Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] “Trôi": Những Cuộc Trôi Bất Tận

    "Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời".


    Trong một nền văn học đang dần lụi tàn vì dường như những chủ đề về tình cảm đôi lứa, tình cảm gia đình thiêng liêng,... đang dần trở nên vô cùng đại trà khiến cho nhiều bài học, ý nghĩa mất đi giá trị và dần chìm vào quên lãng trong lòng bạn đọc. Hàng năm có vô số cuốn sách được xuất bản nhưng chúng răm rắp đi theo một mô - típ đã được đề ra từ trước, chúng đua theo những chủ đề hợp thời đại mà bỏ quên đi mình đang dần hòa tan vào đám đông và không để lại một chút ấn tượng nào. Tuy vậy, một cây bút đã nổi lên với văn phong tìm về sự giản dị, mộc mạc nhưng vẫn nêu cao giá trị về tình yêu đôi lứa, gia đình, tình yêu thiên nhiên, con người, đó là tác giả Nguyễn Ngọc Tư. 


    Ta vẫn thường nghe mọi người gọi cô bằng một cái tên thân thuộc là cô Tư, cách gọi nghe thân mật, duyên dáng tựa như những con người chân chất ở vùng châu thổ sông Mê Kông. Cái tên ấy đi song với lối hành văn đặc sắc, mang đậm hơi thở của vùng đồng bằng Nam Bộ, nơi cái nắng nóng phủ kín đất trời, đời sống thường nhật của con người và có lẽ là cả trong những tác phẩm văn học của cô. Một tác phẩm tiêu biểu mới xuất hiện trong thời gian gần đây của Nguyễn Ngọc Tư đã được nhiều người đón đọc, Trôi. Trôi nổi bật lên hoàn toàn giữa hàng trăm những đầu sách ca ngợi quê hương, đất nước bởi lẽ bên cạnh việc cho độc giả thấy phong cảnh của xứ mút cà tha hẻo lánh, cô Tư còn cho ta chứng kiến những sự thật trần trụi, mục nát của những tâm hồn bị tổn thương, héo mòn trong môi trường sống nghèo đói, lạc hậu. 


  1. Giới thiệu về tác giả và tác phẩm

    Sinh ra dưới cái nắng oi ả của đất rừng phương Nam, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã sớm hình thành lối viết giản dị, bình dị và mộc mạc của thôn quê. Cô Tư âm thầm gắn bó với văn học để rồi vào năm 20 tuổi rực rỡ ấy, cô đã thật sự tỏa sáng khi nhận được giải Nhất cuộc thi Văn học của Nhà xuất bản trẻ. Tiếp nối thành tựu ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã liên tục cống hiến cho nền văn học nước nhà và giành được vô số giải thưởng trong và ngoài nước, tiêu biểu là Giải văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn. Một số tác phẩm tiêu biểu của cô như Ngọn đèn không tắt (2011), Khói trời lộng lẫy (2010), Hong tay khói lạnh (2015), trong đó tác phẩm nhận được nhiều đề cử và giải thưởng danh giá nhất là Cánh đồng bất tận. 


    Nguyễn Ngọc Tư dùng từ "trôi" mô tả những cuộc di cư của người vùng sông nước, trong tập truyện ngắn cùng tên mới ra mắt. Tác phẩm phát hành đầu tháng 11, gồm 13 truyện ngắn. Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục xoáy vào cái nghèo, sự bấp bênh và lạc lõng của nhiều người miền Tây. Vẫn một màu sắc trầm lặng tựa như bao tác phẩm khác nhưng Trôi lại nổi bật hơn tất thảy bởi lẽ những mảnh đời khốn cùng được hiện lên vô cùng chân thực, sâu sắc, mỗi nhân vật đều ấp ủ trong mình một niềm tin yêu thương và ham muốn được sống thật rực rỡ. Các nhân vật trong những truyện ngắn có không gian sống vô định, họ đến từ bất kỳ đâu, làm đủ thứ nghề hoặc không làm gì. Họ trôi dạt, luôn ở trạng thái loay hoay lý giải, làm sáng tỏ về điều mà họ đã mất đi. Các nhân vật càng vùng vẫy thoát ra khỏi hiện thực thì càng lún sâu vào vòng xoáy cuộc đời. Họ tìm kiếm tự do, buông mình khỏi những sự việc đau thương nhưng không thể vượt số phận. Ở đó, tác giả gợi người đọc đồng cảm với những mảnh đời này, bởi "chẳng cuộc trôi nào là vô tình, bản thân sự trôi nổi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời".


    Trên trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, con người không thể cố định ở một chỗ mà liên tục di chuyển theo quy luật cuộc sống. Các nhân vật như những khúc củi mục, xuôi theo dòng chảy của nước và mắc kẹt đâu đó, họ va vấp và nếm trải nỗi đau. Họ hiện lên trong sự ràng buộc của không gian, cái buồn man mác của quê hương Nam bộ.


  1. Những mảnh đời lang thang, trôi dạt


    Trong Trôi, Tư khiến người ta ngỡ ngàng với những nhân vật rất kỳ lạ. Đó là Tường mang án vì cứ đột nhập nhà coi người ta... ngủ trong Mơ người. Anh chẳng làm gì, chỉ nhìn người ta ngủ vì "Ngủ thì người ta không nghĩ gì, đẹp mà" và "Ngắm thật lâu những người ngủ sâu, ta có thể nhìn thấy giấc mơ của họ". Là ông già ghiền và không muốn bước ra khỏi chiếc võng ở Đong đưa trong kén. Là cặp vợ chồng chênh nhau gần hai chục tuổi buộc phải xa nhau và gây chấn động khi dám... nhóm bếp đổ bánh xèo trên máy bay trong Lửa nguội giữa trời. Đó còn là món nợ kỳ lạ truyền từ đời bà sơ cho con cháu, cứ tới tháng 6 hằng năm sống chết gì cũng phải lên đường đòi nợ, mặc dù chả biết là nợ gì trong Nợ. Rồi câu chuyện về những người Li quái dị trong Về phía không đâu. Cứ mải miết đi, bởi dừng lại, để lại thứ gì đó thân thuộc ở mảnh đất ven đường cũng sẽ gợi thương gợi nhớ, là sự phản bội với tập tính lang bạt.


    Sự trôi dạt trong cuộc sống thường là một trạng thái tinh thần mà nhiều người trải qua, khi họ cảm thấy mình bị lạc lõng giữa dòng đời, không biết phải làm gì để tiến về phía trước. Đó là cảm giác mất hướng, mất điểm tựa và không có mục tiêu rõ ràng, khiến cho cuộc sống trở nên mờ nhạt và thiếu ý nghĩa. Trong những khoảnh khắc của sự trôi dạt, con người thường cảm thấy như mình đang rơi vào một vùng biển bao la, không biết phải đi về đâu và không có hướng dẫn để dẫn lối. Cảm giác mất đi sự kiểm soát và kiểm soát trên cuộc sống làm cho họ cảm thấy bất an và lo lắng về tương lai.


    Với tập truyện ngắn Trôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bằng tài năng kể chuyện của mình, đã mở ra một thế giới bất định với những con người cố níu lấy thứ gì đó, đồng thời cũng muốn thoát khỏi nó, trong hành trình trôi nổi dường như vô tận của mình. Trôi theo dòng đời, cũng như trôi theo định mệnh: “Em thà trôi một mình. Nhưng những gì còn sót lại của một cù lao phân rã chẳng là bao. Vài ba mái nhà lấp ló trên mặt nước, một vài cái lu, những rẻo đất đủ rộng cho một người ngồi thì cũng có, lại trôi đờ đẫn đằng xa. Mãi mới có mảnh đất trôi gần, đúng lúc nó rùng mình nứt làm hai. Trong mê lộ của nước, mình chẳng biết trôi được đến đâu. Không bãi bờ gì để định vị. Ngó đâu cũng chỉ thấy nước và bọt nước, cùng những vật chất nổi nênh”. Một trạng thái tương tự “trôi” là sự “rơi” cũng được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư biện luận: “Nhận ra cùng một vật nhưng không cuộc rơi nào có tiếng động giống nhau, vòng sóng cũng khác biệt, cả cách nước bắn lên. Không khí, và nước luôn niềm nở, chắc bởi dễ rách dễ lành, vậy nên chúng bao dung, vừa khít với hết thảy, đất không vậy, nó luôn ở thế cự tuyệt từ đầu, những thứ rơi vào nó luôn bị nảy lên, như một cú ném trả thô lỗ trước khi buộc lòng nhận lấy. Nhận ra rơi tự do chỉ là một cách gọi thôi, trọng lực ràng buộc hết, chẳng tự do nào tồn tại giữa đây và kia”.   


    Và cứ thế cái vòng luẩn quẩn không bao giờ khép lại và con người mãi mãi phải lang thang tìm kiếm, mãi “đói”, mãi “đong đưa”, mãi “mơ”, mãi “đợi”, và mãi “trôi”, để đến một ngạch cửa, đợi chờ phán xét chung quyết cho thứ tội lỗi không biết là tội gì như trong truyện Bên cửa: “Tôi phải về. Cho kịp phiên tòa cuối”. 


    "Em thà trôi một mình. Nhưng những gì còn sót lại của một cù lao phân rã chẳng là bao. Vài ba mái nhà lấp ló trên mặt nước, một vài cái lu, những rẻo đất đủ rộng cho một người ngồi thì cũng có, lại trôi đờ đẫn đằng xa. Mãi mới có mảnh đất trôi gần, đúng lúc nó rùng mình nứt làm hai. Trong mê lộ của nước, mình chẳng biết trôi được đến đâu. Không bãi bờ gì để định vị. Ngó đâu cũng chỉ thấy nước và bọt nước, cùng những vật chất nổi nênh. Giờ thì mạnh ai nấy trôi"


    Độc giả dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm nơi mỗi nhân vật trong tập truyện ngắn Trôi, như thể họ là từng phần trong mỗi con người chúng ta. Và con người ấy, được mô tả như vật thể lang thang vô định - luôn ở trong trạng thái loay hoay lý giải, làm sáng tỏ về điều mà họ đã mất đi. Và trong hành trình dạt trôi theo quỹ đạo của riêng mình, những vật thể này sượt qua nhau bất giác làm vẩn lên hơi ấm con người, gợi cảm giác cái đẹp được cầm trên tay, thường trực sẵn một nguy cơ tan rã.


  1. Phong cách nghệ thuật giản dị mà tinh tế


    Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là một sự thể hiện tài năng văn chương mà còn là một dấu ấn sâu sắc của nền văn hóa và đời sống dân dã miền Nam Việt Nam. Với việc sử dụng ngôn từ đậm chất Nam Bộ, tác giả đã tạo ra một không gian văn hóa sống động, phản ánh được nét đẹp và cái bình dị của cuộc sống miền quê, nơi cô sinh ra và lớn lên.


    Nguyễn Ngọc Tư là người con của một vùng đất mà mỗi chi tiết cuộc sống, mỗi cung bậc cảm xúc đều được truyền tải một cách chân thành và sâu sắc. Phong cách sáng tác của cô không hề xa lạ với đời sống hàng ngày của nhân dân Nam Bộ. Cô biết cách tận dụng những từ ngữ đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, những hình ảnh bình dị nhưng sâu lắng để mô tả lại những câu chuyện của con người miền quê. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đều là một phần của cuộc sống thực tại, một góc nhìn sâu sắc vào những cung bậc cảm xúc và trăn trở của con người. Việc sử dụng ngôn từ phong phú, đa dạng nhưng vẫn giữ được vẻ dễ hiểu, gần gũi, chính là một điểm mạnh của phong cách sáng tạo của cô.


    Với niềm đam mê viết lách, Nguyễn Ngọc Tư miệt mài viết như một cách giải tỏa và thể nghiệm, tác giả muốn viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Giọng văn Nguyễn Ngọc Tư đậm chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh.  Nguyễn Ngọc Tư bày tỏ lòng mình trước cuộc sống sinh hoạt muôn màu muôn vẻ bằng một phương tiện thẩm mĩ đặc thù - lối kể chuyện riêng, giọng điệu nghệ thuật và ngôn ngữ văn xuôi đặc sắc. Giọng điệu nghệ thuật chủ đạo của Nguyễn Ngọc Tư là giọng buồn nhưng không chán chường, giọng điềm nhiên trầm tĩnh, giọng điệu tâm tình, tưng tửng, hóm hỉnh nhưng thấm thía và giọng điệu Nam Bộ đặc trưng. Giọng điệu chủ đạo này góp phần quan trọng nhận diện “gương mặt” văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Ngôn ngữ văn chương Nguyễn Ngọc Tư mang một vẻ đẹp giản dị mộc mạc.


    “Một chiếu nhậu trải ngoài sân bị đất hả họng ra nuốt mất, để lại bảy người đàn ông trôi làm ba nhóm, chưa kịp uống ly rượu trên tay. Những rẻo đất rã ra, nổi nênh, hồi đó người ta trôi với nỗi kinh khiếp, vì chưa từng trải qua chuyện gì giống vậy. Mợ mình chết ngất lúc rẻo đất mang bà rời đi, dù may mắn trôi với nguyên một chái bếp, cơm đầy nhóc trong nồi, cái rổ chứa năm bảy loại cá khô treo ngay bên vách. Ba mình trôi với chùm bóng bay…”


    Ngoài ra, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư còn được thể hiện qua cách cô lựa chọn và khai thác các đề tài nhân văn, xã hội đầy ý nghĩa. Cô không chỉ tập trung vào việc kể chuyện mà còn muốn truyền đi những thông điệp về tình thương, lòng nhân ái và ý nghĩa của cuộc sống. Các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thường chứa đựng những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, đồng thời là một góc nhìn mới mẻ, sâu xa vào lòng người về cuộc sống và con người miền Nam. Tổng kết lại, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư là sự kết hợp hài hòa giữa gần gũi, bình dị với đời sống hàng ngày của nhân dân và việc sử dụng ngôn từ đậm chất Nam Bộ. Qua từng câu chữ, từng hình ảnh, cô đã tạo ra những tác phẩm văn học độc đáo, góp phần làm phong phú thêm văn học Việt Nam đương đại, và đồng thời làm nên một dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.


    4. Phần kết

    “Mình đang ngồi ngay tháng Sáu. Hoặc đã tháng Mười Một. Mà ngày tháng với mình quan trọng gì, ngày nào mà chẳng in hệt nhau…” 


    13 mảnh nhỏ trong Trôi của Nguyễn Ngọc Tư có những thứ như siêu thực, không tưởng. Người ta ngỡ ngàng đó nhưng dường như cũng không phản kháng bởi đâu đó có hình ảnh, tâm trạng của họ. Sự bức bối khiến người ta có thể làm những điều khác biệt, thậm chí... kỳ dị. Như Tư đã viết: "Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời". Con người là vậy, đôi khi muốn bứt phá, vượt thoát khỏi hiện tại. Thế nhưng ngay sau đó họ lại có thể vướng mắc vào ràng buộc. Trong tập truyện ngắn Trôi của Nguyễn Ngọc Tư, tác giả không chỉ đơn thuần là một nhà văn mà còn là một nhà nghiên cứu tâm hồn con người, một người thợ mỏ của những cảm xúc sâu sắc và những khao khát vô hình trong lòng mỗi người. Từng câu chuyện trong Trôi không chỉ là một dòng chảy của từ ngữ mà còn là một hành trình sâu xa vào tâm trí và trái tim của độc giả. Tác giả đã tài tình khám phá và mô tả một thế giới bất định, nơi con người dường như luôn bị cuốn theo dòng chảy của cuộc sống mà họ không thể kiểm soát. Bằng cách sử dụng ngôn từ đậm chất Nam Bộ và phong cách văn học giản dị mà tinh tế, Nguyễn Ngọc Tư đã làm nổi bật những mảnh đời lang thang, trôi dạt trong một không gian văn hóa sống động. Những nhân vật trong Trôi không chỉ là những cá thể riêng lẻ mà còn là biểu tượng cho sự mất mát, lạc lõng, và khao khát tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Sự đồng cảm với họ dường như tự nhiên nảy sinh trong lòng độc giả, khi mỗi nhân vật đều phản ánh một khía cạnh của bản thân và cuộc sống hàng ngày.


    Bằng cách kể chuyện một cách tế nhị và chân thành, Nguyễn Ngọc Tư đã khắc họa nên một bức tranh về sự phức tạp và đa chiều của con người, đồng thời gợi lại trong lòng độc giả những suy tư về ý nghĩa của cuộc sống và vẻ đẹp ẩn sau sự phản ánh của nó. Trôi không chỉ là một tập truyện ngắn mà còn là một tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, đầy ấn tượng, và ý nghĩa. Từng trang sách đều là một cuộc phiêu lưu vào thế giới tinh tế của từng nhân vật, từng câu chuyện. Tác phẩm này đã để lại trong lòng độc giả một ấn tượng mạnh mẽ và những suy tư sâu sắc về cuộc sống, ý nghĩa của sự tồn tại và vẻ đẹp của sự phản ánh nghệ thuật.


Tóm tắt bởi: Phương Anh - Bookademy

Hình ảnh: Phương Anh

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,525 lượt xem

lh-fulllh-x