Nghĩa Trần@Viện Sách - Bookademy
3 năm trước
[Tóm Tắt & Review Sách] “ Tôi Từng Nghĩ Mọi Thứ Sẽ Ổn Khi Trở Thành Người Lớn”: Nỗi Buồn Của Người Lớn
“Tôi uống rượu, chìm đắm vào game, bỏ việc đi du lịch, nhưng không có gì khác đi. Tôi căm ghét xấu hổ với bản thân vì để mình mắc phải chứng trầm cảm, tôi cố tự phủ định và trốn chạy khỏi con người yếu đuối, vô dụng của mình. Tôi không ngừng khước từ, chỉ trích, dằn vặt bản thân vì chứng bệnh trầm cảm mà mình mắc phải”.
Trong cuộc sống, có đôi lúc chúng ta cảm thấy sự muộn phiền vì những điều vô cùng nhỏ nhặt. Khi ta lỡ vấp chân vào giường, một vài lời nói vô tình từ người bạn của ta, cơn mưa bất chợt đến hay một sự việc không đúng với ước muốn của ta. Nỗi âu sầu đó càng trở nên nặng nề khi ta gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn như khi bị oan ức, khi người ta yêu rời bỏ ta, áp lực công việc, vấn đề tài chính,..
Khi nhắc tới bệnh, mọi người thường chỉ nghĩ đến những căn bệnh về thân thể mà thờ ơ với các căn bệnh liên quan đến tinh thần, nếu ai đó mở lòng ra nói với xã hội rằng họ bị trầm cảm thì thường thay vì nhận được sự quan tâm động viên họ mặc nhiên bị gán nhãn là người có vấn đề về tính cách và nhận thức như “ lo lắng vớ vẩn”, “ tính làm quá vấn đề” hay tệ hơn là một vài câu nói như con dao ngàn lưỡi đâm sâu vào trái tim người bị bệnh trầm cảm: “ sướng quá hóa rồ”, “ có mỗi tí chuyện còn không chịu đựng được thì sau này làm được gì” ,” xưa bằng tuổi mày tao phải chịu đựng nhiều thứ hơn” hay “ đủ ăn đủ mặc vẽ ra đủ trò”,…
Trầm cảm là căn bệnh đứng thứ tư trong danh sách mười căn bệnh đáng sợ nhất đối với nhân loại do Tổ chức Y tế Thế giới xếp hạng. Căn bệnh này phổ biến đến mức cứ năm người lại có một người mắc phải. Dù cho bạn có là ai thì một sự thật không vui rằng chúng ta đều có thể sẽ bị mắc phải bệnh trầm cảm. Không phải là tôi đang trù ẻo bạn mà đang cảnh báo tới bạn. Tôi và bạn những người đang đọc bài viết này, chúng ta đang sống trong một xã hội có điều kiện hoàn hảo và dễ dàng để mắc căn bệnh trầm cảm hơn bao giờ hết.
Mặc dù bị mắc trầm cảm thì rất tồi tệ nhưng bản thân căn bệnh trầm cảm không có gì đáng trách, nó cũng như bao căn bệnh khác có nguyên nhân và gốc rễ, là quá trình tích tụ từ nhiều yếu tố giờ mới đủ đẩy để hiển hiện ra ngoài, đây là lời cảnh tỉnh cho cơ thể ta rằng đã đến lúc dừng lại một nhịp chăm sóc bản thân mình kỹ càng hơn một chút. Nhưng có vài người thay vì bình tâm tìm giải pháp từ từ điều trị bệnh, thì đối với họ trầm cảm là một lời nguyền, họ sợ hãi, họ sợ bị mọi người phát hiện rằng bản thân bị trầm cảm, chính sự lo lắng mặc cảm càng ngày càng khiến cho bệnh tình của họ trầm trọng hơn. Con người thường sợ những thứ mà họ không hiểu rõ, vì vậy việc tự trang bị cho bản thân kiến thức và cái nhìn đúng đắn về bệnh trầm cảm là rất quan trọng. Khi đã có những hiểu biết về bệnh trầm cảm chúng ta có thể tự tin bảo vệ bản thân mình cũng như những người thân yêu xung quanh mình một cách tốt hơn.
Được thai nghén và ra đời ở Hàn Quốc, xứ Kim Chi hào nhoáng nhưng cũng bi ai, nơi mà tỉ lệ người tự tự vì trầm cảm xếp hạng cao ở Châu Á. Tác phẩm “ Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn” đã nhanh chóng tạo được tiếng vang cho bản thân nó khi được ra mắt. Top 1 cuốn sách được tìm kiếm với từ khóa về Trầm Cảm, được độc giả cả nước săn lùng, giữ vị trí Top 10 cuốn sách Tâm lý bán chạy nhất 6 tháng cuối năm 2019. Hơn 1 triệu bản đã được bán ra kể từ khi ra mắt tại Hàn Quốc.
Giới thiệu về tác giả
Sách là đứa con tinh thần của 2 tác giả: Kim Haenam và Park Jongseok
Kim Haenam sinh năm 1959 tại Seoul, tốt nghiệp Đại học Y- Đại học Goryeo và làm việc suốt 12 năm với cương vị bác sĩ chuyên khoa phân tâm học tại Bệnh viện Tâm thần Quốc gia.
Park Jongseok tốt nghiệp Đại học Y- Đại học Yonsei và hoàn thành chương trình cao học của Đại học Yonsei.
Tóm tắt tác phẩm
“Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn” một cuốn sách giúp chữa lành tâm hồn tổn thương cho những vấn đề mà người ta phải đối mặt khi là người lớn. Sách là tập hợp nhiều kinh nghiệm thực tiễn thông qua câu chuyện của các bệnh nhân mà bác sĩ Kim Haenam từng điều trị, tư vấn, không những thế bản thân tác giả cũng là người từng bị mắc bệnh trầm cảm, nên hơn ai hết ông hiểu rất rõ những nỗi đau mà người bệnh mắc phải, khi đọc tác phẩm ta không chỉ được cung cấp những kiến thức bổ ích mà còn thấy mình hòa vào tâm lý từng bệnh nhân, thấu hiểu và cũng cảm thấy đau đớn trước những thứ mà họ phải trải qua. Đó là quá khứ bị ngược đãi, những suy nghĩ phi logic với người thường nhưng với họ đó lại là sự hiển nhiên không cần bàn cãi, những áp lực nặng nề mà họ phải chịu đựng,..
21 chương sách diễn tả chi tiết 21 căn bệnh mà người lớn hiện đại mắc phải. Một vài căn bệnh chúng ta đã từng nghe qua như: ám ảnh cưỡng chế, rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay những căn bệnh với cái tên rất lạ: hội chứng trầm cảm sau thành công, burnout, working mom,...
Bố cục từng chương rất chặt chẽ, luận điểm phân tích theo bố cục gồm 3 phần. Đầu tiên là giới thiệu về triệu chứng của bệnh, sau đó phân tích vào các câu chuyện của từng bệnh nhân để làm ví dụ minh họa, đào sâu nguyên nhân gốc rễ của các căn bệnh và cuối cùng là đưa ra các lời khuyên giúp điều trị bệnh.
Mặc dù là một cuốn sách viết về tâm lý và y học nhưng sách không hề mang nặng tính học thuật mà có giá trị ứng dụng thực tiễn rất cao, với bất kì bạn đọc nào dù là người mới chưa từng đọc các sách về tâm lý thì cũng đều có thể dễ dàng hiểu được những kiến thức trong sách, dưới mỗi thuật ngữ chuyên ngành đều được tác giả giải thích rõ ràng, các ví dụ sinh động giúp người đọc có cái nhìn bao quát về hiện trạng căn bệnh chứ không chỉ dừng lại ở những triệu chứng khô cứng thông thường trong các tài liệu y học.
Thứ diễn ra trong suy nghĩ của người bệnh trầm cảm
Thứ đầu tiên mà tôi rút ra được khi đọc tác phẩm chính là hiểu được sự mâu thuẫn đối lập giữa suy nghĩ của những người bình thường và những người bị mắc bệnh trầm cảm.
Những suy nghĩ cũng hệt như dòng nước vậy. Đặc tính của nước là chảy theo dòng, nước chảy từ chỗ thấp, nước hợp sức lại với nhau để đào mặt đất lên, tạo ra dòng chảy cho riêng nó. Những dòng nước này tụ hợp lại một nơi, để biến thành suối, thành sông. Khi một dòng sông đã xuất hiện, những dòng nước nhỏ khác cũng không cần phải suy nghĩ, cứ chảy theo dòng sông đã được hình thành.
Dòng chảy của sông một khi đã được hình thành thì ta rất khó có thể thay đổi nó, dòng sông đó sẽ tiếp tục hút những dòng nước nhỏ khác chảy theo. Các suy nghĩ cũng là những dòng chảy liên tục. Khi có những kích thích, được các giác quan thu nạp, mã hóa và truyền đến não bộ của chúng ta, sau đó não bộ sẽ phân tích và đưa ra cách phản hồi tương ứng. Và những thông tin đó cứ tích lũy dần từ ngày này qua ngày khác và cuối cùng sẽ hình thành nên “ dòng chảy” cách mà chúng ta sẽ phản ứng.
Những người từ bé trải qua nhiều tổn thương lớn nhỏ khác nhau hoặc một người phải trải qua nhiều nỗi đau mất mát họ bắt đầu nhìn cuộc sống bằng con mắt tiêu cực, dần dà nó trở thành thói quen của họ.
Các suy nghĩ của họ rất phi logic nhưng đặt trong hoàn cảnh mà những suy nghĩ đó được sinh ra thì đây lại là một câu chuyện khác. Một đứa trẻ nếu được nuôi dạy trong môi trường mà nhận được nhiều lời mắng hơn là lời khen, khi lớn lên đứa trẻ sẽ có xu hướng tự ti và sợ sệt nhiều hơn, khi đi qua một đám đông, có thể mọi người chỉ đang nói chuyện với nhau không liên quan gì đến họ nhưng vì tự ti họ sẽ nghĩ mọi người đang nói xấu mình, hay như nếu một đứa trẻ chịu quá nhiều bất công khi còn be, lớn lên nếu phải chịu các bất công họ cũng sẽ nghĩ mình mặc nhiên phải chịu đựng những điều này, khả năng phản ứng của họ đã bị tê liệt.
Phụ nữ đi làm, một điều hết sức bình thường trong xã hội ngày nay, nhưng chúng ta đang quên mất một điều rằng họ không những đang phải ganh đua để được làm tốt công việc giống như những người đàn ông mà còn phải đảm bảo thực hiện thật tốt thiên chức của mình “ một người mẹ”. Sự áp lực đó đè nén lên đôi vai họ khiến họ càng ngày càng trở nên tiều tụy.
Chúng ta cố gắng khuyên họ “ bạn phải phản kháng đi chứ, không thể để mình bị đối xử bất công như thế” hay giống như cách tôi khuyên mẹ mình “ mẹ đừng suy nghĩ và lo lắng nhiều như thế”. Hóa ra những gì chúng ta nghĩ nó bình thường không đáng bận tâm nhiều, chúng ta buông bỏ nó một cách nhẹ nhàng thì đối với họ nó là một thứ nặng nề và lớn lao dù có muốn cũng không thể đặt xuống.
Họ cần chúng ta
Nếu những người thân yêu bên cạnh chúng ta bị mắc bệnh trầm cảm chúng ta cần làm gì để giúp họ? Bác sĩ Kim nhấn mạnh rằng trong việc điều trị các chứng bệnh liên quan đến tâm lý nói chung và trầm cảm nói riêng thì nhân tố gia đình bạn bè và cộng đồng là vô cùng quan trọng.
Người mắc trầm cảm tâm trạng của họ lên xuống hệt như một đoàn tàu lượn siêu tốc trong công viên vui chơi vậy, đôi khi họ không thể tự ý thức được hành động của mình nữa. Các bằng chứng về khám nghiệm hiện trường một số vụ nhảy lầu thì phần lớn các nạn nhân đều có biểu hiện tay ôm lấy đầu, tức là ngay trước tử thần họ ý thức được bản thân không hề muốn chấm dứt cuộc sống cố gắng ôm lấy phần trọng yếu nhất của cơ thể mong được sống. Sự có mặt của chúng ta ở bên cạnh họ vừa là để quan sát họ tránh những sự việc đáng tiếc, ngoài ra đối với những người bị bệnh trầm cảm mà nói, thế giới nội tâm của họ vốn dĩ đã rất tăm tối và trống rỗng, chính sự xuất hiện của chúng ta là niềm an ủi lớn nhất với họ. Nhiều khi đối với người bị bệnh trầm cảm mà nói, thứ họ cần chỉ là có người ở bên cạnh, cho họ thấy họ vẫn được quan tâm. Hay đối với những bệnh nhân bị bệnh lo lắng, khi họ sợ hãi hãy nắm lấy tay họ cho họ biết mọi thứ an toàn.
Nếu đó không phải là người thân yêu của ta thì sao, vậy thì ta càng phải thương những người bệnh đó nhiều hơn. Họ không hề có lỗi khi chẳng may bị mắc bệnh trầm cảm, những người thân yêu của chúng ta họ còn có chúng ta yêu quý, nhưng những người bệnh xa lạ kia liệu họ có may mắn như thế. Chính vì vậy khi chẳng may gặp một người trầm uất, một người muốn rời bỏ nhân gian, xin đừng bàng quan, chỉ một vài cử chỉ quan tâm từ một người không quen như chúng ta đôi khi có thể cứu được cả một con người.
Lần tới nếu có một người bạn hay người thân của bạn có gọi điện thoại than mệt mỏi với bạn lúc đêm khuya, hãy lắng nghe và thông cảm cho họ vì bạn là người mà họ tin tưởng nhất để giãi bày, khi ai đó vì quá căng thẳng mà bực mình với bạn, hãy tạm thời bỏ qua và đợi khi họ bình tĩnh hơn vì cơn giận đó không phải bản chất của họ mà chỉ đơn giản là sự phát tiết những cảm xúc căng thẳng đã tích trữ từ quá lâu mà thôi. Chúng ta hãy giúp đỡ họ bằng tình yêu thương và lòng vị tha thứ mà không bất kỳ viên thuốc đắng nào có thể hiệu nghiệm hơn được.
Hãy tự giúp chính mình
Có một câu nói rất hay thế này: “ Dù cho có hàng ngàn cánh tay cố cứu lấy bạn, có đưa tay ra hay không vẫn nằm ở quyết định của bạn”. Mọi người sẽ không thể nào cứu một người mà không cố cứu lấy bản thân được.
Sau khi đọc và tìm hiểu cả 21 căn bệnh được đề cập trong sách, chiếm hơn một nửa trong số đó là các căn bệnh có nguồn gốc từ yếu tố môi trường. Dòng chảy của suy nghĩ được hình thành và tích lũy qua thời gian, chính vì thế việc một người ở quá lâu trong môi trường nhiều suy nghĩ tiêu cực độc hãi và áp lực sẽ dẫn đến người ta bị mắc bệnh.
Việc chúng ta cần phải làm để giúp lấy chính bản thân mình khi chẳng may mắc bệnh đó chính là cố gắng tránh càng xa càng tốt môi trường sống tiêu cực khiến bệnh tình của chúng ta ngày càng trầm trọng hơn. Thử tưởng tượng mà xem hàng ngày bạn cứ tiếp nhận các thông tin về drama, án mạng, chiến tranh, dịch bệnh thì liệu bạn có vui vẻ được hay không, tôi không hề phủ nhận vai trò của việc nắm bắt các tin thời sự, nhưng hãy thật tỉnh táo và không ngoan biết có chừng mực. Không khó để nhận ra một vài các biểu hiện nhẹ của căn bệnh trầm cảm mà người trẻ ngày nay dễ mắc phải: mệt mỏi dù không làm gì, không còn niềm vui, rối loạn giấc ngủ,... Nếu sự tiêu cực đó bắt nguồn từ gia đình nơi bạn đang sống, bác sĩ Kim đưa ra lời khuyên bạn hãy thẳng thắn nói chuyện với bố mẹ về điều đó, nếu đó là nơi bạn làm việc hãy nghỉ việc, có thể bạn sẽ lo lắng về vấn đề tài chính nhưng về lâu về dài việc bạn cố gắng chịu đựng áp lực đã đè nén quá nặng lên tinh thần của bạn chẳng khác nào hút thuốc là để kiếm tiền sớm muộn cũng bị ung thư phổi mà thôi.
Tiếp theo là việc u sầu, có một số người bị mắc bệnh họ cảm thấy buồn không vì bất cứ một lý do gì ngay cả khi họ đang sống trong một môi trường tốt. Vậy họ cần làm gì? Bác sĩ Kim Haenam đã đưa ra lời khuyên rằng “ Từ trái nghĩa với u sầu không phải là hạnh phúc mà là sống động”. Đúng vậy, bạn không thể cứ ngồi đó nằm đó lười biếng mong chờ mình sẽ bớt u sầu, ta phải sống, phải di chuyển, mỗi ngày đều cố gắng thay đổi một chút đó là cách duy nhất để thoát khỏi cơn u sầu. Nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, bạn phải bước ra ngoài chứ không phải là tiếp tục ở trong nhà, bạn cảm thấy mình bị bỏ rơi, vậy bạn đã thử gọi điện về cho bố mẹ chưa? Hãy hành động dù chỉ là một chút, sự tích lũy về lượng sẽ có lúc làm thay đổi về chất.
Cuối cùng chính chúng ta nếu những người bị mắc trầm cảm thì phải hiểu đúng đắn rằng, trầm cảm không phải căn bệnh đáng sợ không có thuốc chữa, chúng ta cũng sẽ không bị ghét bỏ nếu mắc bệnh trầm cảm. Hãy chấp nhận sự tổn thương về mặt tinh thần và từ từ chữa lành nó chứ không phải là thù địch, tìm cách tránh né, khước từ sự thật. Trầm cảm không phải là một cái hàng mà là một đường hầm cuối đường hầm đó là ánh sáng đang chờ đợi ta bước đến.
Kết luận
Tác phẩm giống một cuốn bách khoa thu nhỏ về căn bệnh trầm cảm, trang bị cho chúng ta hành trang sinh tồn khi bước vào cuộc chiến của người lớn. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nói rằng sách viết quá chung nhất, chưa phân tích lập luận đủ sâu về các căn bệnh, nhưng dưới tư cách một bạn đọc không chuyên tôi nghĩ rằng tác giả cố lược bỏ những phần kiến thức quá nặng nề để giúp cho sách đến được với nhiều người hơn. Đây là một cuốn sách hay, có tính ứng dụng cao và ai cũng nên đọc một lần, đặc biệt là những người sắp làm người lớn hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước khi bước vào cuộc hành trình và những người lớn đang gặp khó khăn, áp lực tâm lý với cuộc sống hãy tìm đến sách để được chữa lành.
Tóm tắt bởi: Nghĩa Trần - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
869 lượt xem