Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Trích Sách] "Mặc Kệ Thiên Hạ Sống Như Người Nhật": Đi Trên Chính Đôi Chân Của Mình

“Mặc Kệ Thiên Hạ Sống Như Người Nhật” được viết bằng tất cả tình yêu thương, sự cảm thông của nhà tâm lý Mari Tamagawa đối với những bạn trẻ đang gặp phải khó khăn trên con đường tìm kiếm giá trị của bản thân. Những thứ bạn thích, những gì bạn ăn, những nơi bạn đến, những việc bạn làm, và bạn muốn mình là ai, đã bao lần chịu sự chi phối của người khác mà không phải thực sự do bạn muốn vậy? Đã bao lần bạn tự mình đi kiếm tìm sự đồng cảm, an ủi từ người khác nhưng cuối cùng vấn đề vẫn còn đó và để rồi bạn càng tổn thương? Và bây giờ đã đến lúc bạn cần phải nói lời tạm biệt với việc bạn đang sống cuộc sống của chính mình thông qua lăng kính của người khác. Cuộc đời của bạn không thuộc về ai khác, cuộc đời của bạn thuộc về bạn. Hãy để “Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật” giúp bạn bắt đầu cuộc đời mới, cuộc đời mang tên chính mình.

"Mặc hệ thiên hạ, sống như người Nhật" chính là cuốn sách dành cho những người muốn đi bằng chính đôi chân mình, dành cho những người muốn gạt bỏ những nỗi sợ bởi chính tay mình, chứ không cầu cứu bất kì sự trợ giúp nào. Hãy thử sống một ngày “mặc kệ thiên hạ”, mặc kệ những lời nhận xét từ người khác. Hãy thử sống một ngày bạn cho phép mình từ bỏ, từ bỏ những thứ khó khăn, ngổn ngang lo lắng. Hãy thử sống một ngày bạn trân trọng mọi cung bậc cảm xúc bên trong con người bạn. “Khi mùa đông lạnh lẽo vừa qua đi, mùa xuân ấm áp sẽ đến. Giây phút bạn chấp nhận từ bỏ và gạt đi định kiến của người khác, sống bằng chính kiến của bản thân là thời điểm bạn thấy tâm hồn mình thanh thản”.


Phần 1: Tìm kiếm sự xoa dịu khiến bạn trở nên tổn thương. 

Việc Tâm Sự Chỉ Khiến Bạn Lúc Nào Cũng Tự Trách Bản Thân:

[...] Khi gặp phải chuyện buồn hay vướng mắc về tâm lý, con người thường có nhu cầu được ai đó lắng nghe. Mong muốn giãi bày tâm sự, được thấu hiểu là điều hoàn toàn có thể lí giải. Thế nhưng, việc chia sẻ với người khác cũng chính là sự “xoa dịu”, nó chỉ làm mối bận tâm tạm thời lắng xuống, khiến bạn yên lòng hơn trong thoáng chốc mà chẳng thể giải quyết triệt để lo lắng của bạn.
Có người tự trách bản thân vẫn chẳng giải quyết được điều gì sau khi chia sẻ với người khác. Có người lại cho rằng một người vẫn chưa đủ để nghĩ hướng giải quyết đành tiếp tục chia sẻ nỗi lo với người khác nữa. Nhưng dù bạn tìm đến ai thì kết cục vẫn chỉ có một. Bạn chỉ thấy nhẹ nhõm trong chốc lát, để rồi sau đó phải đối mặt với sự thực rằng vấn đề vẫn chẳng thể giải quyết được kể cả chia sẻ với bao nhiêu người đi chăng nữa. Dần dần, bạn sẽ lún sâu vào ý nghĩ mình là kẻ vô dụng rồi tự trách bản thân. Bạn càng chia sẻ cho nhiều người thì nỗi lo lắng lại càng tăng”.  

Từ bỏ lối sống theo quan điểm của người khác: 

[...] Nguyên nhân sâu xa khiến bạn đau khổ ,mệt mỏi bắt nguồn từ việc bạn để tâm người khác đánh giá thế nào về mình. Những lo âu phần lớn nằm trong các mối quan hệ với một người khác hoặc phát sinh từ cách nhìn nhận và đánh giá của người khác dành cho bạn, thế nên để giải quyết dứt khoát nỗi phiền muộn của bạn, bạn cần thoát ra khỏi đánh giá của người khác và thẳng thắn đối mặt với chính mình. Khi mắc kẹt trong sự tuyệt vọng bạn sẽ vô thức đi cầu cứu người khác và hi vọng họ sẽ giúp mình ,nhưng bạn không thể xóa bỏ được ưu phiền trừ khi bạn từ bỏ cách sống theo “chuẩn mực của người khác”. [...] Sự xoa dịu cũng tương tự như ma túy. Bạn càng mong được xoa dịu, vấn đề càng khó giải quyết. Không chỉ vậy, điều đó còn khiến nỗi phiền muộn hằn sâu hơn, đẩy bạn rơi vào một rắc rối sẽ khiến bạn hối hận suốt phần đời còn lại.

Hãy Nhận Ra Rằng Bạn Đang Sống Theo Quan Điểm Của Người Khác:

[...] Quan tâm tới ánh mắt người khác, sống theo tiêu chuẩn của họ thay vì của mình có nghĩa là “sống theo quan điểm của người khác”. Nếu một người bị quan điểm của người khác ảnh hưởng quá nhiều thì sẽ không quen sống theo cách của riêng mình do đó họ có khó có thể đối diện với bản thân vì vậy họ không thể khẳng định mình và quanh quẩn với suy nghĩ "mình là kẻ vô giá trị", điều đó càng khiến mong muốn được người khác công nhận, được người khác đánh giá trở nên lớn hơn bao giờ hết. Những người có khả năng tự nhận thức bản thân thấp và những người chỉ trông chờ vào người khác đều sống theo quan điểm của người khác. Bạn cần tự nhìn lại bản thân mình có đang quá để tâm đến đánh giá của người khác hay không .Sau đó bạn hãy tự giải phóng chính mình . Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc bạn để ý đến ánh nhìn của người khác và sống phụ thuộc vào nó. Bạn suy nghĩ và hành động theo cách nghĩ “Mình muốn được người khác nhìn nhận như thế nào nhỉ?“. Nếu ở vào vị trí của mình người đó sẽ nghĩ thế này chăng, hơn nữa vì nỗi phiền muộn của bạn phát sinh từ đánh giá và tiêu chuẩn của người khác nên vấn đề sẽ không được giải quyết. [...]


Phần 2: Vượt qua cảm giác "bất lực". 

Rơi Xuống Đáy Vực Một Lần Cũng Không Sao:


[...] Nếu đối mặt với cảm giác bất lực con người sẽ biết được giới hạn của mình và nảy ra những suy nghĩ như sau:

•Dù mình có quan tâm đến người đó đến mấy thì cũng không làm được gì cả.

•Dù mình buồn phiền vì người đó cũng chẳng có gì thay đổi?

•Tóm lại mình phải làm điều gì đó dù người khác nghĩ gì đi chăng nữa.

Việc này hoàn toàn không giống với kiểu từ bỏ mà chỉ nói suông: "Tôi bỏ cuộc đây". Thoát khỏi sự lệ thuộc và gạt bỏ đi sự lưu luyến đó mới là “từ bỏ”. Chúng ta không thể thực sự từ bỏ khi còn dựa dẫm vào người khác. Tâm hồn không thể thanh thản nếu bạn còn mãi vương vấn. Từ bỏ tức là thoát khỏi sự lệ thuộc và gạt bỏ đi niềm lưu luyến, đối mặt với “cảm giác bất lực” và cố gắng chữa lành những tổn thương của bản thân. 

Tôi đã từ bỏ và không còn cần phải nhắm đến mục tiêu là một người bình thường theo cách mà mọi người nghĩ nữa. Tôi từ bỏ cách sống rập khuôn từ những điều nhỏ nhất, tôi từng luôn nghĩ rằng đi làm là phải mặc áo vest đen, đeo cặp đen, mang dày cao gót cho giống mọi người. Thế nhưng tôi đã từ bỏ suy nghĩ ấy. Tôi không còn mong muốn trở nên giống một ai đó, tôi nhận ra rằng “kỳ vọng vào người khác” hoặc theo phong cách của ai đó cũng chẳng để làm gì. Tôi đã có thể bỏ được những điều bình thường, "cách sống rập khuôn" và “kỳ vọng vào người khác”. Tôi tự tin tuyên bố rằng: chính nhờ buông tay với những điều đó tôi có thể bước thêm một bước. Nếu bạn không thể tiến lên, thì bởi vì bạn vẫn bị kìm hãm trong suy nghĩ “Bước tiếp theo nên làm thế này”. Bạn không nhận ra rằng còn có một con có một nước đi khác. Nếu bạn loại bỏ được ý nghĩ "mình chỉ có mỗi cách đó thôi". Có lẽ bạn sẽ nhận ra còn có một thế giới khác rộng lớn hơn, nơi mà bạn có khả năng đi về bất cứ hướng nào. Sau đó, bạn sẽ nhờ ai đó hỗ trợ mình hoặc cũng có thể tự tìm hiểu qua sách vở. Từ những cuộc gặp gỡ đó, bạn sẽ có khả năng nhận thức những điều mới mẻ, tìm ra chiếc chìa khóa dẫn bạn đến bước tiếp theo.


Phần 3: Gỡ bỏ những điều người khác áp đặt. 

Hoàn Cảnh Khó Khăn Khiến Ta Nhận Ra Giá Trị Sống:

Anh 35 tuổi, là một người khuyết tật và phải ngồi xe lăn. Ban đầu, chân tay anh vốn chỉ cứ động bất tiện, nhưng sau khi bị bỏ lại trong trận động đất, tình trạng của anh chuyển biến xấu nên khiến anh trở nên hoàn toàn không thể cử động được. Vì sự chậm trễ của đội cứu hộ mà sức khỏe của anh tệ hơn, nên ban đầu, anh luôn oán hận người khác. Thế nhưng, trong khi trò chuyện, anh dần bắt đầu nói về ước mơ của mình. “Tôi giỏi về vi tính. Dù chân không thể cử động thì tôi vẫn có thể sử dụng máy tính. Nhờ điều này, tôi vẫn kết nối được với rất nhiều người”. Anh phấn khởi nói ” Tôi vẫn có thể đóng góp cho xã hội bằng cách đó mà”. Ở lần trò chơi thứ hai, anh thông báo với tôi rằng mình đang tìm một công việc theo ngày thông tin.

Ở Fukushima, Bạn sẽ gặp rất nhiều người tự chấp nhận tình trạng của bản thân. Sau đó, nhận ra giá trị sống và mong muốn bước về phía trước như hai người đàn ông trên. Khi một thảm họa tự nhiên nghiêm trọng đột ngột xảy ra khiến bạn trải qua mất mát, đe dọa đến cuộc sống thường ngày, bạn sẽ rơi vào tình trạng buộc phải đối mặt với một hiện thực khó khăn. Cách người khác nhìn bạn sẽ thay đổi, có thể họ sẽ nói với bạn những lời khiến bạn đau lòng. Nhưng chấp nhận hiện thực này là bạn chứ không phải ai khác. “Chấp nhận” là một điều quan trọng để tạo cơ hội cho bản thân. Kể cả khi trải qua mất mát lớn, chỉ cần bản thân không bi quan và biết “chấp nhận” thì ai cũng đều có thể bước tiếp.

Đừng ngại sử dụng phép thử:

Hãy “đưa tay ra một cách ngẫu nhiên” để nắm lấy thứ bản thân yêu thích. “Tôi muốn thấy cái này, muốn chạm vào cái này” - thử đưa tay ra và thực hiện các phép thử. Sau đó chọn lựa điều gì tốt, điều gì không. Hãy biết từ bỏ những điều mà bạn cảm thấy vô nghĩa, chấp nhận những điều bạn cho rằng có ý nghĩa. Cứ lặp đi lặp lại việc lựa chọn, càng ngày bạn sẽ càng trở nên có chính kiến cá nhân.

Sự lựa chọn phải của chính bạn chứ không phải chọn lấy thứ đã bị người khác ảnh hưởng. Giống như một đứa trẻ mới bắt đầu tập bò, tôi luyện các giác quan bằng việc sờ soạng một cách ngẫu nhiên, trước tiên bạn nên thử tự mình đưa tay ra, sau đó lựa chọn thứ bạn “thích” và “ghét”. Điều này bước đầu sẽ khiến quan điểm cá nhân của bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Hiểu rõ trong thế giới xung quanh, bạn sẽ nhận ra được điều gì khiến bạn thoải mái và điều gì không. Bạn Không cần miễn cưỡng chấp nhận những điều kiện bạn không thoải mái. Đã mất công thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng của bản thân thì nhất định phải từ bỏ những điều không thuộc về bạn! Hãy vui vẻ, thoải mái để dễ dàng lựa chọn cho mình những điều tốt đẹp.


Liên Tục Lựa Chọn Để Ước Mơ Và Mục Tiêu Trở Nên Rõ Ràng:

[...] Thường xuyên lựa chọn đôi khi còn quan trọng hơn so với việc luôn luôn băn khoăn xem lựa chọn này đúng hay sai. Ta bắt đầu từ việc đưa tay ra một cách ngẫu nhiên, chọn lấy một trong số vô vàn lựa chọn. Lựa chọn sẽ giúp bạn hiểu được thứ gì phù hợp và thứ gì không phù hợp với mình. Nếu bạn tiếp tục tìm kiếm điều phù hợp với bản thân, dần dần bạn trở nên hiểu rõ thứ phù hợp với mình và trở nên vui vẻ hơn.

[...] Sự vươn tay ra một cách ngẫu nhiên, rồi chọn điều khiến bạn thoải mái. Sau đó, theo đuổi thứ mà bạn nghĩ rằng phù hợp với mình. Nếu thực hiện lần lượt các bước đó, bạn sẽ tìm thấy “điều bạn yêu thích”. Bạn không cần phải tìm kiếm “Thứ mình yêu thích là gì?” ngay từ ban đầu. Nếu bạn theo đuổi điều phù hợp với mình rồi trở nên hứng thú và thấy vui vẻ khi làm điều đó thì tự nhiên Bạn có thể khám phá ra “thứ bạn yêu thích”. Tiếp tục làm “điều bạn yêu thích”, điều này thực sự trở thành điều bạn muốn làm chứ không phải do người khác áp đặt lên bạn nữa. Có nghĩa là, mơ ước và mục tiêu của bạn sẽ được khám phá. Những người có thể đối mặt với bản thân và chấp nhận hiện thực, sẽ bước được những bước đầu tiên trên đường đời. Khi ấy, có thể bạn vẫn chưa thấy được rõ ràng mình sẽ trôi dạt đến nơi đâu, nhưng nếu cứ vươn tay ra và cảm thấy bản thân thoải mái khi làm điều này, thì mục tiêu và ước mơ ước của bạn sẽ trở thành hiện thực. Cuộc đời của bạn sẽ dần thoát khỏi những đánh giá và chuẩn mực của người khác để trở thành chính bản thân mình.


Phần 4: Sống Giấc Mơ Đời Mình.

Bảy Thói Quen Nâng Cao Sự “Tự Nhận Thức Cá Nhân”:

Sự tự nhận thức cá nhân càng cao thì chính kiến của bản thân càng vững chắc. Khi cảm giác bất lực xuất hiện, bạn không tin tưởng vào năng lực của bản thân, cũng không tin vào bất cứ ai và bị ảnh hưởng bởi quan điểm của người khác. Vì thế, bạn không thể sống là chính mình. Nếu bạn được thừa nhận, sự tự nhận thức cá nhân ở bạn sẽ tăng lên, bạn biết tin tưởng vào người khác và năng lực của mình. Khi sự tự nhận thức cá nhân tăng lên, những quan điểm bên trong con người bạn càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi đó, mục tiêu và mong muốn của bạn sẽ nằm trong tầm với. 

Tôi sẽ giới thiệu một vài thói quen để bạn có thể từng bước nâng cao sự tự nhận thức cá nhân.

Bạn không cần phải làm hết mọi thứ một mạch. Hãy bắt đầu từ việc bạn cho rằng đến một kẻ như mình cũng có thể làm được áp dụng chúng vào trong cuộc sống hàng ngày.

1. Tìm kiếm điều tốt đẹp cho từng ngày trôi qua.

Bạn có thể thực hiện điều này trong khi liệt kê danh sách các công việc cần làm mỗi ngày. Bạn hãy đặt ra những mục tiêu thật nhỏ bé và cụ thể. Sau đó, viết chúng ra và tìm kiếm những điều tốt đẹp. [...] Khi điều này dần trở thành thói quen hàng ngày, tinh thần bạn sẽ dần dần thay đổi một cách rõ rệt. Vì thế tôi luôn khuyên mọi người nhất định phải tạo thói quen viết nhật ký mỗi ngày và ghi vào đó những điều tốt đẹp họ đã trải qua. 

2. Đọc sách và đánh dấu những chỗ mình thích.

3. Đánh dấu vào lịch.

 Cảm nhận về những việc mình đã hoàn thành, sau khi kết thúc một ngày, hãy đánh một dấu ✖ lên lịch. 

4. Luyện tập cảm nhận qua 5 giác quan.

Thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, hãy cảm nhận một điều gì đó bằng cả năm giác quan này.

5. Biểu đạt cảm xúc bằng ngôn từ. 

6. Soi gương. 

7. Mặc "đồ lót" xịn. 

Lời kết: 

Nếu bạn đang không biết làm sao để vượt qua giai đoạn khủng hoảng, hoảng loạn của tuổi trẻ mới vào đời, những người mắc chứng trầm cảm, những phương pháp để tiêu diệt các mầm mống lo âu và cả những thói quen động lực để ta sống tốt hơn, tích cực hơn mỗi ngày thì cuốn sách có thể được xem như một cuốn hộ chiếu vào đời. Cuốn sách như một cuộc hành trình, lật từng trang sách như từng bước chân bước qua, từng câu từng chữ rồi từng góc nhìn của người từng trải sẽ cho bạn nhìn lại chính đứa trẻ sâu thẳm bên trong mình. Để rồi, đọng lại trong ta là một khát khao mãnh liệt, một sự thôi thúc chưa từng có. Đó là thẳng thắn đối diện với bản thân và từ bỏ những thứ đang giam cầm trong bạn. Bạn sẽ trở thành con người có chính kiến, biết quý trọng hơn và đặt những cảm xúc của bản thân lên trên mọi ánh nhìn của người khác, nhưng không có nghĩa là bạn được hành động một cách mù quáng theo cách làm tổn thương người khác, đi ngược với những giá trị cốt lõi của con người. 


--------------------------------

Hình ảnh: Đặng Thị Nhài 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  

-----------------------------------------------------------------












----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,420 lượt xem

lh-fulllh-x