Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt Và Review Sách] "Băn Khoăn": Dưới Bóng Hoàng Hôn Của Chủ Nghĩa Hư Vô - Thế Hệ Lạc Lối Qua Ngòi Bút Khái Hưng

1. Khái Hưng – Kẻ mộng du giữa những giấc tình và cơn mê thời đại

“Con tò vò mới phá tổ bay ra nhăm nhăm chờ dịp châm nhát kim thứ nhất trúng huyệt vi tế trên đầu con nhện béo mập đang ẩn núp đâu đó.”

Trong vòm trời văn chương tiền chiến, Khái Hưng là một cái tên không thể không nhắc tới. Là một trong những trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn, Khái Hưng (tên thật là Trần Khánh Giư, 1896–1947) cùng với Nhất Linh đã tạo nên một dòng văn học lãng mạn cải cách, cổ vũ cho những lý tưởng mới về tự do cá nhân, tình yêu đôi lứa, sự tự chủ trong cuộc đời và một xã hội văn minh hiện đại hơn. Những tiểu thuyết như Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên, Trống mái, Gánh hàng hoa… từng khiến trái tim nhiều độc giả thời ấy rung lên bồi hồi giữa một xã hội còn đầy rẫy định kiến, cổ hủ và ràng buộc.



Nhưng văn chương của Khái Hưng không chỉ là hương tình bay thoảng. Dưới cái vỏ mộng mơ, nhiều tác phẩm của ông hàm chứa những suy tư rất thật về thân phận con người, sự mâu thuẫn giữa đạo đức và khát vọng cá nhân, giữa lý tưởng tân tiến và cơn lốc truyền thống. Và trong những ngày tháng cuối đời – khi đang chịu giam giữ vì những xung đột chính trị, ông đã viết Băn Khoăn như một lời độc thoại buốt lạnh nhất. Không còn những lời hoa mĩ hay những chuyện tình kiểu mẫu, Băn Khoăn là một cuộc trượt dài vô phương cứu chuộc, nơi nhân vật chính vùng vẫy giữa dục vọng và chủ nghĩa hư vô, giữa cái tôi và cái vô nghĩa của đời sống. Một tác phẩm vừa u ám vừa táo bạo, vừa trần trụi vừa mộng tưởng, như chính một Khái Hưng lạc loài ở thời điểm ấy – người vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân của thời đại mình.

2. Khi tuổi trẻ tan rữa như khói

Băn khoăn, có cái gì đó đổ nát, hoang tàn và hỗn loạn – như thể nhà văn đã ném bỏ hết mọi lý tưởng trước đó để viết một tác phẩm thuần bản năng, dằn vặt, và không nhân nhượng với chính mình. Theo đó, cảnh mở đầu tác phẩm thật khiến người ta muốn tháo tung lồng ngực và đấm vào mặt ông trời vì đã không kéo dài tuổi trẻ của mình: Một ngày nọ, Cảnh, 25 tuổi, một sinh viên trường luật đương yên ổn học hành bỗng dưng dở chứng: “Học để làm gì, và đỗ để làm gì?”. Bị ám ảnh bởi hoóc-môn nổi loạn trỗi dậy như nghe tiếng cái bụng đói réo gọi, Cảnh hóa sa đọa. Y rơi vào vòng xoáy của tuổi trẻ nổi loạn giống y như những cơn khủng hoảng hiện sinh thời nay – một thứ existential crisis điển hình, chỉ thiếu mỗi lời dẫn của Kierkegaard hay Camus là đủ thành meme. Nhưng điều khác biệt là Cảnh không dừng lại ở đó. Y lập tức lao vào những trò ăn chơi đàng điếm, rượu chè liên miên, cờ bạc đỏ đen, lăng nhăng hết cô này đến cô nọ, cho đến khi Hảo xuất hiện. Hảo vốn là vợ sắp cưới của Thanh Đức, cha Cảnh. Thế nhưng trước ngày cưới không lâu, Hảo lại trót gặp Cảnh và nảy sinh thứ tình cảm rất không nên có giữa hai người. Nhưng một điều Cảnh không hay biết, đó là báo ứng cũng sắp sửa giáng những đòn tàn bạo cho những tội đại nghịch của y. 


“Cảnh ra đời giữa thời cha bắt đầu mê mải làm giàu. Những ngày thơ ấu của Cảnh toàn là những ngày tươi đẹp, sung sướng, nưng niu. Cảnh là đứa con trai mong đợi đã lâu, hai người con sanh trước chàng đều là gái. Sự nuông chiều của cha mẹ đối với cậu con một càng tăng mãi lên khi hai đứa em theo liền lại là gái. Nói sự nuông chiều của người mẹ là đúng hơn, vì người cha tuy rất có lòng thương, nhưng suốt ngày, suốt tháng, bận bịu công kia việc nọ, ít khi có thời giờ nhàn rỗi để âu yếm con.”

3. Một xã hội thượng lưu suy đồi – biếm trào nhưng không giễu cợt

Băn khoăn đưa tôi vào đời sống của những bậc trưởng giả thời tiền chiến, cảm giác như đang đọc những nhân vật trong cái xã hội mà Vũ Trọng Phụng hết lời chửi rủa, chỉ có điều là Khái Hưng không chửi rủa mà chỉ có hường phấn với diễm tình - như phong cách thường thấy của ông, lại thêm một chút châm biếm và chút cay đắng ở hồi kết. 

Khi đọc Băn khoăn, tôi nhớ đến thế giới của Vũ Trọng Phụng – cái thế giới nửa mùa, nửa Tây nửa Ta, sống chết vì sĩ diện và rượu mạnh. Nhưng nếu như Vũ Trọng Phụng là một người viết với cái nhìn cười nhạo, châm biếm sâu cay, thì Khái Hưng lại làm điều đó bằng sự đau xót và… một chút mơ màng. Cảnh là một nhân vật đáng ghét – nhưng cũng đáng thương. Anh ta đại diện cho một lớp thanh niên thị dân bị đẩy vào cơn khủng hoảng của thời đại: học hành không đến nơi đến chốn, sống trong sự bao bọc quá mức của gia đình, và khi chạm vào thế giới, lập tức bị hút xuống đáy bùn. Anh ta lý luận, phản kháng, nhưng không có khả năng kiến tạo một giá trị mới, vì đơn giản: anh ta quá yếu đuối. Khái Hưng không che giấu sự tha hóa của Cảnh – trái lại, ông phơi bày nó, mổ xẻ nó, để cho thấy bi kịch của một cá nhân bị lạc lối trong chính ngôi nhà của mình. 


Bên cạnh một Cảnh sa ngã, còn có một nàng Hảo… bất hảo. Cô ta vừa là biểu tượng của một thứ tình yêu "không thể", vừa là sự hiện thân của dục vọng được hợp thức hóa, hoặc cũng có thể hiểu như một femme fatale - người phụ nữ nguy hiểm. Yêu con trai của chồng chưa cưới – điều đó trong văn chương Việt Nam không có nhiều. Và Khái Hưng đã mạnh dạn chạm vào điều cấm kỵ ấy như một cách để thử thách ranh giới của đạo đức. Nhưng ông không để Hảo rơi vào vai phản diện. Ngược lại, ở Hảo có cái mong manh, dở dang của một người đàn bà muốn yêu nhưng không có quyền chọn người yêu.

Trong câu chuyện, Khái Hưng không cười nhạo Cảnh, ông thương xót y, như thương một kẻ đã bị ruồng bỏ khỏi lẽ sống, nhưng cũng không thể quay về với đạo đức cũ. Mỗi trang văn Khái Hưng viết ra như một cú đâm vừa đau vừa đẹp – cái đẹp kiểu decadence, u uất và trôi nổi. Trong thế giới đó, người ta hút thuốc lá như thở, uống rượu như uống nước suối, lên giường với nhau như đổi ghế ngồi ở quán trà. Nhưng rồi sau mỗi cuộc ái ân là một màn khói dày đặc phủ lên tâm hồn, một nỗi trống rỗng không lời.

4. Bi kịch và sự lý giải bi kịch

Băn khoăn, về cơ bản vẫn là một chuyện tình, nhưng là một chuyện tình cấm kỵ, vô cùng cấm kỵ. Tình cảm trong Băn Khoăn không thuần khiết, không cao thượng, tình cảm đó được bao bọc bởi toàn những vụ lợi, ích kỉ, vụng trộm, hờn ghen lẫn lộn đến từ những cá nhân đã và đang sa ngã. Ở một khía cạnh trần trụi hơn, có thể xem mối tình giữa Hảo và Cảnh đơn thuần chỉ là công cụ để qua đó, Khái Hưng phóng chiếu những góc khuất của con người, xã hội Việt Nam đương thời. Như cơn cuồng si thứ chủ nghĩa hưởng lạc thái quá mà đại diện là Cảnh và đám bạn, như nỗi lo âu về sự đổ vỡ các giá trị truyền thống trong mối quan hệ giữa hai cha con Thanh Đức - Cảnh. 

Khi lật giở quá khứ, tôi dễ dàng nhận ra căn nguyên sự sa ngã của Cảnh. Như các bậc phụ huynh ngày nay vẫn nói, “chiều quá sinh hư”, “bi kịch” của Cảnh chính là có một người cha quá nuông chiều và thiếu quan tâm con cái. Lại thêm cảnh sống “êm đềm trướng rủ màn che” lâu ngày càng khiến Cảnh sinh bệnh ảo tưởng và thích lý luận. Cảnh lý luận ầm ĩ trong thâm tâm chỉ để đi đến một kết luận chán nản: Sống không mục đích, đời là vô vị. Cảnh quyết dấn mình vào cuộc sống chơi bời theo quan niệm “muốn thì được”. 

Đã có lúc, Cảnh chê bai bọn hủ nho là hết thời, là bấu víu ảo tưởng. Kể ra thì điều đó cũng không hẳn sai đâu, nhưng chả hiểu sao tôi lại thấy buồn cười thứ lý luận này, bởi chẳng phải chính Cảnh cũng năm lần bảy lượt thi trượt chỉ để níu kéo sự chu cấp của cha mình đấy sao? Chính bởi vậy khi biết Hảo, người mình yêu hóa ra lại là vợ sắp cưới của cha mình, Cảnh sinh lòng tị hiềm sâu sắc. Thâm tâm y lại đấu tranh dữ dội giữa sự nghi ngờ và sự lo âu về quyền lực ảo của bản thân, để rồi cuối cùng tự dẫn mình đến với cái kết cay đắng. Mạch truyện Băn Khoăn trôi nổi, lúc êm đềm lúc dữ dội, lúc lại nhạt nhoà lúc rối loạn. Nhấp nhổm trên cái nhịp điệu đó, độc giả choáng váng khi nhận ra các nhân vật cứ lặp lại những trò lố và tị hiềm một cách vô thưởng vô phạt, bộc lộ bản chất xấu xa ẩn sâu trong tâm. 

Khung cảnh của một xã hội thượng lưu cũng được Khái Hưng miêu tả đặc sắc bằng nhiều đoạn đặc tả chi tiết với rượu, với cà phê rum ngây ngất, với những canh bạc không nghĩ đến ăn thua,... Đó còn là những phút suy nghĩ nông nổi trong tâm lý nhân vật khi quyết định rời Hà Nội đi Sầm Sơn tắm biển, rồi từ Sầm Sơn đi Hải Phòng chỉ để coi chớp bóng, ngủ với gái. Những cuộc ái ân xác thịt thì không thể thiếu những cặp mắt nửa hau háu nửa sợ sệt của vị bác sĩ phụ trông nom cho Cảnh, lại không thể thiếu không khí đậm đặc mùi khói thuốc bên vòng tay cũng những tình nhân chung chăn chung gối, mà trong đó quá nửa là tình một đêm và còn đâu toàn là những hạng đàng điếm không rõ thân phận. Lối diễn đạt ngổ ngáo, có khi trắng trợn của Khái Hưng không khiêu khích nhưng vẫn chênh vênh ở bờ vực phong hóa, hẳn sẽ khiến không ít những nhà đạo đức, hoặc những độc giả khó tính phải nhăn mặt.

5. Tác phẩm tiên phong của dòng văn học hư vô tại Việt Nam - "Hư vô tiền chiến"

Nếu như sau này Francoise Sagan viết Buồn ơi, chào mi, Murakami viết Rừng Na Uy, hay Jean-Paul Sartre viết Buồn nôn, thì ở thời điểm 1943, Khái Hưng đã có Băn khoăn. Không phải chỉ là sự tương đồng về nội dung, mà là một thứ khí chất: khí chất của sự trống rỗng, hoang mang và bất lực trước cuộc đời. Cảnh – với tất cả những lý do để sống – đã chọn cách sống như thể đang chết. Và đó mới là bi kịch sâu xa nhất. Không cần đến những cảnh đẫm máu hay màn đấu trí căng thẳng, chỉ riêng sự tồn tại lưng chừng, dật dờ ấy đã là một nỗi đau. 

Khó mà định danh giọng văn của Băn khoăn một cách tuyệt đối. Có đoạn thì như tả chân hiện thực, có đoạn lại như vỡ vụn trong những dòng suy tưởng triết lý. Có khi ông viết như một nhà văn lãng mạn đang kể chuyện tình buồn, có khi lại như một kẻ chán đời đang trút ra mọi sự hoài nghi vào đám nhân loại giả tạo. Điều đặc biệt là: cái hỗn tạp ấy lại rất hợp với chính nội dung tiểu thuyết – một đời sống không còn trật tự, một tâm hồn không còn chuẩn mực.

“Chàng đem những tư tưởng hắc ám của chàng ra chất vấn bạn và những người chàng phục là có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, thì người ta trả lời chàng rằng phần nhiều trong bọn thanh niên trí thức đến cái tuổi hăm ba hăm bốn thường phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng như thế. Rồi cũng qua đi không hề gì, cần nhất là phải biết thế và cố gắng lại cho cái thời kỳ ấy qua đi. Câu trả lời đã làm cho chàng rùng mình lo sợ vì một dạo chàng đã lờ mờ cảm thấy rằng đợi chờ cái thời kỳ ấy đi qua cũng không phải một việc dễ dàng, và cái ý nghĩ tự sát nhiều lần lởn vởn trong óc chàng. Chàng không rõ nó đến từ đâu, phát sinh ra do một nguyên cớ xa hay gần nào. Một điều chắc chắn là không phải do một sự thất vọng. Nó đến như gặp thời tiết, một bông hoa độc nở ra. Để quên nó đi, để xa lánh nó, chàng cho chỉ có một cách là dấn thân vào những cuộc chơi bời phóng đãng. Và những gương xấu của cha hiện ra, tự vẽ ra, rõ rệt; những thị hiếu thiên riêng hẳn về một phía, một chiều và lâu nay vẫn ngủ ở khu tiềm giác trong lòng chàng. Một đôi khi chàng tỉnh ngộ, nhưng lại tự dối ngay, để tự tha thứ rằng chơi để qua cái thời kỳ khủng hoảng của tuổi thanh xuân, và càng chơi càng chán nản càng thấy cần phải chơi.”


Nhưng dù là một trong những người tiên phong cho chủ nghĩa hư vô ở Việt Nam, bản thân Khái Hưng cũng không thuần túy cổ súy hay ủng hộ trào lưu này lan rộng. Đó là khi các nhân vật đến cuối cùng cũng phải nhận hình phạt thích đáng dành cho những tội nghiệp ma họ, bất kể vô tình hay cố tình, gây nên. Cảnh nổi loạn vì không chịu nổi việc cha cưới Hảo, tự ý bán nhà của cha để trả đũa, để rồi kết cục là bị đuổi khỏi nhà, mất hẳn nguồn tiền ăn chơi, và cái kết thì chắc hẳn chỉ có c.h.ết mục chết rữa ngoài kia. Đó cũng là sự trừng phạt đối với Thanh Đức khi quá yêu chiều đứa con mà không nhận ra hiểm họa tiềm tàng trong mối quan hệ hai người. 

Khác với những tiểu thuyết "cải lương" thường thấy thời đó hay những tác phẩm trước đó của Khái Hưng, Băn khoăn không có cứu rỗi. Không ai được tha thứ. Không ai được hạnh phúc. Tất cả những gì còn lại chỉ là những mảnh vỡ – của một gia đình, của một đời người, và của một xã hội đang vỡ ra từ bên trong. Cảnh bị đuổi khỏi nhà, bị ruồng bỏ khỏi cộng đồng, và biến mất như một kẻ bị khai trừ. Hảo, có lẽ cũng không còn gì để mà tin tưởng. Thanh Đức – người cha – thì bị trả giá cho sự nuông chiều mù quáng. Khái Hưng như muốn nói rằng: không ai thoát được vòng luân hồi của những lựa chọn sai. 


“Thỉnh thoảng ông Thiện lại đưa về một người con gái rồi đùa bỡn ầm ỹ với người ấy ở phòng bên cạnh, sát tường với phòng các con. Vú già mỉm cười ranh mãnh bảo Cảnh rằng đó là nhân tình, còn nhân tình nghĩa là gì Cảnh đành chỉ hiểu lờ mờ rằng có lẽ cũng như vợ, chứ không dám tò mò để biết hơn nữa.

Cái đời sống ấy cứ kéo dài hơn hai năm. Một đời nhiễu loạn, vô gia đình giáo dục, vô gia đình luân lý đi song song với một đời hoàn toàn có trật tự, có kinh nghiệm, có tổ chức về thương mại và kỹ nghệ. Nhưng Thiện cũng nhận ra, tuy hơi muộn, rằng đời sống sẽ có ảnh hưởng tai hại, nguy hiểm tới đàn con, nhất là tới hai cô con gái đầu lòng, đã mười lăm mười sáu tuổi.” 

6. Băn khoăn từ góc nhìn hiện đại

Băn khoăn không chỉ là một bi kịch gia đình hay một câu chuyện tình cấm kỵ. Nó còn là tấm gương phản chiếu những ảnh hưởng phương Tây trong đời sống đô thị Việt Nam đầu thế kỷ 20. Người trẻ – như Cảnh – ngưỡng vọng một kiểu sống "tự do", nhưng thực ra là tự do giả tạo, nửa vời. Họ đọc sách, nghe nhạc, uống rượu, lý luận triết học, nhưng cuối cùng thì vẫn chẳng thoát được cái thực tại nhàu nhĩ và khép kín của xã hội bản địa. Mâu thuẫn ấy – giữa giấc mơ hiện đại và thực tại phong kiến, chính là điều khiến các nhân vật của Khái Hưng mãi mắc kẹt. Và cũng là điều khiến tiểu thuyết này vượt khỏi thời đại của nó.

Đứng giữa thời đoạn đảo điên không biết đường nào mà mình sẽ chọn, Khái Hưng đã tái hiện lại những thanh niên thời ấy qua lăng kính của một thế giới có phần riêng tư mà cũng độc đáo. Rượu chè, cờ bạc và những cuộc giao hoan xác thịt liên tục được đưa vào nhằm tô đậm tâm lý mê hưởng lạc, trốn tránh sự đời. Nhưng đằng sau cái mà người ta thường gọi là “suy đồi” ấy, có những khoảng trống hoang vắng của những tâm hồn cô đơn, mất phương hướng, nhưng rồi cũng không tránh khỏi sự sa ngã, chìm nghỉm trong vùng lầy tư tưởng. Đúng như nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã nhận định, “Trước đây, đã có nhiều nhà luân lý học từng đề cập đến chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa hư vô xuất hiện với tần suất dày đặc trong những truyện về thời hậu chiến vô luân của Francoise Sagan, mà ít ai nhớ đến rằng, chính đời sống vô luân, cảnh chồng chung vợ chạ, cảnh đề cao thú vui xác thịt đã có trong những tác phẩm của Khái Hưng từ thời tiền chiến ở Việt Nam.” 

Đọc Băn khoăn hôm nay, người ta có thể thấy hình ảnh của rất nhiều “thanh niên mất phương hướng” thời nay. Những kẻ có học, có tiền, có tự do, nhưng lại không biết dùng những thứ ấy để làm gì. Họ chơi bời, yêu đương, lang thang trong những mối quan hệ không tên – và cuối cùng thì thấy mình kiệt sức trong một thế giới không có lý do để tồn tại. Có lẽ vì vậy mà Băn khoăn – dù mang dáng dấp của một tiểu thuyết cổ điển – vẫn khiến người đọc hôm nay phải ngẫm ngợi rất nhiều.


Tóm tắt bởi: Trọng Kiên - Bookademy

Hình ảnh: Bình Minh - Bookademy 

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

70 lượt xem

lh-fulllh-x