Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chia Sẻ Về Phương Pháp Đọc Sách Hiệu Quả Của Tôi

Những bậc vĩ nhân hay những người thành đạt nhất đều nói rằng một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển tư duy của họ chính là việc đọc sách. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thời gian con người dành cho việc đọc sách cũng ít hơn trước, và ngày càng có nhiều độc giả cảm thấy lúng túng không biết lựa chọn như thế nào trước một khối lượng sách khổng lồ được xuất bản hàng ngày. Thực tế này khiến cho phương pháp đọc sách ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với các độc giả.

Cách đây gần một thế kỷ, đất nước chúng ta vẫn còn đang phải đau đầu vật lộn với cuộc chiến đẩy lùi nạn “Giặc đói giặc dốt”. Nhưng bây giờ đã khác. Việt Nam chúng ta đang ngày càng vững bước trên con đường hội nhập với thế giới. Phổ cập giáo dục từ lâu đã không còn là vấn đề quá nhức nhối. Phần lớn dân số Việt Nam đều biết đọc, biết viết. Khi biết đọc rồi, chúng ta sẽ đọc nhiều hơn, đọc đa dạng hơn. Không chỉ đọc các thể loại sách truyện, tiểu thuyết, chúng ta còn đọc cả sách khoa học hay những đầu sách có hàm lượng học thuật lớn.

Nhiều chuyên gia giáo dục thừa nhận việc dạy cách đọc cho trẻ em là một vấn đề quan trọng. Thế nhưng, làm thế nào để các em hiểu được những yếu tố cơ bản nhất của hoạt động “đọc” thì không phải là một bài toán đơn giản một chút nào. Và không chỉ với các em nhỏ đâu. Rất nhiều người trưởng thành cũng đang phải tham gia vào các khóa học đọc cấp tốc nhằm giúp họ hiểu nhiều hơn những gì mình đã đọc cũng như biết cách tăng tốc độ đọc mà vẫn đạt được hiệu quả tiếp thu thông tin.

Phương pháp đọc đang ngày càng được nhiều độc giả quan tâm. Và lợi ích mà một người đọc sách thu được khi có cho mình một phương pháp đọc hiệu quả là vô cùng to lớn.

Năm 2018 vừa qua, tôi đọc được 23 cuốn sách!

Đó là sự thật, hoàn toàn không phải là lời bịa đặt của tôi! Cuốn sách mỏng nhất trong số đó là cuốn Để hiệu quả trong công việc của Brian Tracy (hơn 120 trang), còn cuốn dày nhất là Nguyên lý tiếp thị (Principles of Marketing), viết bởi hai Giáo sư Philip Kotler và Gary Amstrong (hơn 750 trang).

Tôi kể cho các bạn về “thành tích nhỏ” trong năm 2018 kia không phải nhằm mục đích khoe khoang hay thể hiện niềm tự hào về bản thân của mình. 23 cuốn sách trong 1 năm, tôi nghĩ đó không phải là một con số đáng để “sĩ diện”. Về phương diện tốc độ, tính trung bình trong năm 2018, cứ mất khoảng gần 16 ngày thì tôi đọc xong một cuốn sách, và tôi cũng không cho rằng tốc độ này là một “thứ gì đó” quá “kinh khủng”. Và xét về tổng thể, tôi vẫn còn thua kém nhiều bạn sinh viên khác, bởi các bạn ấy có thể đọc được tới 30 cuốn trong một năm, trong đó có cả những thể loại thuộc dạng “khó nhằn” như các đầu sách khoa học cơ bản.

Nhưng tôi dám tin một điều là, trong năm 2018 có nhiều bạn không đọc được nhiều như tôi!

Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được như tôi!

Nếu bạn có một phương pháp đọc sách phù hợp với cách tư duy và tiếp nhận thông tin của bản thân mình, bạn hoàn toàn có thể đọc được trên 15 cuốn trong một năm.

Không chỉ đọc nhiều về mặt số lượng, bạn cũng cần phải đọc một cách có hiệu quả nữa. Nếu không, tất cả sẽ chỉ dừng lại ở việc bạn đọc sách như một hành động chống đối hay giết thời gian chứ không phải là để tiếp thu những tinh hoa của trí tuệ nhân loại. Hiệu quả của việc đọc được xác định thông qua mức độ nỗ lực và những kỹ năng đọc cuốn sách ấy. Quy luật chung là: Bạn nỗ lực càng nhiều thì hiệu quả sẽ càng cao.

Đọc sách cũng giống như tự học, đều cần phải có phương pháp

Chắc hẳn sinh viên nào cũng đều quá quen thuộc với câu nói này của giảng viên:

Tiết này anh chị tự đọc và nghiên cứu tài liệu nhé! Chúng ta sẽ trao đổi thêm về các vấn đề của bài học hôm nay vào tiết sau!

Câu nói trên không đơn thuần chỉ là một lời nhắc nhở khéo: “Trật tự đi cho lớp kế bên học!”. Thầy cô là những người đã đi trước, họ có kinh nghiệm và kiến thức. Họ biết cách học nào là hiệu quả cho sinh viên. Một trong những cách học cực kỳ hiệu quả chính là tự học, và câu nói của thầy cô chính là muốn hướng chúng ta tới việc chủ động tự học. Chỉ tiếc rằng, nhiều sinh viên chưa hiểu được điều này.

Việc đọc sách cũng giống như khi chúng ta đang tham gia một tiết học tự học vậy. Đó là một tiết học không có giảng viên kèm cặp. Vì vậy, nếu muốn “học” hiệu quả, chúng ta cần phải có một phương pháp thực hiện phù hợp với khả năng tư duy của mình.

Và đây là phương pháp đọc của tôi

Chúng ta không giống nhau về khả năng tiếp thu kiến thức từ việc đọc sách, vì thế bạn làm ơn đừng ngạc nhiên nếu phương pháp đọc mà tôi sắp chia sẻ có thể sẽ không phù hợp với bạn. Nhưng bạn có thể tin rằng, phương pháp đọc này không phải chỉ là của “riêng” tôi. Rất nhiều sinh viên khác cũng có xu hướng đọc giống cách tôi đọc, và họ đều cho rằng “đọc theo kiểu đó” là một cách đọc có hiệu quả. Và tôi cũng mong rằng phương pháp đọc của tôi sẽ góp một phần công sức nho nhỏ cho hành trình đi tìm phương pháp đọc hiệu quả của bạn.

Bạn chỉ có thể bắt đầu khi bạn đã sẵn sàng

Để khởi đầu cho mọi cuốn sách, bất kể thể loại gì, bạn đều phải đặt mình trong trạng thái sẵn sàng đọc. Nghe thì có vẻ là hiển nhiên và đơn giản, nhưng thực tế, có rất nhiều bạn đã “trượt” ngay từ bước khởi đầu này.

Cơ chế của nguyên tắc này khá đơn giản. Tại một thời điểm nhất định, tâm trí của chúng ta chỉ có thể phân bố hữu hạn cho một số ít hành động cụ thể. Khi tâm trí của bạn chưa hoàn toàn tập trung cho việc đọc sách, nếu cứ cố gắng đọc thì sẽ chỉ càng làm cho hiệu quả của việc đọc sách đi xuống mà thôi. Điều này kéo theo một hệ quả tiêu cực, đó là nó có thể gây ra cho bạn cảm giác chán nản mỗi khi có bạn chuẩn bị có ý định đọc sách. Hơn nữa, nếu bạn cứ cố gắng đọc trong khi bạn chưa sẵn sàng cho việc đó, vô hình chung bạn đã biến việc đọc sách trở thành một công việc đầy tính gượng ép, gò bó và áp lực. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ “giết chết” ham muốn đọc sách của bạn, và lần sau có thể bạn sẽ không còn muốn cầm cuốn sách lên nữa.

Vì thế, nếu bạn chưa sẵn sàng cho việc đọc của mình, tâm trí bạn vẫn còn đang lảng vảng ở giai điệu của một bài hát bạn vừa mới nghe hay một tin nhắn trên Facebook mà bạn chưa kịp reply, thì hãy nghe lời khuyên của tôi: Đặt cuốn sách xuống ngay! Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bạn đọc sách đâu!

 

Sẵn sàng rồi đúng không? Bây giờ hãy bắt đầu nhìn cuốn sách một cách đầy “âu yếm” nào!

Khi tâm trí đã tĩnh, bạn thấy mình đang ngả lưng trên một chiếc ghế đệm êm, không gian xung quanh yên tĩnh, gió thổi vi vu nhẹ nhàng, thì đó chính là lúc bạn nên bắt đầu chuyển sang bước tiếp theo rồi đấy.

Khi bạn đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc đọc cuốn sách mà mình đang cầm trên tay rồi, điều tiếp theo cần phải làm chính là hãy kiểm soát cuốn sách ấy. Kiểm soát có nghĩa là bạn phải tìm cách nắm rõ được nội dung chủ đạo của cuốn sách trong một khoảng thời gian ngắn mà không cần phải lật quá nhiều trang.

Vậy làm thế nào để bạn có thể đọc kiểm soát được cuốn sách trong thời gian ngắn mà không cần lật quá nhiều trang?

Câu trả lời chính là: Hãy nhìn cuốn sách một cách thật “âu yếm”!

  • Đầu tiên, hãy nhìn bìa sách, đọc hết thông tin có trên bìa, và hãy nhớ là đọc cả hai bìa. Bìa cuốn sách thường chứa đựng khá nhiều thông tin tổng quan về cuốn sách, đặc biệt là bìa sau.
  • Tiếp theo, hãy mở phần lời mở đầu và lời giới thiệu sách nếu có, đọc hết nó. Mục đích chính vẫn là đi tìm thông tin tổng quan của cuốn sách.
  • Tiếp theo, hãy đọc mục lục. Riêng mục lục tôi khuyên bạn nên đọc thật cẩn thận và đầy đủ, bởi nó chính là bộ xương của toàn bộ cuốn sách bạn đang cầm trên tay.
  • Tiếp theo, hãy đọc trang đầu của Chương 1, nhằm kiểm tra thử độ hứng thú ban đầu.
  • Cuối cùng, hãy mở một trang ngẫu nhiên ở khoảng tầm giữa của cuốn sách, đọc lướt nó. Thông thường, các chương ở giữa sẽ chứa những điểm nhấn và cao trào của cuốn sách.

Như vậy, chỉ cần đọc chưa đến 10 trang nhưng chúng ta đã có thể kiểm soát sơ bộ được nội dung của cuốn sách rồi. Vậy tại sao chúng ta lại cần phải đọc kiểm soát?

Bởi vì, dù cho bạn đang ngả lưng trên một chiếc ghế êm ái, không gian tĩnh mịch, nhiệt độ dễ chịu, tâm trí tĩnh lặng, bạn vẫn hoàn toàn có thể đặt ngay cuốn sách đó xuống và thốt lên một câu: “Cuốn này không hợp rồi!”. Lời khuyên tôi đưa ra là, tốt hơn hết bạn không nên đọc bất kỳ một cuốn sách mà nội dung chủ đạo của nó ngay từ đầu đã không phù hợp với những gì mà bạn kỳ vọng. Bạn không nên tốn thời gian cho một cuốn sách mà có lẽ, nó chả phù hợp với bạn một chút nào.


Nhưng nếu nó phù hợp thì sao?

Đơn giản, đọc tiếp thôi!

Kiểm soát đọc ở mức độ chặt chẽ hơn

Sau khi kiểm soát sơ bộ nội dung cuốn sách, ít nhiều bạn đã có thể phân loại được cuốn sách ấy thuộc thể loại nào, ví dụ như tiểu thuyết trinh thám, sử thi, kinh tế học, self – help,.... Đôi khi một cuốn sách có sự lai tạp giữa nhiều thể loại, ví dụ Để hiệu quả trong công việc của Brian Tracy vừa có thể xếp vào thể loại sách kinh tế, vừa có thể xếp vào sách self – help, nhưng đó không phải là vấn đề lớn. Quan trọng nhất chính là việc bạn phải biết được cuốn sách mình đang đọc thuộc thể loại nào.

Tiếp theo, bạn cần phải nhìn rõ được sự thống nhất về nội dung của cuốn sách. Mỗi cuốn sách là một tác phẩm nghệ thuật của tác giả, vì thế nó cũng có tính chỉnh thể, tính thống nhất. Bạn hãy mở lại mục lục một lần nữa, nhưng lần này không phải chỉ để ngắm “bộ xương” của cuốn sách. Bạn cần thấy được cách mà “bộ xương” này sẽ định hướng “sự vận động” của nội dung toàn cuốn sách, hay nói cách khác, đó chính là khi bạn đang tìm cách nắm bắt mạch viết của tác giả. Khi biết được mạch kể chuyện của tác giả, bạn sẽ định hướng được cách đọc của mình.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, bạn cần phải khai thác thêm một điều nữa ở mục lục cuốn sách. Bạn cần biết cách “đặt trọng số” cho các chương, các phần trong cuốn sách, từ đó thấy được phần nào là phần chính của cuốn sách, cách sắp xếp các phần theo thứ tự quan trọng như thế nào. Dung lượng chương sẽ thể hiện một phần trọng số của chương đó. Về cơ bản, những chương có dung lượng trang lớn hơn so với những chương khác thì sẽ chứa các thông tin chính hoặc cao trào của cuốn sách, bởi đó là mục mà tác giả phải đầu tư rất nhiều con chữ để phân tích.

Khi đã kiểm soát được toàn bộ cuốn sách, điều bạn cần làm tiếp theo chính là hãy phiêu cùng dòng chảy của tác giả thôi!

Đọc “ngấu nghiến nghiền ngẫm”: Đọc hiểu thực sự

Có rất nhiều kỹ thuật dạy bạn cách đọc “ngấu nghiến nghiền ngẫm” một cuốn sách, nhưng tất cả kỹ thuật đó đều được xây dựng dựa trên một nền tảng chung, đó chính là sự tập trung và nỗ lực thực sự của bạn. Như tôi đã nói, bạn nỗ lực càng nhiều thì hiệu quả đọc sẽ càng cao.

Như vậy, lời khuyên của tôi cho bạn ở bước này là: Khi bạn đã “trót yêu” một cuốn sách rồi, hãy là một “người tình” có trách nhiệm. Bạn đã kiểm soát toàn bộ nội dung cuốn sách và nhận thấy tính phù hợp của nó với bản thân mình rồi, bạn thích mạch phân tích mà tác giả trình bày, như vậy chẳng có lý do gì mà bạn không bắt đầu đọc hiểu thực sự cuốn sách đó cả. Đó không chỉ đơn thuần là một nỗ lực đọc từ trang 1 tới trang cuối, đó là quá trình bạn đang “tự học”. Bạn sẽ thu nạp được rất nhiều thông tin cho kho kiến thức của mình khi nghiền ngẫm một cuốn sách phù hợp với bản thân.

Dưới đây là hai lưu ý mà tôi rút ra được khi đọc hiểu một cuốn sách:

  • Hiểu từ và thuật ngữ. Bạn cần phải hiểu được chính xác ngữ nghĩa của các từ và thuật ngữ mà cuốn sách trình bày, nếu không, đọc sách sẽ trở thành một công việc “nguy hại” với tư duy của bạn, bởi nó sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái “mông lung thuật ngữ”.
  • Tìm từ khóa và câu khóa. Không phải từ nào hay câu nào trong cuốn sách cũng đều có vai trò quan trọng như nhau cả. Nếu tìm được từ khóa của mỗi câu hay câu khóa của mỗi đoạn, bạn nên dùng bút dấu và đánh dấu nó. Điều này sẽ rất thuận tiện cho quá trình đọc lại của bạn sau này.

Khi hiểu được từ và thuật ngữ, biết được từ khóa và câu khóa, chắc chắn bạn sẽ hiểu được những nhận định chủ đạo mà tác giả gửi gắm thông qua cuốn sách. Đó chính là thứ mà tất cả độc giả đều muốn hướng tới đối với mọi quyển sách. Khi đó, bạn sẽ quyết định mình có muốn thấm nhuần tư tưởng của tác giả không, hay sẽ bài trừ nó đi. Minh chứng cho điều này cực kỳ rõ ở các dòng sách self – help.

Để đưa ra quyết định có ủng hộ suy nghĩ của tác giả hay không, bạn cần nhìn nhận một cách khách quan và trên góc nhìn rộng. Đây không phải là một điều dễ dàng, nhưng bạn có thể tham khảo lời khuyên của Tiến sĩ Mortimer J. Adler (Giảng viên Trường Đại học Columbia – Mỹ, tác giả của cuốn sách Phương pháp đọc sách hiệu quả):

  • Hãy xác định lập luận của tác giả bằng cách tìm ra chúng hoặc xây dựng lập luận từ các chuỗi câu. Đây chính là mục đích của việc đánh dấu câu khóa và từ khóa.
  • Xác định các vấn đề mà tác giả đã giải quyết và chưa giải quyết trong cuốn sách. Đối với những vấn đề chưa giải quyết được, tìm hiểu xem tác giả có nhận thức và thừa nhận thất bại của mình hay không.

Đó là một vài lưu ý tôi đúc rút ra từ quá trình đọc hiểu của mình. Đây không phải là một kỹ thuật đọc quá mới mẻ. Nó cũng không phải là kỹ thuật độc nhất, nhưng nó sẽ hiệu quả đối với rất nhiều người, bởi cách mà kỹ thuật này tiếp xúc với độc giả đều dựa trên những cơ sở tâm lý hoàn toàn rõ ràng.

Kỹ thuật quan trọng nhưng không quan trọng bằng nỗ lực

Tôi vẫn muốn nhắc lại một lần nữa điều này:

Bạn nỗ lực càng nhiều thì hiệu quả đọc sẽ càng cao.

Kỹ thuật đọc rất quan trọng, bởi nó sẽ định hướng cho bạn một con đường đi tìm tri thức trong cuốn sách sao cho phù hợp nhất. Nhưng nó vẫn không phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc bạn đọc sách có hiệu quả hay không.


Vì kỹ thuật đọc, xét cho cùng, cũng chỉ là một phương tiện, một công cụ mà thôi. Vấn đề chính nằm ở người điều khiển phương tiện và công cụ ấy, chính là bạn – một độc giả. “Phương tiện” có hiện đại đến mấy, “công cụ” có tối tân nhất đi chăng nữa, nhưng nếu người sử dụng chúng không có quyết tâm và nỗ lực thì chúng cũng sẽ không khác gì những “cỗ máy gỉ sét nằm im trong góc nhà”. Bởi vậy, yếu tố con người vẫn luôn là thứ cần được quan tâm nhất. Không sai khi con người chính là trung tâm của vũ trụ, là hạt nhân của mọi sự vận động.

Nhiều bạn sinh viên vẫn còn quan niệm rằng đọc sách là một hoạt động gò bó và áp lực. Các bạn ấy không hề sai! Nhưng sẽ rất đáng tiếc cho bạn ấy vì bạn đã vô tình bỏ qua một kho tàng tri thức của nhân loại. Để vượt qua được những cảm xúc tiêu cực như áp lực, gượng ép, lời khuyên tôi đưa ra cho bạn chính là hãy kiên trì và nỗ lực. Hãy mở rộng tư duy ra và đón nhận việc đọc sách. Hãy tin rằng đọc sách là một công việc giúp bạn tìm được cảm hứng rất hữu hiệu. Như vậy, bạn sẽ khống chế được những cám dỗ mà các yếu tố ngoại cảnh gây ra đối với việc đọc của bản thân mình.

Tất cả là ở bạn! Bạn nỗ lực càng nhiều thì hiệu quả đọc sẽ càng cao.

Tôi muốn nói gì thông qua bài viết này?

Decartes từng nói: “Đọc sách là được trò chuyện với những người thành đạt nhất của các thế kỷ đã qua”. Không ai có thể phủ nhận được lợi ích của việc đọc sách, nhưng đọc làm sao cho đúng, đọc thế nào cho hiệu quả, thì bạn cần phải có phương pháp. Phương pháp đọc như một “cái bản đồ”, nó sẽ vẽ ra cho bạn hành trình đi thu nhận tri thức từ các cuốn sách. Bạn cần tìm cho mình một phương pháp đọc phù hợp với bản thân, nếu không, bạn sẽ rất nhanh chán việc đọc sách.

Phương pháp đọc mà tôi chia sẻ thông qua bài viết này đã được rất nhiều bạn sinh viên áp dụng. Và dĩ nhiên, nó không phải là phương pháp đọc hiệu quả duy nhất. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ hi vọng rằng, những chia sẻ của tôi sẽ giúp các bạn một phần nhỏ trong “hành trình phiêu lưu” của bạn với cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay.

Tác giả: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,948 lượt xem