Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách]: “ Totto - Chan Bên Cửa Sổ ” : Sức Mạnh Của Giáo Dục

Bạn đã bao giờ ngồi lặng lẽ một mình, hồi tưởng về quá khứ và bất chợt mỉm cười? Điều gì khiến bạn nhớ nhất? Có lẽ sẽ không ngoa khi nói rằng, trong những mảnh ghép ký ức ấy, thời học sinh luôn là một phần đáng nhớ và sâu đậm trong thâm tâm của mỗi người. Người ta thường ví: “Tuổi trẻ như cơn mưa rào, dù biết lạnh nhưng vẫn muốn tắm lại một lần nữa”. Thời gian trôi qua không thể quay ngược, và chính vì thế, thanh xuân trở thành khoảng thời gian đẹp đẽ nhất, đặc biệt với những ai từng trải qua thời cắp sách đến trường. Đó là một thời để yêu thương, để mơ mộng, và để nhớ mãi. 


Cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ sẽ cùng bạn quay ngược về những tháng ngày ấy, khơi dậy những ký ức trong trẻo của thời học sinh vô tư, đầy nghịch ngợm và cả những kỷ niệm khó quên. Không những thế, cô bé Totto sẽ mở ra cho độc giả một góc nhìn mới mẻ hơn về những đứa trẻ mà ta hay coi là “ trẻ hư ”, đồng thời cuốn sách còn khắc hoạ tầm quan trọng của việc giáo dục.


I. TÁC GIẢ

“ Tetsuko Kuroyanagi sinh ngày 9 tháng 8 năm 1933 ở Tokyo. Bà là nhà văn thiếu nhi, đồng thời là một diễn viên và người dẫn chương trình truyền hình rất nổi tiếng tại Nhật Bản. Bà là người sáng lập ra quỹ Totto Foundation, đặt tên dựa theo cô bé Totto-chan trong cuốn sách nổi tiếng nhất của bà. Quỹ Totto Foundation đào tạo các diễn viên điếc một cách chuyên nghiệp, nhằm hiện thực hóa ý tưởng mang hát kịch đến với những người điếc của Kuroyanagi.

Năm 1984, bà được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, và là người châu Á đầu tiên ở vị trí này. Trong những năm cuối thập kỷ 80 và thập kỷ 90, bà đã đến thăm rất nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á và châu Phi để làm từ thiện và thực hiện các nhiệm vụ thiên chí, giúp đỡ trẻ em đang phải chịu cảnh thiên tai và chiến tranh, đồng thời nâng cao sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với trẻ em tại những nước nghèo. Kuroyanagi quyên góp được hơn 20 triệu đô la cho các chương trình của UNICEF mà bà có tham gia hoạt động qua các chiến dịch quyên góp trên truyền hình. Bài cũng ủng hộ tiền bản quyền của cuốn Cách Totto chan cho UNICEF. ”


II. TÁC PHẨM

     A. Tóm tắt

Totto-chan bên cửa sổ xoay quanh câu chuyện về cô bé Totto-chan, một cô bé đầy hiếu kỳ và tinh nghịch. Vì tính cách khác biệt ấy, ngay từ khi bước chân vào lớp một, Totto-chan đã bị nhà trường cho thôi học vì không phù hợp với phương pháp giáo dục truyền thống. Thay vì trách mắng hay nản lòng, mẹ của Totto-chan đã quyết định chuyển cô đến một ngôi trường mới, đó là trường Tomoe do thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku quản lý. Đây không phải là một ngôi trường bình thường, mà là nơi mang đến một nền giáo dục độc đáo, khác lạ nhưng vô cùng tuyệt vời, giúp mỗi học sinh như Totto-chan có được tuổi thơ đáng nhớ và sâu sắc.


Tại Tomoe, Totto-chan và khoảng 50 học sinh khác được học tập và trưởng thành trong một môi trường giáo dục tự do, sáng tạo và đầy yêu thương. Không có những khuôn khổ cứng nhắc hay cách giảng dạy truyền thống, ở đây, trẻ em được khuyến khích khám phá thế giới theo cách riêng của mình. Các em không bị ép buộc phải học theo những khuôn mẫu cứng nhắc, mà thay vào đó, tự do phát triển theo sở thích và cá tính riêng biệt. Chính điều này đã tạo nên một không gian học tập đầy thú vị và lý thú, khiến cho Totto-chan và các bạn học của cô có được những trải nghiệm học đường không thể nào quên.


Ngoài ra, cuốn sách còn mang đến những câu chuyện giản dị xoay quanh cuộc sống thường nhật của Totto-chan, từ khi cô chuyển từ trường cũ đến trường mới. Dưới góc nhìn hồn nhiên và ngây thơ của một đứa trẻ, những điều tưởng chừng rất bình thường và nhàm chán lại trở nên sống động, gần gũi và đầy màu sắc. Cuộc sống qua lăng kính của Totto-chan là một thế giới diệu kỳ, nơi mà mỗi ngày đều là một cuộc phiêu lưu mới mẻ.


Tác giả Kuroyanagi Tetsuko đã sử dụng giọng văn nhẹ nhàng, dễ hiểu, kết hợp với lối kể chuyện đơn giản và chân thực. Điều này không chỉ khiến cuốn sách trở thành một tác phẩm vui tươi, trong sáng dành cho các em nhỏ, mà còn mang lại nhiều suy ngẫm sâu sắc cho người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Qua những câu chuyện của Totto-chan, người đọc nhận ra rằng, trẻ em cần được tôn trọng sự tự do và cá tính, cần được phát triển một cách tự nhiên mà không bị gò bó.


Cuốn sách không chỉ là một hành trình khám phá thế giới trẻ thơ, mà còn là một lời nhắc nhở quan trọng về tầm quan trọng của giáo dục. Phương pháp giáo dục sẽ quyết định tương lai của một đứa trẻ, và Totto-chan là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Totto-chan bên cửa sổ không chỉ đánh thức những kỷ niệm tuổi thơ, mà còn truyền tải thông điệp về tình yêu thương, sự hiểu biết và tôn trọng dành cho trẻ em.


     B. Bài học từ cuốn sách

1. Bài học về sự khác biệt

Mở đầu cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ là một sự kiện khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên: Totto-chan, một cô bé mới vào lớp một, đã bị đuổi học. Điều này xảy ra một cách bất ngờ và khiến ta tự hỏi liệu quyết định của cô giáo có thật sự công bằng hay không. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là Totto-chan dường như chẳng bận tâm đến việc đó. Cô bé hồn nhiên theo lời mẹ rời trường cũ, bắt đầu một hành trình mới ở trường Tomoe, gặp gỡ thầy hiệu trưởng Kobayashi và kết bạn với các bạn học mới. Đọc đến đây, tôi chưa rõ liệu sự khác biệt của Totto có phải vì cô bé bị đuổi học, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng Totto cũng chỉ là một cô bé ngây thơ, vô tư như bao đứa trẻ khác.

Sự khác biệt rõ ràng của Totto-chan bộc lộ trong một sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại rất đáng nhớ: cô bé làm rơi ví xuống bồn cầu. 

“ Với nhiều đứa trẻ, có lẽ sẽ chỉ có hai cách phản ứng phổ biến. Một là khóc òa lên vì sợ mất ví và lo lắng bị mẹ la mắng, hai là mặc kệ, để chuyện đó lại cho người lớn giải quyết. Nhưng Totto-chan không chọn bất kỳ cách nào trong số đó. Cô bé ngay lập tức quyết định hành động. Totto mượn gáo nước, tự tay mở nắp bể phốt và bắt đầu múc từng gáo nước, cố gắng lấy lại chiếc ví đã rơi. ”

Điều khiến tôi ngạc nhiên là lý do gì khiến Totto-chan phải cố gắng đến vậy. Có lẽ chiếc ví ấy mang ý nghĩa đặc biệt đối với cô bé, hoặc có thể chẳng có lý do gì cả. Totto-chan đơn giản chỉ hành động theo cách mà cô cảm thấy đúng, làm những gì cô bé nghĩ rằng mình cần phải làm.

Một chi tiết khác khiến tôi ấn tượng sâu sắc là suy nghĩ của Totto khi cô bé nhận ra mình không thể trả lại nước đã múc lên. Thay vào đó, Totto nghĩ ra một cách giải quyết rất hồn nhiên và sáng tạo:

“Mình sẽ trả lại một ít đất đã thấm nước”

Chính sự nhanh trí này cho thấy khả năng giải quyết vấn đề đặc biệt của cô bé. Trong thế giới của Totto, dường như không có điều gì là không thể giải quyết được. Totto-chan khác biệt không chỉ ở sự ngây thơ và vô tư, mà còn ở cách cô bé đối mặt với các tình huống trong cuộc sống. Dù đôi khi những hành động của cô có phần rắc rối và khiến người khác phải suy nghĩ, nhưng đó là điểm khiến cô bé trở nên đặc biệt. May mắn thay, Totto đã được học tập và trưởng thành trong một môi trường nơi cô được tôn trọng, được phát triển theo cách của riêng mình dưới sự quan tâm của thầy hiệu trưởng Kobayashi và gia đình. 

Cuốn sách không chỉ kể lại những mẩu chuyện thú vị về Totto-chan, mà còn mang đến một thông điệp sâu sắc về giá trị của sự khác biệt và tầm quan trọng của một nền giáo dục biết tôn trọng sự độc đáo của mỗi cá nhân.



2. Một nền giáo dục tiến bộ

Ngôi trường Tomoe, nơi Totto-chan chuyển tới học sau khi rời trường cũ, là một địa điểm đặc biệt và khác biệt so với các ngôi trường truyền thống. Tại Tomoe, số lượng học sinh chỉ bằng một lớp học của các trường lớn, phòng học của các bé là những toa tàu của chiếc xe điện bị hỏng; và mỗi học sinh đều có những khuyết điểm và điểm yếu riêng. Thay vì phân biệt và cô lập những học sinh có khác biệt, Tomoe chọn cách chấp nhận và tôn trọng tất cả những điểm yếu đó. Sự hòa hợp và yêu thương là những giá trị chủ đạo, giúp tất cả các em học sinh sống cùng nhau một cách bình yên và đầy sự ấm áp.

Một trong những điều đặc biệt tại Tomoe là các em học sinh luôn được lắng nghe và tôn trọng. Thầy Kobayashi, người sáng lập và quản lý trường, luôn nhấn mạnh với các giáo viên rằng:

“ Ước mơ của học sinh là những điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng.”

Tại đây, các em có thể bắt đầu học những môn học mình yêu thích trước, và nếu gặp khó khăn, các em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo bất cứ lúc nào. Hơn nữa, nếu học sinh hoàn thành bài học sớm, các em được tự do đi dạo và khám phá thế giới xung quanh như một phần của quá trình học tập thực tiễn. Chính vì vậy, mỗi ngày đến trường đối với các em là một niềm vui và sự háo hức.

“ Khi giờ học bắt đầu, cô giáo viết bài tập của tất cả các môn học ngày hôm đó lên bảng và bảo cả lớp:

“Nào, hãy bắt đầu từ bài mà các em thích.”

Thế là học sinh có thể bắt đầu từ bất cứ môn nào mình thích, dù đó là tập viết hay tập tính. Lớp học nào cũng có cảnh tượng như thế: bạn nào thích làm văn thì ngồi làm văn, trong khi đó ở phía cuối lớp, bạn nào thích vật lý lại châm đèn cồn để đun sôi ống nghiệm, chuẩn bị làm nổ tung cái gì đó... Với cách học này, càng lên lớp trên, giáo viên sẽ càng hiểu rõ các em học sinh thích gì, thích như thế nào, hiểu được cách nghĩ cũng như cá tính các em, thật đúng là cách làm lý tưởng để hiểu về học sinh của mình. ”

Tại Tomoe, gần như không có các quy tắc nghiêm ngặt. Học sinh được phép tự do học tập, khám phá và phát triển theo cách của riêng mình. Các thầy cô giáo luôn sẵn sàng trao niềm tin và khuyến khích các em thực hiện những điều mình yêu thích. Dù có thể nhiều người ban đầu sẽ nghi ngờ về hiệu quả của phương pháp giáo dục này, sự thành công của những học sinh từ Tomoe, khi họ trưởng thành và trở thành những con người ưu tú trong xã hội, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của nền giáo dục mới lạ này.

Khi mà khuôn mẫu giáo dục truyền thống có thể hạn chế sự phát triển tự do của học sinh, thì việc áp dụng những phương pháp giáo dục đơn giản, tôn trọng và thấu hiểu có thể giúp trẻ em tiếp cận và khám phá thế giới một cách dễ dàng hơn. Tomoe là một ví dụ tiêu biểu về việc tạo ra một môi trường học tập mở và khuyến khích, nơi trẻ em có thể phát huy tối đa khả năng của mình và tự tin bước ra thế giới.


3. Sự quan tâm - nguồn dinh dưỡng của những đứa trẻ

Ở trường cũ, Totto-chan thường bị coi là một đứa trẻ hư hỏng, chỉ vì tính tò mò và sự hiếu động của mình. Những phẩm chất đó đã khiến cô bé không được các thầy cô và bạn bè chấp nhận. Tuy nhiên, khi đến với trường Tomoe, Totto-chan đã tìm thấy một môi trường hoàn toàn khác biệt. Tại đây, cô bé không chỉ được đón nhận mà còn được tin tưởng và khuyến khích hết lòng.

Thầy hiệu trưởng Kobayashi, một người có tầm nhìn và lòng nhân ái, đã dành đến bốn tiếng đồng hồ để lắng nghe những câu chuyện của Totto-chan với sự chăm chú và nhiệt tình. Sự quan tâm và ủng hộ của thầy không chỉ giúp cô bé cảm thấy tự tin hơn mà còn mang đến cho cô cảm giác được hiểu và trân trọng. Chính nhờ những lời khích lệ chân thành này mà cô bé đã có thể trưởng thành mà không bị ảnh hưởng bởi cái mác “đứa bé hư” mà trước đây mọi người đã gán cho.

“ Khi ấy, Totto-chan cảm thấy như lần đầu tiên trong đời gặp được một người mình thực sự yêu quý. Thì bởi vì từ hồi sinh ra đến giờ, đã có ai ngồi nghe Totto-chan kể chuyện lâu như thế đâu. Suốt cả thời gian ấy, thầy không ngáp một lần nào, không hề chán nản, mà thầy còn nghe rất say sưa, thỉnh thoảng lại còn nhổm người lên giống Totto - chan hay làm lúc kể chuyện nữa. ”

Bên cạnh sự hỗ trợ từ thầy Kobayashi, sự quan tâm và tình yêu thương của bố mẹ Totto-chan cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển cô bé. Dù khi Totto-chan bị đuổi học, mẹ cô không hề trách mắng mà quyết định chuyển cô đến một môi trường học tập mới, nơi cô bé có thể phát triển một cách tự do và sáng tạo. Mẹ của Totto-chan đã chọn cách không nói về việc bị đuổi học để bảo vệ tâm lý của cô con gái nhỏ. Khi Totto-chan nghịch ngợm làm rách váy vì chui qua hàng rào gai, mẹ cô chỉ hỏi lý do thay vì tức giận. Sự thấu hiểu và tình yêu của bố mẹ đã tạo điều kiện cho Totto-chan trưởng thành một cách toàn diện và tự tin.

“ Mẹ chạy đôn chạy đáo khắp nơi và tìm được một trường khác cho Totto-chan, chính là ngôi trường hai mẹ con chuẩn bị bước vào đây. Mẹ chưa nói cho Totto-chan biết chuyện bị đuổi học. Có nói thì Totto-chan cũng không hiểu đâu, Totto-chan sẽ hỏi tại sao lại không được làm thế, thêm nữa, mẹ cũng không muốn Totto-chan mặc cảm vì chuyện này. Mẹ sẽ nói khi nào Totto- chan lớn. ”

Những trải nghiệm tại Tomoe và sự hỗ trợ từ gia đình đã chứng minh rằng, mỗi đứa trẻ đều cần được thấu hiểu và quan tâm. Sự lắng nghe từ người lớn và những lời khen chân thành có thể tạo ra những tín hiệu tích cực, giúp trẻ em tự tin vào chính mình và phát triển toàn diện. Từ câu chuyện của Totto-chan, chúng ta có thể thấy rằng việc tạo ra một môi trường đầy yêu thương và hỗ trợ là điều vô cùng quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ.


4. Tình thân - tài sản vô giá của trẻ thơ

Cha mẹ luôn yêu thương con cái vô điều kiện, nhưng việc thấu hiểu thế giới nội tâm của chúng lại không phải là điều dễ dàng. Thật hiếm khi thấy các bậc phụ huynh kiên nhẫn tìm hiểu và chia sẻ những băn khoăn của con cái, thay vào đó, họ thường chú ý hơn đến các yếu tố vật chất bên ngoài. Rất may mắn, Totto-chan có một người mẹ tuyệt vời, người luôn sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu em bất kỳ lúc nào. Thay vì sử dụng bạo lực hay trách mắng, mẹ của Totto-chan khéo léo giải thích về việc chuyển đến một ngôi trường mới mà không để cô bé cảm thấy tội lỗi về việc bị đuổi học. Khi Totto-chan nghịch ngợm và làm rách quần áo, mẹ cô cũng chỉ thông cảm và hỏi lý do thay vì nổi giận. Đây là một cách giáo dục tiến bộ và văn minh, tình yêu thương của mẹ đã giúp Totto-chan luôn yêu đời và trải qua những ngày tháng vui vẻ.

Thầy Sosaku Kobayashi, hiệu trưởng trường Tomoe, là một người thầy vĩ đại với lý tưởng cao cả. Ông cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và luôn mang đến sự sáng tạo và nhiệt huyết trong công việc. Đối với ông, những đứa trẻ là những thiên thần cần được yêu thương và giáo dục bằng niềm vui. Totto-chan vẫn mãi nhớ hình ảnh thầy Kobayashi tập trung lắng nghe và hào hứng khi cô bé kể chuyện trong lần đầu gặp mặt. Phương pháp giáo dục của ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn động viên và tạo niềm tin cho các học sinh. Câu nói nổi tiếng của thầy Kobayashi đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho Totto-chan, giúp cô bé tự tin, nỗ lực và trưởng thành:

 “Em biết đấy, em thật là một cô bé ngoan”

Totto-chan còn học được nhiều bài học quý giá từ những người bạn đáng yêu của mình. Cậu bạn Takahashi, mặc dù nhỏ bé và thường xuyên bị bắt nạt bởi những học sinh khác, đã được Totto-chan bảo vệ và che chở. Khi Takahashi ra đi mãi mãi, Totto-chan không thể ngăn được những giọt nước mắt đau lòng vì tình bạn chân thành. 

“ Yasuaki-chan hoàn toàn đặt niềm tin ở Totto-chan. Totto-chan cũng đặt cả tính mạng của mình vào việc này. Bàn tay nhỏ bé của Totto-chan nắm chặt bàn tay của Yasuaki-chan, cố gắng kéo bạn sang bên cái cây với tất cả sức lực của mình. ”

Bên cạnh đó, chú chó Rocky cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của Totto-chan. Rocky không chỉ là một người bạn tâm giao mà còn là nguồn cảm hứng để cô bé học được sự sẻ chia, tình yêu thương và trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Khi Rocky biến mất, Totto-chan trải qua nỗi đau sâu sắc về sự mất mát và chia ly, từ đó học được những bài học quý giá về cuộc sống.

“ Con chó béc giê Rocky, thành viên chỉnh chu giờ giấc nhất trong nhà, nhìn hành động khác thường của Totto - chan với ánh mắt nghi hoặc, mặc dù vậy nó vẫn vươn người một cái rồi ra nằm sát cạnh Totto-chan, chờ đợi một điều gì đó sắp xảy ra. ” 

Những trải nghiệm và bài học mà Totto-chan học được từ gia đình, thầy cô và bạn bè đã giúp cô bé trưởng thành một cách toàn diện, với sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc về tình yêu thương, sự sẻ chia và sự mất mát. Những yếu tố này không chỉ định hình nhân cách của Totto-chan mà còn mang đến cho cô bé một nền tảng vững chắc để bước vào cuộc sống.



III. CẢM NHẬN CÁ NHÂN 

Totto-chan bên cửa sổ là tác phẩm dành cho thiếu nhi được yêu thích nhất tại Nhật Bản trong hơn 30 năm qua. Không chỉ in đậm dấu ấn tuổi thơ trong lòng nhiều người, cuốn sách còn mang đến câu chuyện về một nền giáo dục mới và thay đổi cách nuôi dưỡng những đứa trẻ của nhiều bậc phụ huynh. Có thể thấy, dù không nhiều tình tiết bất ngờ nhưng Totto-chan bên cửa sổ vẫn là cuốn sách khiến người đọc khó có thể rời mắt. Sự hồn nhiên, dễ thương, tinh nghịch của Totto-chan và cách giáo dục mới lạ, độc đáo nhưng có tâm của các thầy cô trường Tomoe đã đem đến phút giây thư giãn cùng những thông điệp, chiêm nghiệm đáng quý cho mọi người.



Tóm tắt bởi: Kiều Anh - Bookademy

Hình ảnh: Trương Thuỳ Trang

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,094 lượt xem

lh-fulllh-x