Trần Hồ Anh Long@Viện Sách - Bookademy
3 năm trước
[Tóm Tắt & Review Sách] "Từ IQ Đến EQ": Chìa Khóa Cho Cuộc Sống Hiệu Quả
Ngày nay đa số chúng ta đều đã biết hoặc từng nghe đến khái niệm EQ hay chỉ số trí tuệ cảm xúc, nói một cách dễ hiểu thì đó là khả năng kiểm soát và điều khiển cảm xúc, suy nghĩ của bản thân một cách hiệu quả, từ đó vận dụng chúng để mang lại lợi ích cho chính mình và cả những người xung quanh. Những người có EQ luôn biết điều hòa cuộc giao tiếp khiến cho đối phương cảm thấy an tâm, gần gũi, mọi thứ được đi đúng mục đích ban đầu. Họ là những người biết cân bằng cuộc sống hiệu quả, đặc biệt trong việc đối nhân xử thế.
Mình bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề trí tuệ cảm xúc khi nhận ra rằng những bất lợi mình gặp phải trong khoảng thời gian dài trước đây đều từ chính bản thân. Suốt cả giai đoạn học phổ thông, mình gần như luôn vô tình tạo ra khoảng cách với mọi người xung quanh bằng sự lầm lì và thụ động, số lượng bạn bè mình còn có thể nói chuyện sau khi kết thúc ba năm ròng rã đó chỉ có thể đếm trên một bàn tay. Khi kỳ nghỉ hè đến, mình mới bắt đầu thấy rõ được sự cô đơn khó khăn thế nào, mình tìm đến những cuộc trò chuyện chóng vánh trên mạng với người lạ để rồi nhận ra khả năng giao tiếp của bản thân gần như biến mất và cảm xúc thường nhật của mình là thờ ơ với người thân.
Với thời gian rảnh rỗi của kỳ nghỉ việc phát triển bản thân như một việc mà mình phải làm như một cách vực dậy tinh thần. Giữa nhiều cuốn sách khác nhau trên mạng, mình bất ngờ bị thu hút bởi quyển này, có lẽ bởi chiếc bìa màu vàng chanh bắt mắt, giá rẻ nhất và quan trọng chính là tiêu đề như đánh thẳng vào nhu cầu lúc đấy của mình, quản lý tốt nhất những xúc cảm của bản thân.
“Chiến thắng bản thân mình của ngày hôm qua, để thực hiện mục tiêu, ngoài việc dựa vào nỗ lực của bản thân, bạn còn phải bồi dưỡng nâng cao khiến cho “những lá phiếu cảm xúc” biến thành trí tuệ có giá trị sử dụng thực sự”.
Vài nét về tác giả
Tác giả Trương Manh từng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cô từng nghiên cứu luận án tiến sĩ về ngành Tâm lý học Nhận biết của não bộ và Chức năng của ngôn ngữ. Cô còn đạt được những thành tựu quan trọng như vinh dự làm người rước đuốc trong thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008, khách mời danh dự trong Diễn đàn Châu Á Bắc Ngao (BFA), và hiện tại đang làm Founder kiêm CEO của một thương hiệu cà phê nổi tiếng, Hypervic. Những cuốn sách mà cô viết chính là những kinh nghiệm được đúc kết trong suốt quá trình nỗ lực trau dồi và khởi nghiệp của cô, Trương Manh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Ngoài việc xuất bản sách thì cô còn mở các lớp học trực tiếp nhằm huấn luyện những kỹ năng sống cần thiết. Từ từng lời văn hay phương pháp trong cuốn sách có thể thấy được sự chăm chút của cô và mong muốn được lan tỏa những điều có ích đến nhiều người nhất có thể.
Về cuốn sách
“Từ IQ đến EQ” là cuốn sách tập hợp những kỹ năng cần thiết để bồi dưỡng nhiều khía cạnh khác nhau của trí tuệ cảm xúc, những kỹ năng đấy có thể xuất phát từ những gì tác giả đã tham khảo và đúc kết lại từ những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân hay từ nhiều nguồn bên ngoài, những kỹ năng đấy còn là từ những câu chuyện từ những học viên hay người thân của cô. Đối tượng mà cuốn sách chủ yếu nhắm đến những con người đang ở độ tuổi vừa bắt đầu những bước đầu tiên trong hành trình gây dựng sự nghiệp, những kiến thức từ sách vở có thể hỗ trợ họ trong công việc chuyên môn nhưng vì chưa tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài nhiều nên khả năng giao tiếp và quản lý các mối quan hệ vẫn còn hạn chế. Và quyển sách này có thể xem như một bảng chỉ dẫn nhỏ hướng họ đến những ngã rẽ đúng nhanh hơn, phần còn lại là ở chính họ có đủ kiên trì bước đi lâu dài để chạm được những cột mốc quan trọng hay không.
Những kỹ năng này không mang tính chuyên môn hóa trong ngôn ngữ trình bày mà lại vô cùng phổ thông mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu và dễ dàng nắm bắt. Điều đó cũng được chính tác giả công nhận trong cuốn sách.
Bồi dưỡng EQ rất khó nhưng rất đáng giá
Khi nói đến cảm xúc, chúng ta đều cho chúng là những khái niệm mơ hồ, trừu tượng và đầy cảm tính, mọi thứ ta biểu hiện ra bên ngoài đa phần là từ bản năng và phản xạ tự nhiên, ít ai thường xuyên chú ý đến chúng mà phần lớn thời gian ta sẽ quan tâm đến những gì thực tế và dễ định hình hơn. Điều đó dẫn đến một vấn đề tiếp theo chính là ta khó tự tìm được phương pháp để cải thiện chúng. Chúng không như những bài toán hay những vết nứt trên đồ vật, những thứ nhìn thấy được và có thể tìm ra biện pháp cụ thể để giải quyết. Cảm xúc như đã nói là một thứ trừu tượng bên trong của mỗi cá nhân, ta không thể trực tiếp tác động vật lý lên chúng mà phải qua hành vi, suy nghĩ… , vì thế chúng thường bị bỏ mặc. Con người ta ít khi nghiêm túc về một điều gì đó mơ hồ của bản thân vì thường không có nhiều đích đến rõ ràng.
Vì những cảm xúc đều đến từ bên trong nên mang tính cá nhân rất cao, ta không thể để người khác kiểm tra lập tức những nỗ lực thay đổi của mình mà cần một quá trình tiếp xúc để nhận ra, có thể ngắn hoặc dài tùy vào sự kiên trì giữ vững sự thay đổi đó. Mà về những việc này ta lại thường nghi ngờ vào bản thân (trừ những người đã quá tự tin), nên khó để biết được ta thật sự đang ở nấc thang nào. Ta có thể phải phấn đấu trong sự mơ hồ dù đã biết phương pháp và phép thử duy nhất cũng thường chính là điều mà ta đang phấn đấu cho.
Nhưng ta đều phải trả một cái giá cho bất kỳ thứ gì, cảm xúc chính là một món hàng khá đắt đỏ và khó tìm kiếm. Đương nhiên cái giá đó là hoàn toàn hợp lý với những kết quả tốt đẹp mà chúng mang lại. Chúng ta đều từng thấy những câu chuyện về những vị sếp thường quan tâm nhiều đến thái độ làm việc của cấp dưới hay những ứng viên thường phải cố có được thiện cảm của nhà tuyển dụng đúng chứ. Đó là một trong những biểu hiện của EQ, chúng quyết định và điều khiển những hành vi và suy nghĩ thực tế của mỗi người, từ đó kết quả của những người khác nhau sẽ khác nhau trong vấn đề giao tiếp. Trong xã hội hiện đại ngày nay thì yếu tố con người có tầm ảnh hưởng lớn hơn những gì bạn nghĩ đấy, mỗi mối quan hệ đều tác động ít nhiều đến cuộc sống của chúng ta.
Xem bồi dưỡng EQ như một công thức có các bước rõ ràng
Phải thừa nhận rằng mọi vấn đề đều phải giải quyết bằng những bước rõ ràng và đó là lý do luôn có phần hướng dẫn cho từng sản phẩm hay những công thức cụ thể cho mỗi bài toán. Vậy nên hãy xem việc phát triển trí tuệ cảm xúc như một quá trình cần có phương pháp và những hướng đi cụ thể, điều đó tuy mất thời gian và khó khăn nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp ta có khả năng định hình được vấn đề, tiết kiệm thời gian hơn nhờ rèn luyện hiệu quả và quan trọng là sự dễ dàng khi giải quyết chúng.
Khi đọc sách, sẽ có vô vàn những phương pháp khác nhau từ tác giả nhưng chúng có sự liên kết lẫn nhau, bạn nên chuẩn bị sẵn vài thứ để ghi chép, nhưng lời khuyên của mình là đừng ghi chép hết tất cả phương pháp, hãy vừa đọc sách, vừa liên hệ với bản thân rồi sau đó định vị được những mục phù hợp và bắt đầu viết chúng vào một nơi nào đó mà bạn có thể nhìn thấy được mỗi ngày. Hãy nhớ là phải thấy được mỗi ngày để chúng được ghi nhớ sâu hơn để hình thành nên hành vi và cuối cùng trở thành thói quen của bạn. Và phải luôn nghiêm túc về vấn đề này, xem nó tương tự một công việc mang lại thu nhập cao.
Không chỉ qua lý thuyết mà hãy vận dụng chúng vào thực tế một cách chừng mực, không ảnh hưởng quá tệ đến các mối quan hệ của bạn, hiệu quả nhất là hãy thực hành chúng với những người thật sự thân thiết và hiểu rõ được phần nào về bạn. Đừng ôm đồm quá nhiều kiến thức một cách thụ động mà hãy luôn biết chắt lọc và mang chúng ra ngoài cuộc sống của bạn càng nhiều càng tốt vì lý thuyết suông cũng là điều trừu tượng.
“Mở được cánh cửa này, giá trị bản thân trong chính con mắt của bạn đã có những thay đổi nhất định. Bạn sẽ chợt nhận ra rằng trước kia bản thân từng cho rằng mình hai bàn tay trắng chỉ là tưởng tượng. Những trở ngại trước kia tửng chừng không thể vượt qua thì nay nó chỉ đơn giản biến thành từng cánh cửa cần bạn khám phá”.
Cảm xúc là một phần của cuộc sống vậy nên như lẽ thường phải vận dụng loại trí tuệ này vào cuộc sống, lập ra những kế hoạch, bài tập để rèn luyện hằng ngày như một khóa học trọn đời. Đầu tư cho cảm xúc chưa bao giờ là thừa và lãng phí. Bạn đầu tư càng sớm và biết cách đầu tư, “lợi nhuận” thu về sẽ vô cùng lớn, không chỉ là những mối quan hệ mà còn là tiền bạc và cả những cơ hội tuyệt vời chỉ dành cho những người làm chủ được cảm xúc của bản thân.
Nền tảng then chốt nhất - Sự tôn trọng
Mục đích cuối cùng của việc nâng cao trí tuệ cảm xúc là đi đến xử lý tình huống và đưa ra kết quả phù hợp nhất cho đôi bên sau cuộc giao tiếp. Và điều kiện để có được kết quả tốt nhất chính là xây dựng mối quan hệ giữa hai bên, đó là thứ ta nhận được đầu tiên từ sự tôn trọng lẫn nhau. Cho dù đó là khi ta ngỏ lời làm quen, khi đề nghị một sự hợp tác hay khi muốn từ chối hoặc phê bình ai đó, trước hết hãy thể hiện sự tôn trọng đối phương. Đó có thể coi là nghệ thuật giao tiếp cơ bản mà mỗi người cần luôn nhớ rõ.
Bất kỳ ai cũng muốn được người khác lắng nghe dù cho sau đó có thể bị từ chối hay phản bác. Không tính đến khi mọi việc đang đi theo chiều hướng tích cực, bạn sẽ vui vẻ giao tiếp với người khác mà không vướng phải bất kỳ trở ngại nào về tâm lý. Nhưng khi đang ở trong một tình thế căng thẳng như mâu thuẫn, hay phê bình một ai đó, việc giữ vững tâm lý từ bên trong đã rất khó, nữa là khi phải đối thoại với đối phương. Những ai có thể kiềm chế tốt là rất tốt, còn có thể giải quyết yên ổn trận cãi vã hay đưa buổi phê bình đi đúng trọng tâm của chính nó lại càng xuất sắc hơn nữa. Đó là biểu hiện của một cá nhân có EQ cao.
“Suy cho cùng, phê bình và biểu dương đều giống nhau, đều là một loại phương tiện khích lệ được tính tích cực của đối phương. Không phải là hủy hoại sự tự tin của một con người, cũng không phải là để phủ nhận hoàn toàn năng lực của ai đó”.
Không chỉ trong việc giao tiếp, khi muốn thiết lập một mối quan hê mới, cần phải xem xét sự phù hợp của mình với họ, và xét tới cả những lợi ích trong tương lai mà cả hai có thể mang lại cho nhau dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất. Việc kết giao tùy tiện hay kết giao chỉ để lợi dụng từ một phía thì đều được xem là việc không tôn trọng người khác.
Cũng không thể bỏ qua việc phải coi trọng chính bản thân mình trước đã. Một người rụt rè, tự ti đi kết giao với thì chắc chắn sẽ không hiệu quả bằng một người tự tin, tự nhiên nhưng biết chừng mực. Bạn cũng không cần phải nhún nhường người khác nhiều đến mức phải tự hạ thấp bản thân quá đà. Đó không những là một hành vi thiếu trí tuệ cảm xúc mà còn là bước đà để họ tự tiện lấn lướt bạn. Điều đó vô tình biến bạn thành một cá nhân thấp kém trong cả tập thể. Trong bất kỳ môi trường nào, bạn nên có sự độc lập trong mọi việc, mọi ý kiến từ bên ngoài chỉ là tham khảo, hãy đối chứng và phản biện với những ý kiến đưa ra, đừng để người khác tác động quá nhiều lên bạn. Vì suy cho cùng, bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho mọi việc mình làm. Sự tự lập là vô cùng cần thiết trong một thời đại xô bồ như hiện tại. Đừng ngại những cuộc tranh luận hay những mâu thuẫn, nó không xấu, nó giúp nâng cao khả năng của chúng ta, chỉ có những người không kiềm chế được cảm xúc bản thân mới khiến cuộc tranh luận trở thành một trận cãi vã.
“Có thể hiểu đơn giản rằng, môi trường xã giao của chúng ta cũng giống như hệ sinh thái trong tự nhiên, loài nào có sự phân bố và đặc điểm rõ rệt của loài đó. Nên chúng vốn dĩ không thể có môi trường sống tương đồng, như sinh vật biển khác với sinh vật trên cạn. Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta phủ định giá trị của nó, cần dùng một tư duy khác để thuận theo tự nhiên, để nó ngày càng phát huy giá trị lớn hơn trong thực tế cuộc sống đa dạng hóa này”.
“Bạn nên thường xuyên trò chuyện với chính bản thân mình, trực tiếp lắng nghe những gì mà mình đang cần, sau đó là những thứ mình muốn, đó là bước đầu tiên khi muốn tôn trọng, nuôi dưỡng và phát triển những nội tại của chính mình”. Đó là điều mọi người đều khuyên bảo nhau nên làm, mình cũng từng cảm thấy việc đó là phí thời gian và vô ích, nhưng hãy tin mình đi, đó là việc bạn nên làm càng sớm càng tốt và thường xuyên nhất có thể, một liều thuốc bổ cho tinh thần vô cùng tốt đấy. Bởi vì chẳng ai hiểu mình bằng mình và cũng chẳng ai quyết định được mình thay mình. Càng làm được sớm, bạn càng hiểu rõ chính mình hơn rất nhiều. Bỏ một chút thời gian vào cuối ngày hay trước khi ngủ để lắng nghe rõ nhất bản thân bạn đang nghĩ gì để rồi làm một tí nhận xét, rút kinh nghiệm xử lý vào lần sau cho tốt hơn và từ đó biết thêm cách điều khiển bản thân, quản lý hành vi, điều tiết cảm xúc.
Cuối bài
Dù có thể mình là đối tượng chưa đến tuổi sau với cuốn sách nên chưa thể chiêm nghiệm được quá nhiều qua những trải nghiệm thực tế từ nơi công sở hay các mối quan hệ hợp tác trong công việc, nhưng chính qua những câu chuyện “lớn tuổi” đấy, mình mới rút ra được một thứ rằng những việc dù vặt vãnh nhất như một cuộc nói chuyện phiếm cũng có thể gây nên những tác động lớn nhỏ khác nhau, chiều hướng khác nhau, và tất cả phần lớn đều từ chính chúng ta. Thái độ và hành vi của chúng ta đóng góp một phần không nhỏ nếu không muốn nói là vô cùng quan trọng khi quyết định những hướng đi tiếp theo trong cuộc sống.
Vậy nên lần cuối, đừng coi thường cảm xúc của ta và cả mọi người, chúng là một phần không thể thiếu của nền văn minh nhân loại hiện đại, khi công nghệ đang giúp chúng ta trải phẳng thế giới, mở rộng thêm nhiều cơ hội và cả thách thức. Chỉ khi ta nhanh nhạy và có được một nguồn lực quan hệ tốt thì mới có thể làm chủ được những thách thức kia. Không chỉ thế, khi công nghệ dần chiếm hữu lấy cuộc sống, những cuộc trò chuyện trực tiếp dần bị hạn chế bằng những dòng tin nhắn hay gặp mặt từ xa thì ta lại càng phải chăm chút để không bị mai một đi cảm xúc, thứ tài sản quý giá của bất kỳ giống loài nào
Ngoài IQ ra thì ta luôn nên nhớ có một chỉ số tương tự cũng cần được quan tâm và bồi đắp. “Life includes I and E”.
Hình ảnh: Cẩm Anh
------------------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,205 lượt xem