Ngọc Anh@Viện Sách - Bookademy
3 tháng trước
[ Tóm Tắt & Review Sách ] Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ: “Trong Vắt” Qua Từng Trang Văn
Đôi lúc cuồng quay cuộc sống vội vã khiến con người ta cứ quanh quẩn ở trong mớ công việc ngổn ngang mà quên mất việc phải dứt ra, quên mất rằng bản thân cũng cần được nghỉ ngơi, tìm kiếm những thú vui cho riêng mình. Với tôi, đọc sách chính là cách để làm sống lại tâm hồn ngày một già cỗi của mình. Thế rồi đứng trước kệ sách, tôi quyết định chọn mua cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Liệu đây là một cuốn sách vui hay buồn, có điều gì xảy ra trong câu chuyện, nhân vật tôi sẽ được gặp là ai? Để rồi sau cùng, khi đã “thưởng thức” cuốn sách, những trang văn với từng câu chữ “trong veo” của nó đã trở thành liều thuốc, "chữa lành" cho tâm hồn tôi đến tận mãi về sau.
I/ Tác giả, tác phẩm
Nguyễn Ngọc Thuần sinh năm 1972 tại xã Tân Thiện, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, Nguyễn Ngọc Thuần đầu quân cho Báo Tuổi trẻ. Rồi anh lại được bén duyên với “văn chương”, bước vào con đường sáng tác và từng nước đi lên đỉnh cao trong sự nghiệp cầm bút của mình với hàng loạt các giải thưởng như: giải thưởng Văn học tuổi hai mươi lần II với tác phẩm Giăng giăng tơ nhện, giải A cuộc vận động sáng tác Thiếu nhi 2003 với Một thiên nằm mộng, NXB Kim Đồng 2002; đặc biệt tác phẩm đã đánh dấu thêm tên tuổi của Nguyễn Ngọc Thuần đó là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, NXB Trẻ 2000, đã đạt giải nhất cuộc thi Văn học Thiếu nhi lần III, giải Peter Pan (giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm thiếu nhi hay nhất). Tác phẩm đã góp mình vào kho tàng sách dành cho thiếu nhi, bên cạnh đó còn dành cho những người lớn muốn tìm lại tuổi thơ của mình.
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ được xuất bản năm 2004 bởi nhà xuất bản Tuổi Trẻ. Câu chuyện được viết dưới góc nhìn của nhân vật Dũng - một cậu bé 10 tuổi về cuộc sống và những sự kiện diễn ra xung quanh cậu: từ cách Dũng suy nghĩ, hành động với mọi thứ và được bố mẹ, cô giáo, chú Hùng,... yêu thương dạy bảo ra sao. Từ nhân vật Dũng, Nguyễn Ngọc Thuần như muốn làm sống lại một phần tuổi thơ của tất cả những người lớn khao khát muốn quay trở về lại những tháng ngày ngây thơ, hồn nhiên nhất trong cuộc đời của mình. Năm tháng rồi cũng sẽ qua đi nhưng kí ức về nó thì vẫn cứ sống mãi trong lòng của tất cả những người lớn đang ngày ngày trưởng thành.
II/ Nội dung:
1/ Sự chào đời của bất kì ai
cũng mang một ý nghĩa đặc biệt
Bạn có còn nhớ ngày ngày mà mình
ra đời? Đó là ban ngày hay đêm, là mưa hay nắng? Và chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng thấy việc
bản thân hiện diện trên đời này là một diệu kì đến như thế nào. Bạn và cả Dũng
đều chính là món quà vô giá mà “ông trời” ban xuống cho bố mẹ. Ngày Dũng ra đời,
bố mẹ cậu đã hạnh phúc biết nhường nào khi được nhìn thấy cậu: một đứa trẻ con có
cái tay, cái chân, cái gì cũng bé xíu, oa oa cất lên tiếng khóc chào đời.
“Bố nói, chưa bao giờ có một bàn tay bé xíu đặt lên mặt bố. Bé lắm. Bé khủng khiếp. Nhìn thấy tôi, bố cứ tưởng tưởng như đang lạc vào xứ sở của người tí hon. Mà ở xứ sở của người tí hon thì người ta không vội vàng được. Ví dụ như từ nhà đến trường, bạn đi vèo một cái là xong. Ở người tí hon thì không phải vậy, họ phải đi một năm. Họ không vội vàng được. Trước một đứa bé, cũng như xứ sở tí hon, bố không vội vàng được. Muốn ẵm tôi lên, bố phải từ từ. Bố nói, ẵm một đứa trẻ còn mệt hơn cày một đám ruộng. Bởi vì đám ruộng bạn có thể sửa chữa nó, còn đứa bé thì không.
Buổi tối, bố phải đi nhẹ chân -
một nỗi khổ của bố. Bố tôi khỏe lắm, cái gì chạm phải tay ông đều kêu rổn rảng.
Muốn đi nhẹ là việc cực kỳ khó khăn. Nhưng vì tôi, bố tập dần.. Bố nói, giấc ngủ
của đứa trẻ đẹp hơn một cánh động. Đêm, bố thực để được nhìn thấy tôi ngủ, cánh
đồng của bố.”
Sự xuất hiện của đứa trẻ giống
như ngọn nến thắp sáng cả một ngôi nhà. Người tới nhà thăm hỏi đứa trẻ cứ vào rồi
lại ra không ngớt. Người ta sẽ nói những câu “mắng yêu”, chạm nhẽ lên cái mũi
bé xíu, cái tay nhỏ nhỏ lúc nào cũng nắm hờ và nước da trắng muốt như mây. Khi
một đứa trẻ sinh ra, cha mẹ chúng sẽ được trao cho trọng trách, quyền hạn
thiêng liêng nhất. Từ nay đi đâu, làm gì không phải chỉ nghĩ cho riêng họ mà
còn là vì con. Chính cha mẹ sẽ giúp vẽ nên dáng hình và nhân cách của con: dạy
con cách làm người, dạy con yêu thương bản thân, yêu thương gia đinh và mọi người
xung quanh, dạy con sống sao cho thỏa với cuộc đời mà con đã chọn.
2. Sự đặt biệt của những cái tên
Khi một đứa trẻ chào đời, nó sẽ
được gọi bằng những tiếng gọi thân thương. Và đó là lúc tên của một đứa trẻ ra
đời. Bạn đã bao giờ từng hỏi bố mẹ về ý nghĩa cái tên của mình? Nhưng có một điều
chắc chắn rằng mỗi cái tên đều sẽ mang cho mình những ý nghĩa thiêng liêng vô tận.
“Theo bố tôi, cái tên quan trọng lắm. Bởi nó là cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta sẽ gọi trong suốt cuộc đời một đứa trẻ. Đứa trẻ này khác với đứa trẻ kia bởi một cái tên. Khi nhớ về một người là ta nhớ về một con người có cái tên đó. Không có gì tuyệt diệu hơn khi mình gọi tên của người thân của mình. Mẹ là tên chung cho tất cả những ai làm mẹ. Khi ai đó gọi mẹ ơi, tức là mình hiểu người phụ nữ đó đã làm và yêu thương những công việc giống mẹ mình. Mẹ cũng là một cái tên đẹp nhất, bao giờ cũng dịu dàng…Khi mình lớn, cái tên vẫn đi theo, mình sẽ giữ nó như một kỷ niệm về người bố và người mẹ. Đó cũng là tình cảm ưu ái mà bố mẹ dành cho.."
Còn gì đẹp hơn khi tiếng một người gọi tên một người. Cái tên chính là hiện thân của chính cá nhân đó, khiến người ta biết được rằng người đó có hiện hữu trên đời này. Và cái tên sẽ còn “tỏa hương” nếu người ta sống biết trao đi những sự tử tế, yêu thương của mình đối với mọi người xung quanh. Có người mất cả đời chỉ để lưu lại tên mình trên những công trình vinh quang hay chỉ đơn giản đặt nó ở ngay bên cạnh những người thân yêu nhất của ta: bên tiếng gọi ngọt ngào của mẹ, tiếng dạy bảo ân cần của cha, tiếng gọi í ới của đám bạn rủ đi chơi hay tiếng chim hót trên những cành lá xanh tươi. Ngày còn bé tí, mình đã thật sự không hề thích cái tên của mình. Một phần vì do bạn bè chọc ghẹo và chính bản thân mình ngày ấy nghĩ con gái sao lại có cái tên kì cục đến như thế, các bạn nữ khác có cái tên đáng yêu như thế cơ mà. Mãi sau này nghĩ lại, mình mới nhận ra cái tên là tất cả tình yêu thương mà bố mẹ đã dành cho mình. Chỉ cần như thế thôi thì cũng đủ khiến cho cái tên mang một ý nghĩa thiêng liêng chẳng có gì sánh bằng. Mình sẽ lại yêu bố mẹ, yêu cái tên mà họ đã đặt cho mình bởi nó đã cùng mình xuất hiện trong giây phút chào đời thiêng liêng nhất mà.
3. Yêu những điều khác biệt
Con người thường có xu hướng dè chừng những thứ khác xa so với số đông. Người ta dễ chấp nhận những thứ thuộc về “số đông” và thường ghét bỏ những gì đi ngược lại với nó. Đôi lúc chính điều đó đã vô tình làm tổn thương đến những cá nhân có chút khác biệt ấy dù họ chẳng gây ra điều gì sai trái. Cần phải thừa nhận rằng không phải sự khác biệt nào cũng xấu và cũng không phải sự khác biệt nào cũng bắt buộc phải đào thải. Như Dũng, em thường xuyên bị bạn bè trêu chọc vì có chiếc răng khểnh nên luôn bị tự ti đến độ Dũng luôn phải giấu nhẹm đi nụ cười của mình để không còn phải bị trêu chọc. Trái ngược với sự mặc cảm đó của Dũng, bố em đã ôn tồn giảng giải, an ủi:
“Bố thấy đẹp lắm! Nó làm nụ cười của con khác với những đứa bạn. Ðáng lý con phải tự hào vì nó. Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy”
Như ông Tư – người hàng xóm của
Dũng, ông từng làm bảo vệ cho trường học. Ngày ấy vì cứu một đứa bé bị sót lại
trong lớp mà ông đã bị mất đi đôi bàn tay của mình. Quả bom ấy dội xuống, cắt
lìa đôi tay của ông. Dũng không hề thấy việc ông mất tay là xấu xí mà ngược lại
còn thương ông, an ủi ông bằng những câu nói nó ngô nghê, đáng yêu; sẵn sàng
hóa thân trở thành tay của ông Tư; thường xuyên ghé sang nhà chơi để ông vơi bớt
đi nỗi buồn.
Vì được sinh ra trên đời đã là một
điều đáng quý thì hà cớ gì ta phải quan tâm đến những lời bàn tán xung quanh.
“Mình là lá, việc của mình là
xanh”
Mỗi người sinh ra trên đời này đều
mang cho mình những sứ mệnh riêng. Đừng thấy bản thân không giống những người
khác mà nghĩ bản thân mình lạc loài và cũng đừng bị ánh sáng rực rỡ của người
khắc khiến bản thân cảm thấy tự ti, rụt rè. Cứ sống tốt cuộc đời của mình, rồi
ai cũng sẽ tảo sáng theo những cách riêng.
4. Bố mẹ là những người bạn đồng
hành thân thiết nhất của con
Xuyên suốt Vừa nhắm mắt vừa mở
cửa sổ, sự xuất hiện của bố mẹ Dũng gần như trải dài tác phẩm. Bố mẹ chính
là chỗ dựa của em, luôn bên cạnh bảo ban, dạy dỗ em, nuôi dưỡng tâm hồn trong
sáng và thuần khiết của Dũng. Nhờ việc bố lúc nào cũng bắt em phải nhắm mắt đọc
tên các loài hoa trong vườn mà từ đó rèn cho Dũng được khả năng nhanh nhạy, áp
dụng nó vào chính cuộc sống. Em đã cứu được thằng Tí – bạn thân của mình – người
đã bị rơi xuống sông. Mẹ nó cầm tay em, vỡ òa và cảm ơn rối rít. Cũng chính nhờ
khả năng nhận diện các loài hoa mà Dũng cùng với bạn của mình có thể trở về nhà
sau khi đi chơi lạc trong rừng.
Có lúc đôi mắt sẽ không cho ta
thấy được tất cả, nhưng nếu bạn yêu cuộc sống, yêu mọi thứ xung quanh bằng tất
cả trái tim của mình; không chỉ đơn giản là nhìn bằng mắt mà là băng cả trái
tim, thì chúng sẽ đưa bạn đến những điều tốt đẹp.
5. Nỗi buồn của việc mất đi người
mình yêu thương nhất
Nỗi buồn khi mất đi người mình
thương yêu vẫn luôn là những cảm xúc chẳng thể nói thành lời. Và sẽ đau đớn hơn
gấp bội nếu như chính những người mẹ, người cha phải đối mặt với nỗi đau đớn
khi mất đi đứa con vừa mới chào đời của mình. Vợ chồng chú Hùng đã phải rơi vào
hoàn cảnh như thế: em bé đã chết ngay khi vừa mới chào đời. Đặc biệt là cô Hồng
(vợ chú), chị đã phải mất đi quyền làm mẹ - cái quyền thiêng liêng nhất của mội
người phụ nữ.
“Mẹ tôi nói một đứa bé sẽ trao cho người phụ nữ một cái quyền thiêng liêng nhất, quyền làm mẹ. Không có đứa bé, họ sẽ không được làm mẹ. Họ sẽ đau khổ lắm. Họ sẽ thấy mình mất đi một nửa cuộc đời. Bởi cuộc đời người phụ nữ luôn gắn liền với những đứa bé, là kho báu quí giá không có gì có thể đánh đổi với họ”
Sau ngày mất đi đứa con, chú ít
khi sang nhà Dũng, không còn là những lần chọc ghẹo em. Cô Hồng thì cứ thẩn thơ
như người mất hồn, dù trên môi cô vẫn nở nụ cười nhưng mắt cô lại không biết
nói dối, nó buồn hết sức, đôi mắt là hiện thân cho nỗi đau của cô. Người ta tới nhà
cô chú rồi lại lần lượt rời đi. Và thay vì hỏi những câu: “Nhìn con bé thấy ghét
ghê hà; Em bé đáng yêu hết sức; con gái tên Thương nghe đẹp hén...” thì người ta cố
tránh hết sức có thể và chỉ hỏi thăm những câu hỏi đâu đâu. Bởi ai cũng sợ nỗi
đau trong lòng vợ chồng chú cứ nằm ở đấy chẳng chịu đi. Nhưng có lẽ khi người
ta buồn thì điều cần thiết nhất với họ lúc đó chính là sự sẻ chia, họ cần có
người xuất hiện để giúp họ vơi đi nỗi buồn.
“Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi,
khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng
tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn,
chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay
lưng lại với một con người như vậy.”
Như việc phát hiện thằng Tí bị rắn
cắn, khi người lớn thấy thì nó đã nằm sõng soài dưới gốc cây, người nó tím ngắt
và tay buông thõng như con chim bị trúng đạn. Biết tin đó, không chỉ riêng bố mẹ
nó mà cả Dũng cũng ứa nước mắt khi nhìn thằng tí cứ nằm im lìm, thở đều đều với
khuôn mặt và đôi môi tím tái. Những kỉ niệm về thằng Tí giờ đây cứ hiện hữu bên
cạnh, ngay trong tâm trí những người thân yêu nhất của Tí.
“Bố tôi vẫn nói, khi một người
thương yêu của ta ra đi, cũng giống như chúng ta cắt lìa từng khoảng trời trong
trái tim mình. Ðó là một khoảng trời rất rộng mà ta hít thở từng ngày.”
6. Những trang văn đầy ấp kỉ niệm
tuổi thơ
Người ta thích một tác phẩm nào
đó có lẽ chỉ đơn giản là vì khi đọc họ được sống lại những tháng ngày hạnh phúc nhất đời mình. Và
đọc Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ thì những kí ức về tuổi thơ cứ lũ lượt ùa
về chiếm hết tâm trí của người đọc. Những năm tháng vô lo vô nghĩ, thỏa sức vui
chơi với bè bạn, nuôi ước mơ về những điều đẹp đẽ nhất hay được hòa mình dưới
làn nước mát rượi của những cơn mưa mùa hạ. Chí ít những khi được tắm mưa như
thế thì người ta sẽ thấy mình con trẻ. Và cơn mưa trong mắt người lớn thì lúc
nà cũng phảng phất chút gì đó buồn buồn
“Mẹ tôi nói ngày mưa, nỗi buồn
bao giờ cũng nhiều hơn ngày nắng, nhất là những ngày mưa kéo dài. Mẹ ngồi trên
bậc cửa, chải tóc. Mẹ chải như tìm thấy niềm vui trong đó.”
Phải chăng khi lớn người ta có
nhiều thứ để lo hơn, trong cơn mưa cũng như thế, họ sẽ phải lo lắng nhiều hơn
và rồi sau cơn mưa, chính ánh nắng sẽ rọi lại những bộn bề trong lòng họ, họ sẽ
tìm niềm vui trong chính những ngày nắng đó và nhắc nhớ lại những buổi tắm mưa
ngày bé đầy kỉ niệm. Và còn tỉ tỉ những thứ đẹp đẽ khác của tuổi thơ đã nằm gọn
trong kí ức của mỗi người. Cuốn sách chỉ là một xúc tác để những kí ức ấy sống lại,
hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.
7. Ý nghĩa nhan đề Vừa nhắm mắt
vừa mở cửa sổ
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ: mở cửa là một hành động cần phải dùng đôi mắt để nhìn và xác định phương hướng nhưng lúc này đây nó lại được thực hiện bằng hành động nhắm mắt. Ta mở cửa sổ để đón nhận những hương vị, sức sống của cuộc đời và việc nhắm mắt sẽ giúp ta cảm nhận được chúng bằng tất cả con tim của mình. Tình yêu xuất phát từ trái tim. Và thế là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ mang một tựa đề đặc biệt cùng với ý nghĩa nhân văn mà nó truyền tải: về tình yêu thương, lòng biết ơn, sự sẻ chia và đồng cảm.
III/ Kết
Như nhà văn Phan Thị Vàng đã chia sẻ sau khi đọc Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
“Sau khi đọc xong, tôi thường
ngồi ngẩn ngơ. Văn
phong đẹp, trong vắt. Người đọc soi vào đấy, thấy cả những ước mơ tuổi thơ
mình.”
Có thể nói Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ mang trong mình những điều ngọt ngào nhất thế gian: bố mẹ, bạn bè, tình yêu thương, trái tim... Từng lời nói, câu văn của các nhân vật đều “tỏa ra” những mùi hương ngọt ngào và da diết. Văn phong của Nguyễn Ngọc Thuần trong sáng và thuần khiết hết mức, đến nỗi đọc xong người ta có thể “ngẩn ngơ”, “ngây ngất” trước những trang văn ngọt lịm. Cuốn sách còn mang đến những bài đọc đặc biệt, chúng đặc biệt bởi những bài học đó lại xuất phát từ một đứa trẻ. Người lớn vẫn thường hay nghĩ “Trẻ con thì có biết gì đâu” nhưng thế giới của trẻ thơ lại phong phú và đôi lúc còn sâu sắc hơn những gì mà chúng ta nghĩ. Chính sự hồn nhiên, tò mò, niềm hứng thú say mê với mọi thứ xung quanh khiến thế giới trong mắt trẻ thơ lúc nào cũng tràn ngập màu sắc - chính là thứ mà người lớn khao khát được quay trở về nhất, khiến họ muốn quay lại những ngày thơ ấu của mình.
Hình ảnh: Ngọc Anh - Bookademy
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
134 lượt xem