Phan Hồng Hạnh@Viện Sách - Bookademy
3 năm trước
[Tóm Tắt & Review Sách] “Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ”: Bài Học Từ Những Đứa Trẻ
Mỗi chúng ta đều có một khu vườn tâm hồn của riêng mình. Vào những ngày nắng trong, khu vườn ấy sẽ tươi tốt hơn với hoa cỏ được nhuộm nắng vàng. Chắc hẳn điều ấy cũng giúp chủ nhân khu vườn trở nên vui lây. Vậy nhưng khi những ngày mưa nối tiếp nhau kéo đến, khu vườn sẽ nặng trĩu những giọt nước mưa đọng lại. Ấy cũng chính là dấu hiệu cho thấy tâm hồn của người chủ đã bị nước mưa “xâm chiếm”. Vậy làm thế nào để khu vườn tâm hồn của bản thân có thể duy trì trạng thái tốt ngay cả khi giông bão kéo đến? Hãy đi tìm cho mình một góc trú ẩn thật êm ả và yên bình ngay từ cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Với lối kể chuyện thật tự nhiên và rất nên thơ về cuộc sống của một đứa trẻ 10 tuổi, cuốn sách sẽ đưa bạn đến gần hơn với sự bình yên trong tâm hồn.
Giới thiệu tác giả
Tác giả của cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ tên là Nguyễn Ngọc Thuần. Ông sinh năm 1972 và đến từ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh, ông đã quyết định ở lại để phát triển sự nghiệp của mình từ đó đến nay. Bên cạnh cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần có còn các tác phẩm chính như: Cha và con và tàu bay, Một thiên nằm mộng, và Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ.
Trong các tác phẩm của mình, ông thường tiếp cận độc giả bằng những câu chuyện tả thực, mang phong cách bình dị nhưng đậm chất “thơ”. Khi nhận xét về cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã chỉ ra cái hay của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần trong việc sử dụng “kỹ thuật tung xa để bắt gọn lại” ở tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, nhà văn Hồ Anh Thái cũng có những lời nhận xét “có cánh” dành cho văn phong của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần như sau:
“Đọc xong ngẩn ngơ lâu lâu. Văn phong đẹp, trong vắt. Người đọc soi vào đấy, thấy cả những ước ao tuổi thơ mình.”
Tóm tắt tác phẩm
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là một tập truyện dài, kể về cuộc sống của một đứa trẻ 10 tuổi ở vùng quê tên Trí Dũng. Qua nhiều câu chuyện nhỏ xảy đến trong cuộc sống hàng ngày của đứa trẻ, người đọc như được quay về với tuổi thơ, với khu vườn của chính mình. Đồng thời, sau khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách, chắc hẳn ai trong số họ cũng có những bài học rút ra cho chính mình. Điều ấy là bởi mặc dù đây là cuốn sách viết cho trẻ con nhưng lại mang nhiều tầng nghĩa. Chính vì thế, nó cũng mang nhiều thông điệp dành riêng cho cả người lớn nữa. Khi đề cập đến chủ đề này, tiến sĩ văn chương Nguyễn Minh Thái đã bày tỏ rằng:
“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã thật sự là một cú đúp ngoạn mục về văn chương: Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong đó đã là một truyện tặng cho bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện dành cho người lớn. Bởi chúng nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có lẽ, bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi…”
Cảm nhận cá nhân
Đúng như blogger Katia đã nhận xét trong những trang cuối cùng của cuốn sách, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là “những bài học kỳ lạ dành cho người lớn”. Kỳ lạ là bởi những bài học ấy lại đến từ những đứa trẻ - điều mà có lẽ ít ai ngờ đến. Ấy là bởi bấy lâu nay, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng trẻ con còn nhỏ nên chúng chưa nhận thức được gì cả. Điều ấy theo mình là nửa đúng nửa sai, vì đúng là chúng chưa có những trải nghiệm như người lớn. Do đó, kinh nghiệm sống của trẻ con không thể nào phong phú được so với chúng ta. Thế nhưng trẻ con lại rất nhạy cảm với những điều đang xảy ra xung quanh chúng. Bên cạnh đó, sự hồn nhiên với đời cũng giúp cho lũ trẻ có cách nhìn nhận mọi thứ rất sáng tạo.
Từ những trang sách của Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, mình thấy được niềm vui từ những đứa trẻ mang lại. Đồng thời, thông qua một số câu chuyện nhỏ hàng ngày của nhân vật chính, mình học được cách quan tâm đầy tinh tế mà tình cảm của một đứa trẻ. Nó dạy cho mình nhớ đến việc quan tâm những người mình thương yêu thường xuyên, và có mặt ở đó khi họ cần bởi:
“Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi họ có thích ăn bắp rang không…”
Sự tích cực mà một đứa trẻ có thể mang lại
Người ta vẫn thường hay nói rằng nhà có nhiều trẻ con thì lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Khi nghe câu nói ấy, mình chợt nghĩ không phải như vậy sẽ ầm lắm à, vì tụi trẻ con đôi lúc cũng cãi vã và khóc ăn vạ nữa kìa. Thế nhưng khi đọc Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, mình phải công nhận rằng nếu thiếu chúng thì khu vườn của mình cũng mất đi một phần ánh sáng. Bởi cái sự náo nhiệt và hài hước lũ trẻ đem lại không thể thay thế được bằng điều gì khác. Nó là điều có một không hai đối với mình. Trong câu chuyện nhỏ về một ngày mưa của đứa trẻ Trí Dũng, mình có thể thấy cách mà một đứa trẻ khuấy động ngày mưa ảm đạm ra sao. Nhân vật chính 10 tuổi của chúng ta hết tắm mưa lại quay vào nhà trêu chọc bố mẹ của cậu ấy qua những dòng văn sau:
“Chui đầu vào những sợi tóc của mẹ, tôi hay nói không nhìn thấy gì hết vì tóc mẹ đen quá. Giống như buổi mà đi ra khu vườn. Chỉ biết thôi, nhưng không thấy.
Bố bảo:
- Biết gì?
Tôi nói:
- Biết mẹ thích hoa lài. Tóc mẹ thơm mùi hoa lài lắm. Chắc mẹ là bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.
Bố cười ngất:
- Ái chà! Dám xem bố là bãi cứt trâu!”
Ngoài những giây phút vui vẻ mà một đứa trẻ có thể đem lại, chúng ta còn thấy được sự quan tâm chăm sóc của chúng dành cho những người thân yêu xung quanh nữa. Mình còn nhớ trong mẩu chuyện khi vợ chồng chú Hùng hàng xóm mất đi đứa bé đầu lòng, nhân vật chính của chúng ta đã biết cách ở bên và giúp họ phần nào vượt qua được nỗi đau này. Tâm tư ấy có thể thấy được qua những suy nghĩ của cậu bé:
“Tự dưng tôi muốn nói với cô như vầy: ‘Cô Hồng ơi, tối hôm qua con thấy bé Thương. Nó núp trên mặt trăng. Nó đẹp lắm. Mặt sáng bừng như có điện.’ Nhưng tôi chỉ nói: ‘Cô Hồng ơi, đêm qua trong giấc mơ của con có cả cô nữa.’ “
Ai mà ngờ được, hoá ra những đứa trẻ lại có những tâm tư đẹp đến vậy. Cái cách mà chúng thể hiện sự quan tâm hay yêu thương có thể còn vụng về, nhưng ẩn chứa cả một khu vườn đầy nắng và gió. Đấy có lẽ chính là nét đẹp của lũ trẻ, với suy nghĩ trong vắt như hạt sương sớm mai cùng những tiếng cười giòn giã.
Yêu lấy những điều không hoàn hảo
Mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng có thời chê trách chính bản thân mình vì những khuyết điểm của bản thân. Điều này trực tiếp dẫn đến việc bản thân ta mất đi sự tự tin ở chính mình. Trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, bài học về sự tự tin được khắc họa thông qua câu chuyện của cá nhân cậu bé Trí Dũng, cùng tương tác của cậu với các nhân vật hàng xóm khác như ông Tư, cô giáo, và cô Hà.
Đối với Trí Dũng, cậu đã bị bạn bè trêu chọc chỉ vì chiếc răng khểnh của mình. Họ gọi đó là cái bừa cào và khiến cho đứa trẻ này trở nên tự ti hơn về bản thân. Chính vì sự trêu chọc và đánh giá từ lũ bạn đồng trang lứa, đứa trẻ này không tự tin cười như trước nữa. Khi bố của cậu phát hiện ra điều này, ông đã đưa ra lời khuyên mà mình nghĩ ai cũng cần nghe mỗi khi trở nên tự ti về chính mình:
“Thì ra là vậy. Bố thấy đẹp lắm! Nó làm nụ cười của con khác với những đứa bạn. Đáng lý con phải tự hào về nó. Mỗi đứa trẻ có điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình.”
Kể từ ấy, sự tự ti về chiếc răng “cào bừa” của cậu bé đã được hóa giải. Nhớ kỹ lấy lời giảng giải của bố, đứa trẻ Trí Dũng đã tiếp tục tiếp thêm sự tự tin cho những người xung quanh mình. Qua đây, mình hiểu rằng sự tự tin nằm ở chính con người chúng ta. Và chỉ khi chúng ta chọn thay đổi suy nghĩ của chính mình về bản thân thì tình hình mới có thể cải thiện được Bởi lẽ bản thân mình thuộc về chính mình chứ không phải một ai khác. Do đó, việc tìm kiếm sự công nhận của người khác về chính mình sẽ khiến bản thân mệt mỏi. Vì một khi bạn phải tìm kiếm những lời khen từ người khác bằng một cách gắng gượng, thì bạn sẽ phải tiếp tục đi trên con đường này. Thế nên giải pháp tối ưu hơn cả vẫn là có một cái nhìn khách quan hơn về những điều chưa hoàn hảo của bản thân. Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta đều có điểm “kỳ lạ” và điều ấy cũng làm nên vẻ đẹp đặc biệt của chính ta.
San sẻ yêu thương
Trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, mình rất ấn tượng về một câu chuyện nhỏ hướng đến việc lan tỏa yêu thương. Câu chuyện bắt đầu bằng việc đứa trẻ tên Tí trong lớp với Dũng đột nhiên chăm chỉ đi học sớm. Không ai biết lý do vì sao nó lại đột nhiên thay tính đổi nết như vậy. Thế là bọn trẻ rủ nhau đi học thật sớm để tìm hiểu bí mật. Dần dần từng đứa một biết được bí mật rất dễ thương. Đó chính là vào mỗi buổi sáng, có ai đó thường đặt một viên kẹo trên bàn giáo viên.
Từ một viên kẹo được để lại bởi một người lạ mặt mỗi ngày, lũ trẻ đã được kích thích trí tò mò. Thế nhưng dù có cố mai phục thế nào thì chúng cũng chẳng thể tìm ra được người lạ mặt này. Một hôm, Dũng quyết định mình sẽ trở thành người lạ thứ hai và bắt đầu để lại một “món quà”. Và dần dần từ hai người lạ mặt cả lớp học xuất hiện thêm người lạ mặt khác với nhiều món quà nho nhỏ. Mẩu chuyện nhỏ này thật sự rất thú vị vì chỉ cần tưởng tượng khung cảnh một lũ trẻ háo hức mỗi ngày khi đến trường để nhận những món quà đã đủ khiến mình vui lây rồi.
Qua đây, câu chuyện này cũng giúp mình nhận ra một sự thật rằng khi mình làm những điều tử tế xuất phát từ tâm thì sự tử tế này sẽ được nhân lên gấp bội. Việc biết san sẻ yêu thương bằng cách lan tỏa sự tích cực cũng gián tiếp kéo mọi người lại gần nhau hơn. Ngoài ra, khi lòng tốt và sự tích cực càng được lan tỏa tới nhiều người thì nó sẽ tiếp tục được truyền tới nhiều người khác nữa. Điều này cũng giống như hiệu ứng Domino vậy, sự tử tế sẽ được nhân lên theo cấp bậc khi cá nhân mỗi chúng ta chọn lan tỏa sự tử tế ấy đến với những người xung quanh. Giống như bố của Trí Dũng đã nói:
“Đó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn của con đều có một điều bí mật và một món quà, đúng chưa? Khi biết món quà của ai, ta sẽ yêu người đó mà không yêu những người khác. Khi nhận một món quà không biết ai gởi, con sẽ yêu tất cả những người con quen. Vì biết đâu, một trong số họ đã gởi món quà đó. Chúng ta không nên biết người lạ mặt để làm gì cũng là một điều hay…”
Môi trường sống và những người xung quanh có tác động lớn tới một đứa trẻ
Môi trường sống và lớn lên có thể ảnh hưởng đến một đứa trẻ về lâu dài. Chính vì thế, việc dạy dỗ trẻ nhỏ ngay từ khi còn nhỏ là điều rất quan trọng. Mình vẫn tin vào điều này và cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là một minh chứng cho điều ấy. Bố mẹ của Trí Dũng trong truyện đã có cách dạy bảo cậu bé sống đúng với bản thân và lan tỏa sự tử tế. Điều ấy được thể hiện chân thực qua câu chuyện giữa Dũng cùng cháu ông ăn xin trong làng.
Mối quan hệ giữa Dũng, đám bạn của cậu cùng đứa trẻ này vốn không hoà hợp. Có lẽ xuất phát từ sự tò mò và đồng cảm, cậu bé nhân vật chính của chúng ta đã gián tiếp thể hiện sự quan tâm của mình dành cho đứa bé cháu ông ăn xin. Dũng đã tặng một con dế còn sống cho đứa bé ấy. Thế nhưng trẻ con sẽ có những tranh cãi hay có những giây phút buột miệng. Và trong lúc tranh cãi, Dũng đã vô tình đòi lại món quà mình đã tặng và mối quan hệ này bị đứt đoạn từ đây. Với cảm giác tội lỗi đọng lại, Dũng đã tâm sự cùng bố và nhận được lời khuyên về việc biết dũng cảm nhận lỗi:
“Tôi về nhà. Vừa thấy tôi, bố đã hỏi:
- Con làm sao vậy?
- Con đã lỡ đòi lại món quà mà con đã cho.
- Người đó có lỗi với con lắm à?
- Không, bố à. Chẳng có lỗi gì.
- Thế thì con phải xin lỗi họ thôi.
- Con sẽ không bao giờ xin lỗi nó.
- Nếu vậy, bố sẽ rất xấu hổ vì con. Và con cũng sẽ rất xấu hổ khi gặp lại nó.”
Mặc dù đến cuối cùng, Dũng đã không thể gặp lại ông cháu lão ăn xin để bày tỏ lời xin lỗi. Nhưng có lẽ mỗi khi đứa trẻ nghĩ lại về chuyện này, nó vẫn sẽ cảm thấy day dứt và biết dũng cảm đứng lên nhận lỗi lầm về mình. Và biết đâu đấy, có thể khi cậu bé lớn lên và có duyên gặp lại cậu bạn kia, lời xin lỗi muộn màng sẽ được cất lên.
Lời kết
Trẻ con luôn mang lại những điều diệu kỳ đến với cuộc sống. Đôi khi có chúng, ta mới vỡ lẽ ra nhiều điều mà ta hay quên trong cuộc sống bận rộn. Thông qua những câu chuyện nhỏ hàng ngày của đứa trẻ tên Trí Dũng, bỗng ta cũng thấy đời trong một lăng kính tích cực hơn trước. Và nó cũng giúp cho độc giả nói chung hiểu một sự thật hiển nhiên rằng trên đời này hoá ra cũng có những lúc đẹp như thế. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng thể hiện một thông điệp về sự tử tế của một cá nhân. Chúng không chỉ nằm ở cách họ được dạy dỗ, mà còn nằm ở môi trường lớn lên, những người xung quanh và cách họ chọn thể hiện sự tốt đẹp trong mình ra với thế giới bên ngoài. Nếu bạn đang có những phút giây mệt nhoài với thế giới ngoài kia, hãy dừng chân tại chốn nhỏ xinh đẹp này. Biết đâu sau khi lật đến trang sách cuối cùng, khu vườn ảm đạm nơi bạn sẽ tìm lại được nguồn sáng cho riêng mình.
Tóm tắt & Review bởi: Phan Hồng Hạnh - Bookademy
Hình ảnh: Đình Thành
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
19,344 lượt xem