, dễ đoán nhưng từng dòng tâm trạng, suy nghĩ, lời nói của nhân vật đều được cô chăm chút, thổi hồn vào những con chữ khô khan khiến độc giả khắc họa rõ nét nhất chân dung nhân vật. Tầng tầng lớp lớp những chi tiết nhỏ nhất đều được Cửu Nguyệt Hi khai thác sâu sắc, tựa một cuốn phim dần được dựng lên trên những trang giấy. Những khoảnh khắc trầm lặng hay những lúc nhân vật rơi vào sự trống rỗng, lo lắng thường rất khó để người đọc đồng cảm, thấu hiểu nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Cửu Nguyệt Hi, dường như bạn đọc là một phần của câu chuyện, là một mảnh ghép trong tâm hồn nhân vật. 


    Thời niên thiếu của anh và em nổi lên như một hiện tượng và dẫn trở tạo ra tiếng vang khi bộ phim chuyển thể Better days được công chiếu vào năm 2019, ngay sau đó đã nhận được một đề cử tại Giải Oscar cho Phim Ngoại Ngữ Xuất Sắc Nhất. Câu chuyện đã khắc họa rõ nét nhất một xã hội thu nhỏ trong môi trường giáo dục không lành mạnh đã ảnh hưởng như thế nào đến quá trình trưởng thành của một đứa trẻ và rằng chúng đã phải vật vã trong nỗi sợ hãi, sự cô đơn ra sao. Những cô cậu học sinh chẳng thể tưởng tượng được rằng một hành động dại dột, một lời nói thiếu suy nghĩ lại có thể giết chết đi một sinh mạng, một tâm hồn mong manh. Không chỉ dừng lại ở đó, Thời niên thiếu của anh và em còn cho ta thấy nỗi cô đơn, tủi hờn hai thiếu niên trẻ tuổi, Trần Niệm và Bắc Dã khi phải cùng nhau sống sót trong một xã hội mục nát, khi tất cả mọi sự công bằng, pháp luật đều quay lưng đi với họ. Khi ấy, để bảo vệ, che chắn nhau trong những cơn hoạn nạn, thống khổ nhất, họ đã phải giải quyết mọi chuyện theo hướng cực đoan nhất. Câu chuyện đơn giản viết lại quá trình giữ gìn sự trong sáng, tươi đẹp của thuở thiếu thời để rồi những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên thật khỏe mạnh, đóng góp một phần có ích cho đời. Thời niên thiếu của anh và em đào sâu vào một xã hội mục nát, trần trụi và đầy rẫy những hiểm nguy mà một đứa trẻ có thể sẽ gặp phải nếu không nhận được một môi trường sống và giáo dục phù hợp. 


  1. Trường thành là “cô đơn”


Trên đời này không có trái tim nào hoàn toàn lương thiện, chỉ có mặt tốt mà không có mặt xấu đối lập với nó. Sự đấu tranh của con người, chính là để tìm ra điểm cân bằng giữa chúng.


    Trong một xã hội màu xám, mục nát, khốn khổ. Hai con người với hai tính cách, hai sinh mạng, nhưng đều là những kẻ cô đơn, chung một niềm tin tưởng họ lại tìm thấy nhau. Trần Niệm một cô gái thông minh, xinh xắn, nhút nhát, nhưng lại có bản lĩnh ẩn sâu trong tiềm thức. Từ một con người không tin vào bất cứ ai nhưng sau khi gặp Hắn thì cô Lại có niềm tin vô cùng sâu đậm. Chỉ cần là Bắc Dã nói, cô đều tin. Bắc Dã, hắn có một quá khứ đầy nhơ bẩn, một tính cách ngông cuồng, một tên côn đồ xem đánh nhau là niềm vui. Ấy vậy nhưng sâu trong con người ấy là một nội tâm rất phức tạp, một trái tim ấm áp, khao khát muốn yêu và được yêu.


    Thời niên thiếu của anh và em đưa người đọc vào những năm tháng tối đen, mịt mù của Trần Niệm, một cô gái nhỏ bé với thân gầy guộc, nhút nhát và mắc căn bệnh nói lắp, một hình ảnh thường thấy của những đứa trẻ yếu đuối, khiếm khuyết - con mồi. Trần Niệm bị mẹ bỏ rơi lại căn trọ tồi tàn, dột nát và phải đối mặt với những tệ nạn xã hội mỗi ngày. Ở căn trọ ẩm thấp ấy, dường như ánh sáng chưa bao giờ có thể chạm đến gương mặt tiều tụy, hốc hác của cô gái. Và rồi Cửu Nguyệt Hi dần kéo ta vào những góc khuất đáng sợ hơn của cuộc đời Trần Niềm khi cô phải đối mặt với bạo lực học đường. Những bài tập chồng chất, áp lực gia đình và cả những kì kiểm tra đầy khốc liệt, đặc biệt là ở “đất nước tỉ dân” khi kì thi cuối cấp trở thành một gánh nắng quyết định cả cuộc đời của mỗi con người nơi đây. Có lẽ rằng vì sự cạnh tranh quá cao, quá căng thẳng đã đè nặng lên những đôi vai gầy một tảng đá quá lớn khiến chúng buộc phải tìm một nơi để trút bỏ đi những hận thù, ấm ức. Nhưng đáng buồn thay, Trần Niệm lại trở thành con mồi của những cuộc rượt đuổi không ngừng bởi những kẻ bắt nạt. Là nạn nhân của bắt nạt học đường, Trần Niệm không chỉ hứng chịu những lời sỉ vả, lăng mạ, cô còn bị tác động vật lý trực tiếp lên cơ thể. Một thân hình gầy gò, bé nhỏ làm sao có thể chịu đựng nổi những cú tát đau điếng, bị giẫm đạp lên cơ thể, đổ màu đỏ lên ghế ngồi và dùng kéo cắt tóc, quần áo thành từng mảnh vụn. Phải sống trong một điều kiện tồi tàn, tệ nạn và học tập trong một môi trường đầy rẫy nguy hiểm đã dập tắt đi bao ước mơ Bắc Kinh xa vời của Trần Niệm, con đường trưởng thành của cô bị vấy bẩn, ô uế và tủi nhục. 


    Trong cơn hoảng loạn, bế tắc, Trần Niệm tưởng rằng nhà trường và cảnh sát sẽ giúp cô nhưng kết quả cô nhận lại từ những lời van xin khẩn khoản chỉ là một câu nói “hãy chịu đựng, chấp nhận”. Cửu Nguyệt Hi đã khắc họa rất chi tiết xã hội thu nhỏ ấy, về lũ bắt nạt – những kẻ săn mồi và những đứa trẻ yếu đuối, khiếm khuyết – con mồi yêu thích của chúng, về sự thờ ơ, hiếu kỳ của đám đông hèn hạ, về sự cứng nhắc vô cảm của pháp luật đối với trẻ vị thành niên. Tất cả đã tạo nên cho câu chuyện một bầu không khí u ám, khó thở, vừa lạnh lùng lại vừa châm chọc, càng về sau lại càng đậm, giống như một môi trường bị rút cạn dần oxy vậy. Đó là cuộc sống của Trần Niệm, cũng như là cuộc sống của rất nhiều những đứa trẻ nạn nhân của bạo lực học đường.


    Còn Bắc Dã, một tay côn đồ  xem đánh nhau là niềm vui nhưng cũng chỉ môi trường anh sống quá khắc nghiệt, bẩn thỉu đã buộc anh phải sống trong tội ác, tệ nạn.Ngày ngày anh chỉ biết rong chơi lêu lổng với đám bạn lưu manh, sau khi gây sự phá phách lại một mình gặm nhấm sự cô đơn trong khu nhà tập thể tối tăm và ẩm thấp.  Anh cô độc và cộc cằn nhưng sâu thẳm bên trong vẫn luôn nung nấu khao khát được yêu thương, đùm bọc bới hơi ấm bất tận. Bắc Dã chưa bao giờ nghĩ đến tương lai, hoàn toàn buông thả bản thân mình. Nếu không có sự xuất hiện của Trần Niệm, có lẽ vẻ ngoài điển trai là điều tốt đẹp duy nhất mà ông trời ban tặng cho Bắc Dã.


    Nhưng kể từ giây phút Trần Niệm bước vào cuộc đời của Bắc Dã, cô như ngọn đuốc thắp sáng cả chuỗi ngày u ám, đen tối của anh, trở thành nguồn sống duy nhất mà ước ao được che chắn, bảo vệ bằng cả tính mạng. Đối với Bắc Dã, Trần Niệm là người quan trọng nhất với anh trong cuộc đời này. Trần Niệm không hề coi thường anh, là cô gái cho anh biết đến cảm giác rung động trước một người, là cô gái luôn cần anh theo sau bảo vệ và cũng là người duy nhất khiến anh khao khát được về nhà mỗi ngày. Từ ngày cô đến, cuộc đời của anh đã xuất hiện một mục tiêu duy nhất: chở che cho Trần Niệm - người con gái mà Bắc Dã đã dùng tất cả nhiệt huyết để yêu thương. Còn đối với Trần Niệm, Bắc Dã là người cô yêu thương và biết ơn nhất trên đời, bởi chỉ có anh cho cô cảm giác được quan tâm, được chở che, bảo vệ. Bắc Dã của cô là chàng trai có đôi mắt đen đầy kiên định, là chàng trai bắt cô đọc đi đọc lại tên anh, là chàng trai luôn miệng gọi cô là “đồ nói lắp”, là chàng trai đi đến đâu là gây sự đánh nhau đến đó và cũng là người duy nhất đem lại cho cô cảm giác an toàn. Từ ngày anh đến, Trần Niệm đã không còn phải sợ hãi, không còn phải một mình gánh chịu những tổn thương.


    Cười nhạo và bài xích bắt đầu từ nhà trẻ. Ai nói “nhân chi sơ, tính bản thiện”, ai nói “chúng chỉ là trẻ con”? Sự phân chia cấp bậc, kết bè kết phái và chèn ép người khác của trẻ con lại là thứ tàn khốc nhất, nguyên thuỷ nhất. Chúng không giả dối như người lớn, cho nên chúng coi thường ai, ghét ai thì quang minh chính đại biểu hiện ra ngoài, quang minh chính đại ức hiếp người đó, chế giễu người đó, cô lập người đó, đả kích người đó.


  1. Thật may vì con có anh giữa thế gian mục nát


    Chúng ta sống dưới đáy xã hội, nhưng luôn có người ngước lên bầu trời đầy sao.


    Và rồi Trần Niệm gặp Bắc Dã tựa hai đường thẳng song song bỗng nhiên va chạm để rồi chẳng thể thôi quyến luyến. Những tưởng giữa hai đứa trẻ chẳng có sự tương đồng nào, nhưng không, cuộc sống của hai cô cậu đã giao nhau ở cùng một điểm: cô đơn. Họ đều là những đứa trẻ cô đơn. Giữa thế gian mục nát, hoang tàn, ít nhất Trần Niệm vẫn còn một nơi để trở về, một người để che chở, ít nhất Bắc Dã vẫn còn một người yêu thương, truyền hơi ấm nồng đượm cho anh. Giữa xã hội đầy đen tối, cạm bẫy, Bắc Dã đã đứng ra bảo vệ Trần Niệm khỏi bọn bắt nạt, anh trở thành một tên thợ săn che chở con mồi bé nhỏ, yếu ớt khỏi những con thú săn mồi hung tợn. 


    Bắc Dã không giống như một chàng trai ngôn tình trong mơ với vẻ ngoài điển trai và cuộc sống ngập tràn ánh sáng, mà anh lại được khắc họa dưới bộ dạng nhơ nhuốc của một tên côn đồ khiến ai cũng khiếp sợ, có mẹ là gái điếm, cha là tội phạm cưỡng hiếp.Chàng trai ấy cũng giống Trần Niệm, căm ghét mọi thứ, anh sống bất cần, chẳng màng đến tính mạng của chính bản thân mình. Nhưng tất cả đã thay đổi vào ngày hôm đó, cô gái nhỏ tay trói gà không chặt vì thấy anh bị đánh mà gọi 110, còn hôn anh nữa. Nếu nói Trần Niệm là ánh mặt trời đã làm sống dậy trái tim của Bắc Dã, thì Bắc Dã lại chính là điểm tựa vững chãi nhất mà Trần Niệm có được. Giữa thế giới muôn vàn người kia, có bao nhiêu kẻ thanh cao, trong sạch. Vậy mà có ai lương thiện bằng Bắc Dã, trong giây phút mọi người quay lưng lại với Trần Niệm, cậu lại dang tay đem lại cho cô một chút hơi ấm của tình người.


    Giữa Trần Niệm và Bắc Dã dường như không có quá nhiều sự giao tiếp hay lời nói. Giống như nhiều năm sau Trần Niệm nhớ lại, tất cả còn tồn đọng lại trong kí ức của cô chỉ là ánh mắt sâu thẳm của anh, bán tay chai sạm, chắc nịch, mùi mưa, mùi bụi bẩn và đâu đó là mùi tanh của máu nhưng đó là anh, là Bắc Dã của cô, là người duy nhất cô có thể tin tưởng trong xã hội dần sụp đổ này. Khi mọi thứ dần sụp đổ, thậm chỉ cả lòng tin và ước mơ đều bị hiện thực tàn khốc vùi lấp, chỉ cần Bắc Dã còn ở đó thì Trần Niệm vẫn sẽ còn tin tưởng. Chỉ cần là Bắc Dã cô sẽ hoàn toàn tin tưởng vì ở bên anh cô không sợ sệt, cô được sống lại như những thiếu niên bình thường, cô được cười, được khóc, được là thực hiện khát khao đến Bắc Kinh học tập. 

    Mối quan hệ cộng sinh khăng khít giữa Bắc Dã và Trần Niệm bắt đầu từ một giây phút “lo chuyện bao đồng” của Trần Niệm. Cô gái nhỏ tưởng chừng như yếu đuối và nhút nhát ấy khi nhìn thấy cậu nam sinh bị đánh hội đồng đã không hề bàng quan làm ngơ mà lén lút định báo cảnh sát, để rồi bị liên lụy, bị bọn đầu gấu cướp sạch tiền, lại bị ép hôn cậu. Hành động đó của cô đã khiến Bắc Dã ghi nhớ. Ai nói cứ thành phần cá biệt là nhân cách thối tha? Cùng là đầu gấu học đường nhưng Bắc Dã không hề chế giễu tật nói lắp của Trần Niệm. Cậu trả tiền cho cô, đi theo bảo vệ cô, giúp đỡ cô không bị bắt nạt, kiên nhẫn chữa tật nói lắp cho cô, ở bên cạnh chậm rãi cổ vũ, vỗ về cô. Bản thân cậu cũng trầy trật vết thương nhưng cậu vẫn che chở cho cô. Khi trong cơn khủng hoảng nặng nề nhất của tuổi niên thiếu, khi mất lòng tin vào cảnh sát, vào pháp luật, vào “chính nghĩa”, khi chính mẹ ruột cũng vì bận rộn mà chẳng đoái hoài gì đến, Trần Niệm đã lựa chọn Bắc Dã, nương tựa vào cậu, tin tưởng cậu.


    Bắc Dã không phải một nam chính tiêu chuẩn: khi cô gặp nạn cậu đã không đến kịp. Nhưng không vì điều đó mà Trần Niệm mất lòng tin vào cậu. Phải tin tưởng nhiều đến thế nào mới có thể khiến một cô bé khi vướng vào án mạng đã chọn gọi cho một cậu thiếu niên chứ không phải là cảnh sát? Phải yêu nhiều đến thế nào mới có thể khiến một cậu thiếu niên cắn chặt răng vơ hết tội nghiệt vào mình để kéo dài thời gian cho cô thiếu nữ được thi tốt nghiệp? Cao trào cuối truyện thật sự đã bóp nghẹt tim phổi người đọc, ám ảnh lấy trí óc người ta. Sự che chở của Bắc Dã dành cho Trần Niệm, sự tin tưởng của Trần Niệm dành cho Bắc Dã, sự thấu hiểu lẫn nhau của cả hai người khiến người ta phải cảm động, và càng cảm động hơn khi đó mới chỉ là hai cô cậu thiếu niên mười bảy tuổi! Những đứa trẻ thiếu thốn khiếm khuyết, bởi vì có nhau mà vẹn tròn. Thời niên thiếu đau thương của hai người, bởi vì có nhau mà trở nên tươi đẹp. Để đến cuối cùng, chúng ta đều sẽ không nhịn được mà cảm thán: “Thật may là họ có nhau!”.


Trong một lá thư anh hỏi em, có còn tin tưởng, tin sự thật, tin cái đẹp, tin lương thiện, tin bản thân chữ ‘tin’ hay không.


Cảnh sát Trịnh,


Chỉ vì có Bắc Dã, em vẫn tin.


  1. Phần kết

 “Em sẽ đến một nơi tốt hơn nơi đây.” Và trở thành một em tuyệt vời hơn em bây giờ.

“Còn anh?” Cô ngoái đầu nhìn cậu.

“Anh đi đâu cũng giống nhau thôi.” Cậu mỉm cười, nụ cười pha chút cô đơn.

“Anh có muốn… rời miền quê này không?”

“Em nói rời khỏi nơi đây ấy hả?” Đầu ngón tay tiếp tục gảy trên những dây đàn.

“Ừ.”

“Muốn.”

“Khi nào?”

“Nhanh thôi.” Cậu đáp.

Nơi hạnh phúc ấy rồi sẽ hiện lên trong mắt họ nếu như biến cố ấy không xảy ra, nếu như cái gọi là chính nghĩa, cái gọi là pháp luật bảo vệ trẻ vị thành niên ấy không tồn tại. Nhưng đời người mà, làm gì hai từ “nếu như…”

Vậy thì, Trần Niệm, em hãy yên tâm bước tiếp giấc mơ của chính mình, sống thay cho giấc mơ của anh, mọi việc, Bắc Dã thay em gánh hết, không sợ trời đất sập xuống, không sợ cái gọi pháp luật đại diện chính nghĩa, chỉ cần em có niềm tin, chỉ cần, em đừng quên anh…


Tóm tắt bởi: Phương Anh

Hình ảnh: Quỳnh Thanh

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

995 lượt xem

lh-fulllh-x