Toan Bui@Viện Sách - Bookademy
2 năm trước
[Tóm Tắt & Review Sách] "Tỏa Sáng Ở Trường Đại Học": Đại Học Đừng Học Đại
“Có ai không học mà trở thành ông nghè, bả cử đâu? Có ai không học mà được làm bác sĩ, kỹ sư đâu? Bằng cấp không phải là cách duy nhất để chúng ta thăng tiến, có chỗ đứng tốt, nhưng đó là con đường ngắn nhất cho chúng ta khẳng định bản thân, tự tạo cho mình cơ hội tiến thân, làm việc.”
Cuốn sách sẽ là nơi cho những ai đang muốn lượm lặt những thông tin bổ ích về những vấn đề mà một sinh viên có thể thường gặp phải, từ phương pháp học tập cho đến rèn luyện các kỹ năng hỗ trợ, thậm chí cả việc “săn” học bổng và tìm đường du học. Những bạn học sinh vẫn còn được các thầy các cô cầm tay chỉ việc từng li từng tí ở bậc trung học thì khi bước vào giảng đường với cách tiếp cận môn học khác xa sẽ phần nào làm các bạn bỡ ngỡ và có thể sẽ mất thời gian để thích nghi với môi trường mới này. Cuốn sách ra đời cũng phần nào giải quyết những khuất mắt để bạn có thể tự tin hơn trong môi trường học thuật này.
Khi đọc qua đến những trang cuối cùng của Tỏa sáng ở trường đại học, người đọc sẽ thấy bí quyết mà các tác giả đã đưa ra tập trung vào ba điểm chính: Biết đặt mục tiêu học tập cho đúng; Có phương pháp và có kế hoạch thực hiện hiệu quả mục tiêu đã đặt ra; Có ý chí quyết tâm và tự tin theo đuổi đến cùng kế hoạch của mình. Cuốn sách ban đầu đã ra đời vào năm 2012. Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2019, mọi việc đã rất khác – đây là thế hệ sinh viên 4.0, kiến thức đã được cập nhật, cách giảng dạy của giảng viên cũng thay đổi, cách để tiếp thu kiến thức của sinh viên cũng không còn như trước,... Thế là một lần nữa, các tác giả đã ngồi lại cùng nhau để bổ sung thêm, điều chỉnh lại nội dung trong quyển sách để “gần gũi” hơn với thế hệ 2000s.
“Chặng đường học tập ở bậc đại học không mấy dài, nhưng nó là chặng đường quan trọng trong đời người tri thức. Quyển sách này, với trải nghiệm của chính những người đã đi qua chặng đường đó, chắc chắn rất hữu ích cho các sinh viên, giúp các bạn rút ngắn hơn con đường đi đến thành công trong học tập để trở thành người trí thức trẻ có năng lực thực sự.”- TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tác giả
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, người đa dành thời gian quý báu để viết lời giới thiệu tình cảm và súc tích cho quyển sách.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, người đã có những góp ý giá trị để góp phần hình thành nội dung sách từ những ngày đầu tiên, sau đó viết lên chương 1 mang tên “Hành trình đại học”.
Thạc sĩ Huỳnh Thị Minh Châu, người đã viết chương 2 “Động cơ học tập” và dành thời gian để tỉ mỉ vẽ bản đồ tư duy cho toàn bộ nội dung sách để làm ví dụ minh họa, nhằm giúp các bạn sinh viên, độc giả có cái nhìn thông thể về quyển sách.
Tiến sĩ Trương thị Lan Anh đã luôn tâm huyết với sách và viết nên chương 4 “Học như thế nào?”.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Trang người đã thực hiện chương 5 “Sức mạnh của ngôn từ" và một phần nội dung chương 7 liên quan đến việc viết luận văn tốt nghiệp.
Thạc sĩ Phan Văn Tú, người đã vận dụng những kiến thức giảng dạy thực tế để viết nên chương 10 “Sử dụng Internet trong học tập và nghiên cứu”.
Tiến sĩ Lưu Trọng Tuấn, người đã có những tư vấn từ những ngày đầu tiên và cũng trực tiếp viết những trang sách.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền đã chia sẻ kinh nghiệm của mình qua phản phương pháp học Anh văn; cảm ơn Bác sĩ nội trú Nguyễn Hoàng Trung, các bạn Thạc sĩ Nguyễn Phương Duy, Thạc sĩ Đoàn Bảo Châu, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngân Hà, Nghiên cứu sinh Nguyễn Vĩnh Khương, Nghiên cứu sinh Lê Huỳnh Minh Triết, Tiến sĩ Phượng Nguyễn, Hải Nhân đã dành thời gian để chia sẻ những trải nghiệm cùng những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian học ở giảng đường đại học giúp tác giả có được những trang viết về các cách học cho các ngành học khác nhau.
Họa sĩ Thế Thông đã dành thời gian để vẽ minh hoa cho toàn quyển sách này.
Hành trình đại học
Học tập là một hành trình dài – hành trình suốt đời. Song có lẽ, quãng thời gian đại học luôn là chặng đường tích lũy nhiều giá trị nhất và tạo ra nhiều cảm hứng đặc biệt nhất trong suốt cuộc đời của chúng ta. Giới đại học, bao gồm đội ngũ giảng dạy và cả sinh viên, luôn được xem là những người tiên phong, đi đầu trong việc đề xuất các tư tưởng, khuynh hướng nghiên cứu, các giải pháp cho xã hội; hoặc ít ra, ở mức độ thấp hơn, giới đại học cũng phải là những người tiên phong trong việc ứng dụng và cập nhật các nghiên cứu của thế giới vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Đại học là nơi sẵn có không gian đối thoại, cơ hội cọ xát tư duy và sự tôn trọng chân lý.
Không phải vị đại học là bậc học cao hơn các bậc học trước đó, mà là vì bắt đầu ở những chặng đường này, các sinh viên trẻ tuổi sẽ được hấp thu nền giáo dục theo một triết lý hoàn toàn mới so với bậc phổ thông, đó là triết lý giáo dục mà nhiều người vẫn thường gọi là tinh thần đại học. Đây là một khái niệm có thể khái quát bằng ba từ cơ bản: Tư duy (Chứ không phải học thuộc lòng) – Khái quát hóa, bao quát (Chứ không phải chỉ nhìn thấy những điều cá biệt) – Tự do (Cá nhân được tạo điều kiện, được khích lệ để thể hiện quan điểm, năng lực, tài năng của mình).
“Trải nghiệm đáng giá nhất khi bạn bước chân vào đại học là bạn sẽ có cơ hội trưởng thành nhờ được rèn luyện trong một môi trường đề cao tư duy phản biện, sự sáng tạo và khả năng tìm kiếm, phát minh cái mới.”
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam, yêu cầu mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đặt ra như một tiêu chuẩn ưu tiên này phải được các trường đại học lưu ý. Nếu bạn là sinh viên của những ngành họ có xu hướng thực hành thì yêu cầu “làm việc được ngay sau khi ra trường” sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bạn cần tập trung thực tập để áp dụng những điều mình đã học vào thực tế một cách hiệu quả. Sự thuần thục về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ là một đòi hỏi rất nghiêm túc để bạn có thể thành công trong lĩnh vực đã chọn.
Để trở thành một sinh viên thực thụ, bạn cần phải thấm nhuần triết lý sau đây. Đại học là nơi giảng dạy, ươm mầm cho những công việc sáng tạo. Và những sinh viên đại học thực thụ luôn hướng đến những mục tiêu học tập cao hơn thế. Đó là học để vận dụng – học để Sáng tạo. Vận dụng và sáng tạo là hai mức yêu cầu đòi hỏi sinh viên phải tiếp cận kiến thức trong thái độ phản biện toàn diện. Bạn không được dễ dàng chấp nhận những kết luận từ sách vở và kiến thức giảng viên cung cấp vì nó chưa đủ để bạn có thể tiến xa trong lĩnh vực của mình. Bạn buộc phải biết cách đặt các câu hỏi nghi vấn, tìm tòi những khía cạnh mới chưa được nói đến và tự săn lùng câu trả lời dành cho mình.
Những thói quen tốt mà sinh viên đại học cần có như đọc sách, ghi chép tư liệu, chủ động trao đổi kiến thức với bạn bè và giảng viên, đặt câu hỏi, thuyết trình, tham gia đề tài nghiên cứu,... Tinh thần đại học khích lệ bạn đừng dễ dãi chấp nhận những lý lẽ và các kết luận có sẵn. Bạn nên theo đuổi hành trình tìm kiếm, khám phá những lý lẽ và đúc kết của riêng mình. Nếu không kịp chuyển đổi nhận thức về tinh thần học tập, bạn có thể sẽ đối mặt với tình trạng tồi tệ trong khoảng thời gian đầu có mặt ở trường đại học – tình trạng “sốc đại học”.
Câu chuyện của Lê Huỳnh Minh Triết – Tốt nghiệp Thủ Khoa Huy chương Vàng trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) ngành công nghệ thông tin, khóa 2013 – 2017:
“Tôi hiện đang là nghiên cứu sinh năm nhất chuyên ngành khoa học máy tính tại trường Đại học Adelaide – một trong những ngôi trường đại học hàng đầu của Úc cũng như thế giới. Đặc biệt hơn, tôi còn là thành viên trẻ tuổi nhất trong nhóm nghiên cứu của mình. Khi nhớ lại những chặng đường đã qua, tôi nhận ra có ba yếu tố quan trọng giúp tôi thay đổi và trở thành tôi của ngày hôm nay. Đó chính là sự chủ động, lập kế hoạch chi tiết và sự kiên trì đến cùng.
...Nhà trường đã tạo nhiều điều kiện để tổ chức các chương trình ngoại khóa cho sinh viên. Ban đầu, thật ra tôi chỉ tham gia các buổi hội thảo hay hoạt động vì tò mò nhưng một ngày nọ, tôi tình cờ dự buổi lễ chia sẻ về chủ đề ‘Định hướng ở đại học’, Ra về, có ba điều làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều:
(1) ’If you want to have MORE, you have to become MORE’
(Nếu bạn muốn có NHIỀU HƠN, bạn phải cố gắng NHIỀU HƠN.)
(2) ‘It’s time to make a change: If not now, when?’
(Đây là lúc thay đổi: Không phải Bây giờ thì Bao giờ?)
(3) ‘The greatest danger for most of us is not that our aim is too high and we miss it, but that it is too low and we reach it.’
(Điều nguy hiểm nhất với đa số chúng ta là đặt ra mục đích quá cao và bỏ lỡ mất, đồng thời nếu mục đích quá thấp để dễ dàng đạt được thì cũng nguy hiểm không kém.)“
Những thói quen
Khi bắt tay vào làm việc gì đó một cách đều đặn, thường xuyên, dù vô thức, thì chắc chắn các bạn cũng sẽ hình thành thói quen. Và bạn không ngờ rằng chính những thói quen đó sẽ hợp thành tính cách của chúng ta – thói quen tích cực hay tiêu cực sẽ dần dần hiện ra trong nếp sống ta thường ngày. Vì vậy, thời điểm bạn vừa bước vào môi trường đại học chính là thời điểm tốt nhất để bạn tạo lập những thói quen mới phù hợp với môi trường độc lập sắp tới.
Mỗi cá thể chắc hẳn sẽ có cách học tập và làm việc khác nhau, rất riêng theo thời gian cũng như thói quen của mỗi người. Tuy nhiên, nhìn chung , có ba cách học phổ biến: Học thông qua thính giác, học thông qua thị giác và học thông qua xúc giác.
Về cách đầu tiên chắc hẳn không chỉ riêng sinh viên mà con người từ khi sinh ra đã được tiếp xúc. Bạn là người thích học lời giảng, qua cuộc đối thoại và nhận xét, góp ý từ mọi người. Bạn chỉ thực sự học tốt khi ôn bài, thảo luận với một nhóm bạn “chí cốt” của mình. Những nội dung trao đổi bài vở sẽ dễ dàng bám sâu vào trí nhớ của bạn.
Cách học thứ hai là học thông qua thị giác. Những người thuộc nhóm này thường có trí nhớ hình ảnh rất tốt. Nếu bạn thấy mình thích nhìn tranh ảnh, phim, sách, tạp chí, bảng, sổ ghi chú, thường học bằng cách chép ra giấy để thấy nội dung học, thích ngồi ở những bàn đầu để có thể thấy rõ bảng,... thì chắc chắn bạn thuộc nhóm sinh viên này. Bạn có thể sẽ cảm thấy dễ chịu và tiếp thu bài nhanh hơn khi từ từ hình dung lại tất cả mọi hình ảnh bằng cách tóm tắt bài theo sơ đồ hoặc hình vẽ.
Nhóm cuối cùng là nhóm có khả năng tiếp thu kiến thức thông qua xúc giác. Nhóm này thường là kiểu người năng động, có khả năng cảm thụ mạnh và thích thực hành. Nếu bạn là người thích chơi thể thao, ưa di chuyển, đã hoặc đang tham gia một vài câu lạc bộ cả trường, thích hát múa, vẽ vời, thích được tham gia các hoạt động liên quan đến vận động, không thích suốt ngày ngồi ôm quyển sách thì chắc chắn bạn thuộc nhóm người này. Muốn học bài tốt thì bạn phải chịu khó hơn các bạn ở nhóm khác. Khi học bài, bạn có thể đi đi lại lại, đứng lên ngồi xuống hoặc làm bất cứ động tác nào mà khiến bạn có thể tiếp thu nhanh nhất bài vở thì bạn cứ thoải mái. Có khi việc vận động sẽ phần nào giúp bạn tiếp thu bài tốt hơn, nghĩ ra một ý tưởng hay hơn và tìm ra được lời giải cho vấn đề hiện tại của mình.
Học như thế nào?
Theo anh Nguyễn Phương Duy – Tốt nghiệp huy chương Bạc khoa Điện – Điện tử, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM năm 2006 – 2011 cho biết rằng hầu hết các bạn sinh viên cho rằng các môn trong khối kinh tế - chính trị - xã hội là không cần thiết. Trong khi đó hầu hết các bạn sinh viên đều có một số điểm không mấy cao nếu học lơ là các môn “xương xẩu” này. Phương pháp của anh là chủ động sắp xếp thời gian và học cuốn chiếu theo từng phần nhỏ, tức là học đến đâu phải nắm vững nội dung học đến đấy. Việc chia nhỏ các mảng kiến thức không chỉ cần cho các môn chính trị mà còn đối với tất cả các môn học khác. Nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ hạn chế được nhiều khả năng quên bài trong phòng thi vì các ý chính của từng phần bạn đã nắm rõ, chỉ cần viết nó lại ra giấy, triển khai dần các ý đó ra và “phục hồi nguyên trạng” toàn bộ nội dung cần phân tích.
Việc ghi nhớ các phần kiến thức bản thân đã nhồi nhét vào đầu và giữ chúng trong một thời gian dài cũng là một mối quan tâm lớn đối với sinh viên hiện nay. Có rất nhiều cách để bạn có thể lặp đi lặp lại những thứ cần nhớ của bạn để não bộ có thể ghi nhớ được sự vật, sự việc đó một cách sâu sắc và lâu dài hơn. Nhưng cách tốt nhất tôi nhận thấy ở cuốn sách này là nếu bạn muốn ghi nhớ một cái gì đó, bạn sẽ có thể làm tốt hơn nếu bạn làm nó, sử dụng nó, cảm nhận nó, ngửi nó, nếm nó, dạy lại nó cho người khác, lắng nghe nó hay vẽ nó ra. Chung quy lại là bạn phải hành động nếu bạn muốn nhớ nó.
“Chúng ta nhớ những gì đã học qua vị trí và hoàn cảnh ta học chúng.”
Bên cạnh việc chia nhỏ các mảng kiến thức và xử lý chúng một cách tuần tự, ghi nhớ được chúng thì bạn cũng đừng quên để ý đến việc nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng bản thân sau một ngày học tập mệt mỏi. Nếu bạn cứ cố chấp vào việc học một mạch và liên tục đến ngày thi mà không có chế độ nghỉ ngơi thích hợp, hoạt động thể dục, thể thao và ăn uống không đảm bảo tính thống nhất thì việc học của bạn cũng sẽ phần nào không đem lại nhiều hiệu quả.
Bên cạnh đó, có hai hội chứng tâm lý sau đây có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn cũng như ngăn cản quá trình tái tạo năng lượng cho việc học. Thứ nhất là hội chứng “Bàn làm việc”. Hãy nhìn lại chiếc bàn học nơi mà bạn thường hay sử dụng để giải các bài tập về nhà hay chạy deadline, đồ án. Nó có bề bộn hay không? Nó có những cuốn sách phủ bụi đã bao lâu rồi bạn không động đến? Thỉnh thoảng chúng ta nên dành ra chút ít thời gian để dọn dẹp lại bàn học của mình. Theo ý kiến cá nhân tôi thì một chiếc bàn học tối giản về hình thức sẽ khiến cho độ tập trung của bạn vào các bài tập sẽ cao hơn, bạn sẽ không còn bị xao nhãng giữa các giờ nghỉ mắt hay không bị đống đồ dùng không cần thiết kia làm cho hoảng loạn và cảm thấy khó chịu nữa.
Đối với hội chứng tâm lý thứ hai, đó là “Nomophobia”. Thời đại công nghệ thông tin, mọi thứ cần tìm hầu như có sẵn trên mạng. Bạn chỉ cần tìm đến youtube hay google là đã có thể nắm được gần như hầu hết mọi thông tin trên thế giới. Bạn có thể sẽ dành thời gian cho gia đình và bạn bè cho chiếc điện thoại hay máy tính. Các hoạt động xã hội sẽ dần trở nên xa lạ với bạn. Thế giới gọi hội chứng này là “Nomophobia” (Viết tắt của no – mobile – phone phobia). Việc cai nghiện hội chứng này tuy rằng không phải không khả thi nhưng có thể sẽ mất rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn của bạn.
Bí quyết 1%
Con người không tự nhiên mà có tính cách hoàn hảo, kiến thức toàn diện, càng không thể tự nhiên giỏi giang và thành đạt. Tất cả chúng ta đều phải học, mỗi ngày, từng chút một. Những mảnh đất kiến thức còn hoang sơ và lạ lẫm sẽ dần được chúng ta khám phá. Để có được sự toàn diện này, điều quan trọng hơn cả là bạn cần có một thái độ tốt đối với chính mình và xã hội. Hãy ghi chú và dán những mong ước, những hoài bão của mình vào những nơi mà bạn có thể sẽ đảo mắt nhìn qua hàng ngày như một cách nhắc nhở bản thân về quyết tâm của mình. Bạn sẽ tích góp các nỗ lực bé nhỏ mỗi ngày và biến nó thành một điều vĩ đại trong tương lai, đó là bí quyết 1%.
“Mỗi ngày, bạn thay đổi ‘1%’ thì ‘1%’ đó sẽ tích góp lại, đến một ngày nào đó, bạn thấy mình đã đi được một đoạn đường rất xa, con người mình tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn và thông tuệ hơn.”
Hãy thực hiện bí quyết 1% thường xuyên và đều đặn, ít nhất là mỗi ngày một lần. Khi bạn tiếp cận nhiều với hướng suy nghĩ tích cực, bạn càng nhanh đạt được những mục tiêu đã đề ra. Bạn hãy dành thời gian để đọc lại mục tiêu của mình, xem mình đã làm được gì với thái độ lạc quan, kiên định và nhẫn nại. Sẽ không có bất kỳ phép màu nào biến nỗ lực ngắn ngủi trở thành thành quả ngay lập tức. Thay đổi trong hành động mỗi ngày sẽ hình thành thói quen mới, lấn át những thói cũ và chẳng mấy chốc bạn sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ về tổng thể - trong kết quả học, trong tính cách và cuộc sống của mình
Những ý tưởng, mục tiêu xuất hiện trong đầu bạn chính là bước khởi đầu cho thành công sau này. Đó là 1% đầu tiên. Đừng dừng lại ở con số 1% đó mà hãy tăng dần mỗi ngày. Suy nghĩ tích cực và quyết tâm đạt được ước mơ sẽ giúp bạn hiện thực hóa những hoài bão tươi đẹp mà trước đây đã nhiều lần bạn nghĩ chỉ là những thứ hão huyền, viển vông.
Việc nỗ lực ít nhưng đổi lại kiên trì sẽ có lợi cho bạn hơn và việc bạn gánh trên vai áp lực nặng hơn mức bình thường gấp 2 hay 3 lần chỉ trong một vài quyết định. Điển hình là việc học song ngành, việc này đòi hỏi sinh viên có khả năng xuất sắc trong việc quản lý thời gian hàng ngày. Thời khóa biểu dày lên gấp đôi nên bạn cần phải cân nhắc trước khi quyết định vì nếu học quá nhiều thì chất lượng cho mỗi môn học sẽ bị giảm xuống đáng kể, mức độ tập trung cũng thấp hơn. Nếu bạn muốn rút ngắn thời gian học văn bằng 2 xuống thì bạn nên lựa chọn phương pháp học này, lời khuyên dành cho bạn là hãy đăng ký vào đầu năm 3 hoặc năm 4 vì như vậy thời gian bạn học cả 2 trường sẽ chỉ giảm xuống còn 1 đến 2 năm.
Một lựa chọn khác tốt hơn là bạn có thể cân nhắc là học văn bằng hai sau khi đã hoàn thành chương trình đại học. Hiện nay, các chương trình văn bằng hai chỉ kéo dài trong 5 – 6 học kỳ và được tổ chức vào buổi tối nên bạn vẫn có thể vừa đi làm vừa đi học. Tuy có thể mất nhiều thời gian hơn so với khi bạn đăng ký học chuyên ngành nhưng đây là giải pháp tốt chất để bạn đẩy chất lượng học tập của bạn lên mức cao nhất.
Vừa học vừa làm
Vấn đề vừa học vừa làm chắc hẳn sẽ được các bạn tân sinh viên quan tâm rất nhiều. Không phải sinh viên nào cũng được gia đình chu cấp cho đầy đủ phí sinh hoạt và học tập, thế nên câu trả lời là bạn hãy mạnh dạn tìm cho mình một công việc làm thêm phù hợp với quỹ thời gian, sức khỏe và khả năng của bạn. Tuy nhiên, bạn đừng vội lao đầu vào cuộc mưu sinh khi vừa chân ướt chân ráo đến giảng đường, hãy dành một khoảng thời gian để ổn định chỗ ở, làm quen với môi trường và phương pháp học tập mới... Sau đó khi đủ vững vàng thì bạn hãy tìm cho mình việc làm thêm. Bên cạnh đó, nếu bạn tìm được cho mình công việc phù hợp và có thể bổ sung thêm kiến thức cho chuyên ngành bạn đang theo học thì sẽ tốt hơn là làm những việc part – time khác như chạy xe công nghệ, nhân viên phục vụ, lễ tân,....
Khi đi làm, sẽ luôn có những rắc rối mà chúng ta buộc phải đối mặt mỗi ngày: Đi làm trễ, tranh luận với sếp, cãi nhau với khách hàng, bị nghi ngờ về một lỗi lầm mà không phải mình gây nên,... Khi bắt đầu làm thêm, bạn cũng nên thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể để tránh tình trạng “ngủ thêm một tí nhưng lại là một tiếng”.
Bạn nên thay đổi lối sống và thái độ của mình để có thể hòa nhập với môi trường việc làm bán thời gian. Vì là công việc bán thời gian nên đôi khi cấp trên sẽ lơ là và không thông báo bạn một số quy định hay cũng như những lỗi dễ mắc phải. Nên bạn cần lưu ý phải chủ động thường xuyên hỏi han về công việc.
Trong những trương hợp đi trễ, đừng tìm lý do nghe có vẻ lọt tai nào đó để lấp liếm, mà nên nhanh chóng gọi điện báo với cấp trên trực tiếp. Hãy luôn thành thật trước lỗi sai của mình, chịu khiển trách, chấp nhận bị phạt hay bị trừ lương và sau đó rút kinh nghiệm, không phải làm ầm lên và tỏ thái độ với cấp trên, như vậy chỉ thiệt thòi hơn cho bạn. Đối với những tình huống cự cãi với khách hàng, bạn phải chắc rằng mình luôn nằm lòng câu nói “khách hàng là Thượng Đế”.
Tính trung thực cũng luôn được quan tâm trong suốt quá trình làm việc. Một số bạn có thể rơi vào thế “tình ngay, lý gian” vô cùng khó xử khi bị nghi ngờ lấy trộm hàng hóa của cửa hàng hay đồng nghiệp. Nếu chẳng may bạn rơi vào tình huống này thì cách xử lý khôn ngoan nhất là thể hiện sự thẳng thắn, trung thực và kiên quyết không buông xuôi khi bạn thực sự không làm điều sai trái. Thái độ, cung cách làm việc của bạn sẽ chứng minh rằng bạn trong sạch.
Lời kết
Nội dung Tỏa sáng ở trường đại học vẫn còn rất nhiều mục hay và bổ ích trong việc hỗ trợ các bạn thật tốt cho con đường đại học sắp tới. Bạn có thể tự tìm đọc và đúc kết cho bản thân những phương pháp phù hợp và hữu ích đối với bản thân. Khi bạn chọn quyển sách này nghĩa là trong bạn đang ấp ủ kỳ vọng vượt lên bản thân trong môi trường đại học – để vươn tới thành công rực rỡ trong cuộc sống và sự nghiệp sau này. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tác giả, những người dù bận rộn với công việc hàng ngày những vẫn dành chút thời gian góp phần xây dựng cuốn sách hữu ích và thực tế này.
-----------------------------------------------------------
Tóm tắt bởi: Minh Toàn - Bookademy
Hình ảnh: Minh Toàn
-----------------------------------------------------------
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
287 lượt xem