Dương Đỗ@Viện Sách - Bookademy
4 năm trước
[Trích Sách] “Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ”: Một Tách Trà Đắng Nhưng Đậm Đà Dư Vị!

Phần đầu của cuốn sách vẽ nên một thế giới vắng bóng người lớn, nơi cuộc sống của đứa trẻ thiếu vắng sự hiện diện vật lý hay tinh thần của cha mẹ. Phần hai là câu chuyện của những đứa trẻ nhầm vai, thay vì được săn sóc, họ trở thành người chăm sóc, bảo vệ và là chỗ dựa cho cha mẹ về mặt vật chất hoặc tình cảm.
Ở phần thứ ba, những câu chuyện được kể lại là của những đứa trẻ “sống trong ngục từ của tình yêu”, khi mà sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ quá lớn khiến đứa trẻ không thể có cuộc sống của riêng mình. Tất cả được thể qua những dòng tâm sự của chính người chia sẻ thay vì tác giả nên giọng văn gần gũi, chân thực, thậm chí có phần trần trụi và đôi chỗ ý văn không được thanh thoát, khiến người đọc cảm nhận được sự lạc lối và bế tắc qua từng câu văn.
Sau mỗi phần, tác giả sẽ đưa ra những nghiên cứu khoa học và những phân tích, quan điểm, đánh giá của bản thân để người đọc hiểu sâu hơn về suy nghĩ và hành động của người kể. Có những người trẻ tưởng như rất hạnh phúc, rất giỏi giang, họ đầy bản lĩnh, có nhiệt huyết và đam mê: có người học đại học danh giá, có người tự kiếm được học bổng du học nước ngoài, điểm các bài thi học thuật cao chót vót, có người được cha mẹ chu cấp đầy đủ về vật chất, được chăm chút từ những cái nhỏ nhất,… Tuy vậy, họ đều đang đau khổ, đều có những áp lực và nặng nề riêng, đa phần là bị tổn thương về mặt tinh thần. “Ăn vào cái xấu nhưng phải lọc ra toàn cái tốt”. “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”.
Và sau đây mình xin phép được trích lại phần cuối của cuốn sách - phần mình thích nhất, vì nó sáng bừng lên màu của sức sống, của sự tích cực. Phần này không chiếm nhiều, nhưng mình nghĩ nó thể hiện rõ nhất thông điệp mà tác giả muốn gửi tới người đọc: sự hy vọng, lạc quan, tầm quan trọng của sự thấu hiểu và lòng vị tha.
Lời tác giả
Hành trình chữa lành
Né tránh, lo âu hay hỗn độn, các mẫu hình gắn kết tiêu cực ở người lớn, như đã được trình bày ở Chương 17, đều bắt nguồn từ những trải nghiệm tổn thương của tuổi thơ. Như những đường ray chạy ra khỏi ga tàu, chúng đẩy người ta vào những khuôn mẫu suy nghĩ và hành xử mà họ không dễ dàng thoát ra. Họ đã được “lập trình” bởi những mô hình nội tại, những quan điểm về thế giới và về bản thân, để có nguy cơ lặp lại những quan hệ cũng độc hại như những quan hệ mà họ đã có với người chăm sóc khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, như John Bowlby, cha đẻ của lý thuyết gắn kết, đã nhận ra từ thập kỉ 1970, dù không dễ dàng, những mẫu hình gắn kết tiêu cực kia có thể thay đổi để trở thành vững vàng. Đường ray tàu có thể dần chuyển hướng qua các bộ phận bẻ ghi. Dù không thể được đập bỏ hoàn toàn, phần mềm có thể được cập nhật.
Nhưng những thay đổi không tới từ các bài lên lớp lý thuyết, hay bằng ý chí đơn thuần. Điều người ta cần là những trải nghiệm mới, đi ngược lại trải nghiệm quá khứ của họ. Quá trình chữa lành của Xuân Dương bắt đầu từ thời điểm cô gặp được nhóm xe đạp xuyên Việt. Trước kia, bố mẹ cô không đủ năng lực cảm xúc để nhận biết các tổn thương của cô. Bản thân cũng là nạn nhân của định kiến xã hội, họ không bảo vệ được cô, một đứa trẻ lớp Tám, trước sự độc địa của những người xung quanh, khiến cô phải sống với cảm giác gia đình mình dị dạng, mình bị hắt hủi. Ở nhóm bạn mới, cô tìm được nơi trú ẩn an toàn. Lần đầu tiên, cô thấy mình được che chở, được chấp nhận, được kết nối và yêu thương một cách sâu sắc. Lần đầu tiên, cô có thể để người khác nhìn vào nỗi đau của mình mà không lo bị chê cười, phán xét hay thương hại.
Tương tự như vậy, khi gặp bác sĩ Song Lê, lần đầu tiên Lâm được lắng nghe, được có cảm giác có người quan tâm tới cảm xúc, những nỗi buồn, những ước mơ và đam mê của mình. Với sự trợ giúp của bác sĩ, cô có thể quay lại nhìn sâu vào những trải nghiệm đau đớn của bản thân và giải nghĩa những gì xảy ra với mình.
Những trải nghiệm mới, như Xuân Dương có với nhóm bạn đạp xe, như Lâm có với bác sĩ tâm lý, được các nhà chuyên môn gọi là “Những trải nghiệm mang tính điều chỉnh” (corrective experience). Bất ngờ, đi ngược với những gì người ta đã biết và chờ đợi, chúng điều chỉnh hệ quả của những trải nghiệm cũ. Những trải nghiệm điều chỉnh này có thể tới từ một họ hàng tâm lý, một thầy giáo thấu hiểu, một nhà sư trắc ẩn, những bạn bè không phán xét, một bác sĩ tâm lý chuyên môn cao hay sau này, từ một người bạn đời kiên nhẫn và bao dung. Khi đủ mạnh mẽ, chúng có thể làm lung lay cái nhìn thế giới của một cá nhân, khiến họ bừng tỉnh và nhận ra rằng cuộc sống không chỉ là những điều cay đắng và đau buồn mà họ đã từng biết. Lúc này, người bị chấn thương tâm lý có thể quay lại với những ký ức, hồi tưởng có thể đã bị chôn vùi nhưng chưa được chữa lành của mình, nhưng trong một bối cảnh an toàn, khiến họ không bị chúng khủng bố. Mục tiêu của việc này không phải là để tăng thêm oán giận, mà là để nhận diện những nỗi đau và những tác động của chúng lên nhân cách và cuộc sống của người bị tổn thương, để trọn vẹn nói ra nỗi tiếc nuối về một tuổi thơ đẹp đẽ mà họ không bao giờ có được, một bước cần thiết cho quá trình phục hồi. Hiển nhiên, mẫu hình gắn kết tiêu cực tồn tại càng lâu, với các chấn thương càng sâu sắc thì càng khó để thay đổi. Một đứa trẻ sáu tháng tuổi được một gia đình yêu thương nhận làm con nuôi có thể nhanh chóng vượt qua những trải nghiệm khắc nghiệt của trại trẻ mồ côi và trở nên khỏe mạnh về tâm lý. Với một đứa trẻ mười hai tuổi, bố mẹ nuôi của nó sẽ cần vô cùng nhiều kiên nhẫn để có thể thay đổi tâm lý của nó, để nó rũ bỏ được thái độ cảnh giác, thủ thế hay lo sợ, đeo bám và thiết lập niềm tin vào con người và cuộc sống.
Trải nghiệm điều chỉnh kinh điển và nổi tiếng nhất diễn ra với Jean Valjean, người tù khổ sai trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo. Mồ côi cha mẹ, lớn lên trong đói nghèo và vào tù khi còn trẻ chỉ vì ăn cắp một ổ bánh mì, cả cuộc đời mình, Jean Valjean chỉ biết tới sự độc ác của thế giới quanh anh. Mười chín năm trong ngục (hạn ngục được kéo dài bốn lần vì những cố gắng vượt ngục bất thành của anh), anh không rỏ một giọt nước mắt. Anh đã giết chết cảm xúc của mình, trở thành một người né tránh đến cực điểm.
Lang thang sau khi mãn hạn tù, một đêm, Jean Valjean được giám mục Myriel cho ăn và cho trọ lại. Thức giấc lúc nửa đêm, anh vơ vét những món đồ bạc của ông và biến vào bóng tối, chỉ để bị bắt sau đó mấy tiếng và bị áp giải quay lại nhà giám mục. Khi nhìn thấy Jean Valjean cùng ba người cảnh sát, vị giám mục reo lên:
“Anh đây rồi! Thật vui được gặp lại anh. Anh quên là tôi đã cho anh cả hai cái chân nến này à? Chúng cũng là bạc như những thứ kia, giá trị tới hai trăm franc đó. Anh quên chúng à? Hãy rời đi trong bình an nhé. À mà anh bạn ơi, nếu có dịp lại ghé qua thì anh không cần phải lội qua vườn nữa đâu, cánh cửa này không bao giờ khóa. Và đừng quên, đừng bao giờ quên là anh đã hứa với tôi là anh sẽ dùng số tiền này để trở thành một con người tốt.”
Sự tha thứ của vị giám mục là một đòn tấn công đặc biệt và bất ngờ làm rung chuyển thế giới quan của Jean Valjean. Hành vi của ông đi ngược với hình dung của anh, làm anh mất đi sự cân bằng cảm xúc mà anh đã xây dựng trong suốt hai mươi năm qua, một sự cân bằng dựa trên triết lý con người phải luôn đọc ác với nhau. Ngày hôm sau, khi gặp một cậu bé đang chơi trên đường, Jean Valjean chặn chân lên đồng xu hai franc rơi trên đất của cậu, mặc cho cậu van xin. Phản xạ giẫm lên đồng xu là một hành động vô thức nhằm tái thiết lập sự cân bằng cũ. Sau khi cậu bé khóc lóc chạy đi, Jean Valjean bừng tỉnh và đuổi theo để trả lại đồng xu nhưng bất thành. Anh hiểu rằng mình đã bước vào một cuộc đấu tranh nội tâm khổng lồ để trở thành một con người mới.
Nhóm bạn đặt xe của Xuân Dương, bác sĩ Song Lê, Ê giám mục Myriel, họ đều có một phẩm chất quan trọng, đó là lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn khiến họ có khả năng nhìn thấu vẻ ngoài của một con người (một cô gái có gia đình chả giống ai, một nữ sinh có bản tính khó gần, một kẻ tù tội) để chạm tới bản thể khổ đau của người đó, khiến họ có cảm giác được an ủi. Yêu thương, trắc ẩn là điều mà những người có một tuổi thơ tổn thương, thiếu thốn cần. Thêm vào đó, sau bao nhiêu năm nghe người thân nói rằng họ là phế phẩm, vô dụng và là sự nhục nhã của gia đình, họ tin vào những điều đó và quay ra tự chỉ trích, miệt thị hay căm ghét bản thân. Họ thiếu lòng trắc ẩn với chính mình (self-compassion).
Trong khi đó, đó tâm hồn ta cần lòng trắc ẩn với chính mình như cơ thể cần vitamin. Đây là một sự thương cảm hướng vào trong, coi bản thân là một thực thể để mình chăm sóc và quan tâm, đạo đặc biệt trong lúc mình đau khổ nhất. Một khi xuất hiện, nó đem tới cảm giác nhẹ nhàng, được an ủi; lo âu và buồn phiền lắng xuống. Trong một thí nghiệm tâm lý học, sau khi những người tham gia thực hiện một bài tập để tăng lòng trắc ẩn với bản thân (ví dụ hình dung ra một người bạn hiền gửi tới mình những thông điệp chấp nhận và yêu thương vô điều kiện), mức hormone cortisol của họ, vốn liên quan tới cảm nhận về stress, giảm xuống; đồng thời, sự biến thiên tần số tim, một chỉ số gắn với khả năng tự xoa dịu bản thân, tăng lên.
Những yếu tố gì cấu thành nên lòng trắc ẩn với chính mình? Chất liệu đầu tiên của nó, thú vị thay, theo nhà tâm lý học Kristin Neff, một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, là chánh niệm. “Tôi đang đau khổ”, “Mình đang bị tổn thương”, chánh niệm giúp chúng ta lùi lại một bước, nhận diện những gì đang xảy ra bên trong mình mà không phán xét. Bước lùi này quan trọng để chúng ta bước ra ngoài dòng thác của những cảm xúc tiêu cực đang hòng nhấn chìm ta.
Yếu tố thứ hai của nó là ý thức rằng câu chuyện của mình không độc nhất, rằng đau khổ là một phần của cuộc sống, rằng ai cũng có những ẩn ức của mình, kể cả những người đã và đang hành hạ ta. Ý thức này khiến ta bớt thấy lẻ loi, đơn độc, vốn là cảm giác thường trực của những người không được yêu thương. Khi hướng cái nhìn ra bên ngoài và thấy những số phận khác, những nỗi đau khác, nỗi đau của ta nhỏ lại. Nó đã được đặt trong một tổng thể đời sống của con người rộng lớn hơn, nó không còn khổng lồ, chiếm đoạt toàn bộ không gian và tâm trí ta nữa. Ta cảm thấy dễ thở hơn bình tĩnh hơn.
Đến lúc này, ta tự nhắc nhở rằng mình hãy dịu dàng với chính mình, hãy chấp nhận bản thân, với tất cả những khiếm khuyết, những vụng về và tổn thương. Nhẹ nhàng với bản thân (self-kindness), theo Neff, chính là yếu tố thứ ba của lòng trắc ẩn với chính mình. Nó giúp ta có thể cư xử với chính mình như với một người bạn quý đang trong một hoàn cảnh khó khăn. Thay vì tự sỉ và mình là kém cỏi và ngu dốt, ta tự an ủi và động viên. Ta cũng nhắc nhở bản thân về quyền được mưu cầu hạnh phúc của mình, thay vì chạy theo nghĩa vụ sống hộ người khác, dù đó là cha mẹ mình.
Trắc ẩn với chính mình không có nghĩa là tự thương hại. Người tự thương hại con mình là một loser, một kẻ thất bại, không đáng được tôn trọng, được đứng ngang hàng với những người khác, chỉ đáng được bố thí tình cảm. Điều đó, nếu không dẫn tới cảm giác tự ghét bỏ thì cũng dẫn tới cảm giác bị cô độc, ngoài lề, mình không có gì để trao tặng người khác. Ngược lại, sự nhân từ với chính mình khiến ta quỳ xuống để đỡ bản thân lên.
Trắc ẩn với chính mình cũng không có nghĩa là tự nuông chiều. Ngược lại, khi được khích lệ, ta sẽ có động lực hơn để đi qua khó khăn, hướng tới một tương lai khỏe mạnh và an lạc chứ không chạy trốn vào những điều dễ dãi trước mắt. Mong muốn thay đổi bản thân của ta sẽ đến từ bên trong, chứ không bắt nguồn từ nguy cơ bị trừng phạt hay viễn cảnh được khen thưởng bởi người khác. Ta có thể bình tĩnh nhìn ra những thiếu sót của mình, mà không liên tục so sánh mình với người khác, có động lực thực hiện những gì mình mong muốn, mà không bị tra tấn bởi ám ảnh mình cần phải hoàn hảo và mình cố gắng bao nhiêu cũng sẽ không đủ. Người trắc ẩn với chính mình ít sợ hãi, thất bại hơn và không bị phá hủy bởi sự xấu hổ nhục nhã nếu họ không đạt được đích của mình. Họ dịu dàng mời bản thân nghỉ chân, nhìn nhận hoàn cảnh, rồi đi tiếp.
Cuối cùng, trắc ẩn với bản thân không phải là chạy trốn các cảm giác tiêu cực. Nó làm giảm nhẹ sự căng thẳng, khổ đau hay giận dữ, nhưng không phải cách xóa bỏ sự hiện diện của chúng hay đè nén chúng. Khi nhận diện được những cảm xúc này bằng chánh niệm, ta “ôm ấp” chúng, theo chữ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ta không nuốt xuống xuống dưới hầm. Cảm xúc tiêu cực đó có, nhưng đang được chăm sóc. “Tình thế không còn hỗn loạn, em bé đã không còn bị để cho khóc la một mình,” Thích Nhất Hạnh viết. “Bà mẹ đã có đó để chăm sóc em và tình trạng đã trở nên ổn định”. Được gọi tên, được chú ý tới, được gặp sự dịu dàng, cơn giận dữ hay đau khổ sẽ từ từ đi xuống.
Ngoài việc tìm được đến các trải nghiệm, điều chỉnh và học cách tôn trọng, chấp nhận và yêu thương bản thân, Xuân Dương và Lâm còn làm được một điều khác nữa rất cần thiết cho quá trình chữa lành của mình. Họ có sự thấu cảm.
Nhìn ra được rằng người làm mình đau khổ không phải là người có bản chất xấu xa, mà là người cũng đã trải qua một tuổi thơ độc hại, cũng không có gắn kết vững vàng với cha mẹ, cũng không biết cách yêu thương bản thân, cũng thiếu sự trưởng thành trong cảm xúc, người bị hại sẽ buông bỏ được oán giận và cay đắng. Buông bỏ không có nghĩa là phủ nhận trách nhiệm của người gây hại, xí xóa cái sai, cho nó là không quan trọng, hay chấp nhận và tiếp tục chịu đựng bạo lực và ngược đãi nếu chúng vẫn xảy ra. Để bảo vệ mình, người trẻ cần xác lập ranh giới với người thân và phát ra thông điệp rõ ràng về quyền được sống cho bản thân, quyền được mưu cầu hạnh phúc với một thái độ cương quyết nhưng phi bạo lực. Nếu người bị hại không ý thức được về những sai trái, họ sẽ tiếp nối vòng quay bạo lực và chuyển giao sự độc hại tới thế hệ tiếp theo. Nếu họ ý thức được về cái sai nhưng không tự bảo vệ, họ sẽ bị phá hủy, sẽ căm ghét người làm mình đau khổ, căm ghét bản thân, hoặc cả hai. Và một lúc nào đó trong tương lai, khi người gây hại đã già yếu, không còn quyền lực, nạn nhân có thể đem những tổn thương quá khứ của mình ra để trách móc, tấn công, thao túng tâm lý họ, tiếp tục đào sâu những tổn thương ở cả hai phía.
Ngược lại, khi sự buông bỏ đúng nghĩa được, được kích hoạt bởi thấu cảm xảy ra, nó sẽ đem lại cho người bị hại cảm giác tự do, được giải phóng, một sự nhẹ nhõm, khỏe khoắn tinh thần, kể cả khi hành vi và thái độ của người gây hại không thay đổi. Khi người bị hành hạ không còn mang trong mình sự tủi hổ, oán giận, thì lòng trắc ẩn và sự hiểu biết của họ có thể tác động tích cực tới mẫu hình gắn kết của cha mẹ họ, khiến những người này cũng được chuyển hóa.
Lời kết
Cuốn sách thu hút mình ngay từ những trang đầu tiên, bởi lẽ nó “thực”, những câu chuyện đa phần có màu xanh xám và khá nặng nề. Tuy vậy với mình, cuốn sách giống như một tách trà: đắng, nhưng đậm đà, hấp dẫn và nó thực sự đã giúp mình thư giãn. Đọc sách, đôi lúc mình thấy xót xa, thương cảm, đôi lúc lại thấy đồng cảm sâu sắc và mình thấy hiểu bản thân hơn nhờ những chia sẻ và dẫn chứng khoa học của tác giả. Nhìn chung, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của tác giả Đặng Hoàng Giang là một cuốn sách dễ đọc với mình, và mình nghĩ nó phù hợp với cả những người trẻ và các bậc phụ huynh. Đọc để hiểu mình hơn, và hiểu nhau hơn.
Review chi tiết bởi: Dương Đỗ - Bookademy
Hình ảnh: Phương Chu - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
481 lượt xem