Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách] “Utopia - Địa Đàng Trần Gian”: Giấc Mơ Về Thiên Đường Bên Kia Thế Giới

Mong muốn trở nên hoàn hảo là khát khao của muôn loài có trong mình hệ ý thức riêng. Hiển nhiên, với danh xưng là động vật cao cấp, con người cũng mang trong mình khát cầu đạt đến sự hoàn hảo tối thượng. Nhưng định nghĩa về sự hoàn hảo lại luôn mang nghĩa bất định và cho đến nay ngay cả định nghĩa cơ bản nhất của vấn đề này cũng chưa được rõ ràng, vậy thì điều đó là bất khả khi để cho bất cứ loài vật nào có thể hoàn toàn đạt được trạng thái hoàn hảo. Tuy nhiên, nhân loại, một giống loài với niềm đam mê khát khao cùng với sự sáng tạo bất diệt, thật khó để không kẻ nào nghĩ tới một viễn cảnh, không chỉ một cá thể đơn lẻ, mà là cả một cộng đồng, một xã hội, và cả quốc gia đều đạt tới độ hoàn hảo, từ nhân phẩm cho đến thể chất, từ chính trị cho đến văn hóa, từ xã hội cho đến tôn giáo… Tất cả đã được khắc họa rõ nét trong Utopia, một tác phẩm đại diện cho nỗi thất vọng triền miên của loài người của Thánh Thomas More của Công Giáo. 

  1. Tác giả

Sir Thomas More (1478 - 1535) là một luật sư, triết gia xã hội, chính khách và là một người theo chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng. Ông sinh ngày 7/2/1478, trong một gia đình tri thức. Khi còn nhỏ, ông được gửi đến học tại một trường dòng Thánh tại Hampstead, một ngôi trường tốt nhất tại London vào thời điểm đó. Thomas theo hầu John Morton, giám mục và là Đại Chưởng ấn của Anh quốc. Tin vào tài năng của More, năm 1492, John gửi ông đến học tại trường Oxford. Vào năm 1510, ông được bầu vào quốc hội, trở thành đại diện của London. Sau này, khi hoàn thành sứ mệnh ngoại giao cho Hoàng đế La Mã Thần Thánh, Charles V và các vị quan chức cũng như các vị Giám mục cấp cao khác, Thomas được phong hiệp sĩ và giữ chức thủ quỹ của Bộ Tài chính vào năm 1521. Với tư cách là cố vấn và thư ký riêng của Nhà vua, ông ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn và được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như tiếp sứ đoàn nước ngoài, soạn thảo các văn bản chính thức và là người đóng vai trò liên lạc giữa Nhà vua và Thủ tướng Wolsey. Sau khi Wolsey thất thủ, ông được bầu là quan Đại Chưởng ấn vào năm 1529. Với năng suất làm việc tuyệt vời của mình, ông giải quyết các vụ án nhanh chưa từng thấy. Khi xung đột giữa Giáo hoàng và Nhà vua dâng cao, ông kiên quyết giữ vững quan điểm ủng hộ quyền tối cao của Giáo hoàng. Năm 1530, ông từ chối ký vào lá thư của các nhà quý tộc và Giám mục hàng đầu nước Anh yêu cầu Giáo hoàng Clement VII chấp thuận hủy bỏ cuộc hôn nhân giữa Henry VIII và Catherine xứ Aragon, đồng thời tranh cãi với Henry về luật dị giáo.Henry đã thanh trừng hầu hết các giáo sĩ ủng hộ lập trường của giáo hoàng khỏi các vị trí cấp cao trong nhà thờ. More tiếp tục từ chối ký vào Lời thề tối cao và không đồng ý ủng hộ việc Henry hủy hôn với Catherine. Năm 1532, ông từ chức Thủ tướng. Năm 1535, ông bị kết án tử hình bởi vua Henry VIII vì tội chống lại quyền lực tối cao của Nhà Vua (vốn là một tội được ghi trong bộ luật Phản Quốc hồi ấy) tại Tower Hill.  

Trong lịch sử văn học và văn hóa đại chúng, ông để lại rất nhiều di sản và thành tựu nổi bật. Tiêu biểu nhất là chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa bài Cộng sản. Điều này được thấy rất rõ trong tác phẩm Utopia của ông. Theo Đại từ điển bách khoa Liên Xô, trong bản dịch tiếng Anh có nói Thomas More là “ người sáng lập chủ nghĩa cộng sản không tưởng”, người đầu tiên mô tả “ một xã hội nơi quyền tư hữu bị bãi bỏ”. Chính Karl Marx, Friedrich Engels và Karl Kautsky ca ngợi ông là anh hùng cộng sản, với tư tưởng xóa bỏ tư hữu và tạo ra thế giới hoàn toàn bình đẳng. Ông được khắc tên trên tấm bia Tự do, hay còn gọi là Đài kỷ niệm của các nhà tư tưởng Cách mạng.

  1. Tư tưởng và giá trị của tác phẩm tới văn hóa đại chúng

Utopia được xuất bản lần đầu tiên năm 1516. Tác phẩm xoay quanh cuộc đối thoại của More và người bạn Peter Grill cùng với Raphael tiên sinh, một người quen của Peter, người sở hữu lượng kiến thức khổng lồ được tích lũy qua nhiều năm du hành. Vị tiên sinh ấy đã dành hơn chục năm để thám hiểm nhiều quốc gia trên thế giới, nơi mà phương Tây chưa thể tìm ra (tuy vậy tất cả những quốc gia và nhân vật Raphael này là giả do chính More tạo ra). 

Utopia là một quyển sách nhỏ bé, được in theo khổ A5 và chỉ vỏn vẹn tầm 200 trang (với bản dịch tiếng Việt), nhưng nội dung và tư tưởng của nó lại vĩ đại hơn rất nhiều. Chủ đề của Utopia thật khó để xác định bản thân nó thuộc đích xác thể loại nào. Không chỉ đơn thuần là chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo….cũng không chỉ là tiểu thuyết hư cấu. Chủ đề của cuốn sách rộng lớn hơn, nó nói về con người, cả cá nhân và tập thể. Tuy nhắc tới cái chung, nhưng với tiêu chí “xã hội được cấu thành bởi cá nhân và cái chung được tạo nên bằng những yếu tố riêng”, thông qua đó, More đã cho ta thấy những tiêu chuẩn tiêu biểu của không chỉ mỗi xã hội mà còn là mỗi cá thể trong chính xã hội ấy. Vì vậy những cái chung  mà ông nhắc đến tương tự như nhắc đến mỗi cá nhân trong một tập thể vậy.

Trong những cuộc đối thoại giữa More và vị tiên sinh, ta đều nhận thấy rằng mỗi nhận xét của Raphael là sự khách quan tuyệt đối và ông cũng thẳng thắn phơi bày những mặt trái của hệ thống chính trị đương thời. Ông không ngần ngại bóc tách từng sự xấu xí của xã hội quân chủ chuyên chế đương thời, chế giễu sự nông cạn của quan lại, sự vô dụng của tầng lớp cai trị và sự tàn bạo không khoan nhượng của tầng lớp quý tộc đối với những con người lao động cùng đường. Trong phần đầu, nơi chủ yếu là những nhận xét và đánh giá của nhân vật Raphael đối với chính quyền chuyên chế và những giải pháp thay thế hữu hiệu nhất dành cho những quy định ngu ngốc của chính quyền Nhà vua. Qua đó, ta rút ra được nguyên lý muôn thuở rằng, khi quyền lực lớn chỉ thuộc về một nhóm người nhỏ, hoặc đơn cử là một người duy nhất, điều đó sẽ tạo nên sự phân cực rõ rệt trong xã hội, nơi tầng lớp tinh hoa được hưởng những đặc quyền cao cấp nhất, trong khi tầng lớp dưới, những con người thực sự tạo ra của cải lại chỉ xứng được hưởng những thứ “cơm thừa canh cặn”. Vì là một nhà hoạt động chính trị nổi bật, More có cái nhìn vô cùng rõ ràng về cách hoạt động của hệ thống chính trị. Ngoài ra, ông dễ dàng nhận ra được bản chất của những nhà cầm quyền, với một mục đích duy nhất là làm thế nào để HỌ được nhiều hơn. Tiền tài, danh vọng, đất đai, lợi ích… cái gì nhiều hơn dù chỉ một chút cũng khiến những kẻ cao quý ấy vồ vập vào nhau như những con hổ đói. 

Dù đã ra đời cách đây hơn 500 năm, từ năm 1516, tác phẩm vẫn giữ nguyên những giá trị đương thời và vẫn còn chứa đựng tính thời sự. Một đặc điểm rõ nhận thấy nhất đó là phần khi More đề cập đến những phương pháp trừng phạt tàn nhẫn của viên quan chức đối với một người dân mắc tội ăn cắp, bằng cách treo cổ thị chúng, một sự trừng phạt ngang với việc giết người. Có thể thấy, More đã phân tích rất rõ những tác hại tiêu cực về mặt tâm lý và thậm chí phản tác dụng của lối trừng phạt này. Sự trừng phạt đôi khi đem đến những tội ác. Không chỉ là một sự trừng phạt đơn thuần mà trong mỗi tội lỗi ta mang tới trong từng quyết định trừng phạt, ta phải tạo nên một sự nhân từ và một con đường cho kẻ biết hối lỗi. Đó mới chính là ý nghĩa của trừng phạt. Đây cũng là một bài học lớn cần nên tham khảo, và dựa trên lý lẽ ấy, rất nhiều người cũng đang tranh cãi về vấn đề có nên thi hành án tử hình không. Hành vi nhân đạo nhằm xóa bỏ cái ác mới là phương cách hiệu quả nhất đối với một sự trừng phạt.

Trong quyển thứ hai, dựa trên nguyên tắc thể chế của một nền cộng hòa, More tạo nên một Utopia công bằng, dân chủ và mang tính tương hỗ. Tuy vậy xã hội mà More tạo nên vẫn còn nhiều thứ gây tranh cãi, điển hình như cách ông thiết lập một xã hội quá hoàn hảo, mà việc tiên quyết đó là phải dựa vào đạo đức của mỗi cá nhân mới tạo dựng được một xã hội như vậy, ngoài ra nền tảng của Utopia tương đối mong manh, và thực sự không có gì chắc chắn được một quốc gia như vậy có thể vận hành lâu dài và không thể bị sụp đổ. Nhưng, điều thu hút hàng triệu độc giả hơn 5 thế kỉ qua của Utopia chính là việc More đã tạo nên một viễn cảnh tương lai quá đỗi đẹp đẽ và khác biệt, không chỉ là những năm 1500 mà còn đến tận sau này, người ta vẫn còn thấy nó là một ước mơ quá đỗi xa vời. 

Qua xã hội Utopia, qua những người dân nơi đây, ta cũng được nhìn ngắm những lý tưởng vĩ đại của More. Tại Utopia, không phân chia giai cấp và tầng lớp, ngoại trừ nô lệ, vốn là những người dân nơi đây phạm tội hoặc được mua lại từ quốc gia khác, nếu chăm chỉ cũng sẽ được nhận được sự đối đãi nồng hậu. Người dân nơi đây làm việc theo khả năng nhưng họ luôn phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nghĩa là phải có thời gian quy định họ làm việc hằng ngày, và thành phẩm sẽ luôn được chia đều vì ai cũng phải làm việc như ai. Tại đây khác với bất cứ một nền thể chế nào trên thế giới, nơi phải có ít nhất một tầng lớp không phải lao động ở bất cứ phương diện gì để tạo ra của cải vật chất, chính quyền Utopia yêu cầu tất cả người dân, không phân biệt giới tính địa vị, kể cả quan chức hay không đều phải lao động. Người dân thì phải biết làm nông nghiệp, học giả thì chăm lo việc giáo dục và ngoại giao, quan chức lo việc chính trị, mục sư lo việc phần hồn… mỗi người đều mang tâm thế làm việc. 

Ngoài ra, nhắc tới sự công bằng, More cũng thiết lập một xã hội thể hiện rõ nhất đặc điểm đó tại nền giáo dục và y tế, nơi mà cả hai lĩnh vực thường là ưu đãi đặc biệt cho những tầng lớp trên có địa vị và giàu có. Đối với người dân Utopia, học hành là nghĩa vụ, cũng như việc lao động, bổ sung thêm kiến thức mỗi ngày không kể bất kì thân phận, tuổi tác, giới tính, ai ai cũng đều được và phải đi học. Họ đều phải biết đọc, biết viết cơ bản. Ngoài ra, tư tưởng của người dân Utopia vô cùng cởi mở, đặc biệt là các tầng lớp tri thức và người cao niên. Việc tiếp xúc với kiến thức hằng ngày giúp họ luôn giữ tâm thế tôn trọng và dễ dàng đón nhận quan điểm của người khác, đặc biệt là với những người trẻ.  Trong y tế, mọi người đều được đối xử công bằng, và y tế là hoàn toàn miễn phí. Lương thực, thuốc men và những điều dưỡng đều đạt chất lượng cao, tuy rằng người dân Utopia thường rất ít khi bị bệnh hoặc gặp vấn đề về sức khỏe.

Những phương diện khác về tinh thần và tôn giáo cũng được More đề cập ất kĩ, đặc biệt là tôn giáo. Với tư cách là một người có ảnh hưởng lớn trong Công giáo Anh thời bấy giờ, More cũng cân nhắc rất kĩ những vấn đề trong tôn giáo của Utopia. Ông cho rằng vai trò của tôn giáo là vô cùng quan trọng. Theo ông,Utopia là nơi chỉ tồn tại duy nhất một Đấng Tối cao duy nhất, tuy nhiên ông lại vô cùng ủng hộ quan điểm đa tín ngưỡng, với ý nghĩ: “ Ông không định nói rằng tín ngưỡng nào là đúng. Có vẻ như ông tin rằng Thượng đế đã tạo ra những con người khác nhau có lòng tin vào sự khác nhau, bởi vì Ngài muốn được thờ phượng qua nhiều nẻo khác nhau vậy”. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông phủ nhận những thành tựu khoa học, vì với tư tưởng: “ Người Utopia cho rằng, tìm hiểu hết những vẻ đẹp và những điều huyền bí của vũ trụ là một cách ca ngợi sức sáng tạo phi thường của Thượng đế.” Điều đó chứng tỏ, tư tưởng của More đã cân bằng được giữa tôn giáo – tâm hồn và khoa học – thể xác, sự hòa hợp giữa đức tin và thực tế, điều này càng làm vững chắc thêm phần lý trị và củng cố thêm lòng tin trong mỗi người.

Ngoài những lĩnh vực trên, More cũng đề cập tới rất nhiều phương diện khác. Mỗi lĩnh vực ông xây dựng đều thể hiện được những tư tưởng vượt thời đại của ông và tầm nhìn, năng lực của ông qua những nhận xét về bản chất con người, ngoài ra bản thân tác phẩm đã thể hiện được phần lạc quan, mơ mộng của chính tác giả khi ông gửi gắm vào đó nhiều mong ước về một xã hội trong mơ giữa cảnh loạn lạc thực tế.

  1. Phần kết

Utopia là chốn mơ mộng của những người cùng khổ nhất, nhưng ắt sẽ chẳng phải là thiên đường của những kẻ ăn không ngồi rồi. Xã hội nơi đây được xây dựng trên bốn tiêu chí: công bằng, lý trí, tự do và hợp tác. Tuy nền tảng của chúng rất đơn giản nhưng lại vô cùng chắc chắn, và càng khó hơn để có thể xây dựng nó giống với định nghĩa tuyệt đối. Vậy nên, liệu có phải ước mơ đạt tới sự hoàn hảo của con người chỉ là hão huyền? “ Sự tự nhận thức, trong bất cứ một điều gì, kể cả trong việc nhận thức được năng lực và khiếm khuyết của bản thân là chìa khóa để hướng tới sự hoàn hảo nhất trong khuôn khổ bất toàn của vũ trụ”. Vì suy cho cùng sự hoàn hảo mang theo nghĩa bất định, thật khó để có thể nắm bắt điều đó, nhưng không có nghĩa là ta quên đi việc tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Đó chỉ là đôi lời nhắn nhủ nho nhỏ từ một đọc giả của Utopia. Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc hết những lời bình của mình.


Tóm tắt bởi: Hải An

Hình ảnh: Kim Phụng- Bookademy

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

767 lượt xem

lh-fulllh-x