[ToMo] Cách Mở Khóa Sức Mạnh Của Não Bộ Để Trở Thành Học Sinh Hàng ’Top’ - Kinh Nghiệm Từ Thủ Khoa Đại Học Y
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi dường như chỉ là một học sinh tầm thường và vô hình. Tuy nhiên, điều kỳ diệu ở đây chính là, tôi đã tốt nghiệp với vị trí nhất lớp tại trường Y. Nếu bạn tò mò về ‘cú plot twist’ đã kể trên, hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Nghiên cứu của Carol Dweck đã chứng minh rằng: với một hệ tư duy sáng suốt, bạn có thể làm được tất cả những ước mơ tưởng như xa vời của mình. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành xuất sắc việc học trên trường, đặc biệt là ở bậc Đại học, lại không phải là một chuyện dễ dàng.
Có vẻ như, hầu hết chúng ta đều đánh giá thấp tiềm năng của chính mình khi còn là sinh viên. Vì vậy, tôi đã vào cuộc để tìm ra hàng loạt những phương thức khả thi để mở khóa các khả năng tuyệt vời của bộ não.
Bạn có nghĩ rằng, việc dạy cho một học sinh trung bình bằng cả đam mê, tâm huyết và lòng kiên trì, có thể đưa em ấy trở thành một học sinh đứng đầu trường không? Thực ra, đó chính là câu chuyện của cuộc đời tôi. Và trên con đường đi đến thành công, tôi đã khám phá ra được một số kỹ thuật học tập vô cùng hiệu quả dựa trên tâm lý học nhận thức.
Hãy để tôi bắt đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu bản thân. Tôi năm nay 66 tuổi, là một bác sĩ đã nghỉ hưu. Xuyên suốt 30 năm cuộc đời, tôi đã gắn bó rất mật thiết với ngành X quang và rồi về hưu vào năm 2014. Ngoài ra, tôi còn là một doanh nhân và đồng sáng lập của aytm.com và iDoRecall.com.
Tôi tốt nghiệp trung học vào năm 1970 với xếp hạng thứ 50 trong lớp. Từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, tôi phải vật lộn rất nhiều với việc học. Việc được giáo viên dạy kèm sau giờ học xảy ra thường xuyên. Tôi không biết mình có bệnh lý ảnh hưởng tới khả năng học tập nào không. Tôi có học lực trên trung bình và luôn đạt điểm khá ổn trong các kỳ thi học kì, nhưng tôi chưa bao giờ là một học sinh giỏi thực sự.
Một năm sau tốt nghiệp trung học, tôi chập chững bước vào môi trường cao đẳng với tâm thế bỏ bê việc học. Tôi đã bỏ học khi còn là một sinh viên có điểm trung bình là C+ .Sau đó, tôi đi vòng quanh khám quá sự thú vị của cuộc sống trước khi quay lại trường hai năm sau đó. Khi trở lại trường học, tôi đã phát hiện ra một vài thủ thuật giúp bản thân từ con số không trở thành siêu nhân trong học tập.
Tôi đã hoàn thành số lượng các môn học của ba năm rưỡi chỉ trong vòng hai năm sáu tháng. Trong suốt quá trình lấy bằng cử nhân, tôi đã nhận được 11 điểm A+,và phần còn lại toàn bộ đều đạt A. Điểm A+ là đại biểu cho mỗi bài kiểm tra đều đạt điểm hoàn hảo. Bài làm của tôi vượt trội đến nỗi các giáo sư đã công nhận điểm A của tôi có giá trị hơn so với các sinh viên khác. Việc này là một ngoại lệ trước đây chưa từng có.
Sau khi nhận bằng, tôi trúng tuyển vào trường Y. Và liên tiếp sau đó suốt bốn năm, tôi luôn đạt điểm cao nhất lớp trong mọi kì thi. Tôi tiếp tục làm nội trú ngành X quang tại Đại học Duke và được phép bỏ qua năm thực tập lâm sàng. Việc này đã giúp tôi tiết kiệm một năm đào tạo. Tôi được bổ nhiệm làm bác sĩ nội trú chính vào năm cuối tại Duke.
Điều gì đã hình thành nên cách tiếp cận học tập mới mẻ của tôi sau khi trở lại trường học? Lý do nào để tôi có thể đi từ một sinh viên chỉ biết cắm đầu học trở thành ngôi sao học tập? Tôi đã suy ngẫm về điều này rất nhiều trong những năm qua.
Tôi muốn truyền cho bạn những chiến lược tương tự mà tôi đã sử dụng để biến mình từ một học sinh trung bình thành một học sinh giỏi nhất mà tôi từng biết. Câu chuyện chỉ mang tính hướng dẫn, vì bản thân tôi không phải là người thông minh nhất, mà bởi vì tôi đã sử dụng các chiến lược tâm lý học nhận thức đã được chứng minh. Thật không may, mặc dù có rất nhiều nghiên cứu hữu ích về những điều có tác động hiệu quả hoặc tiêu cực đến sinh viên, tuy nhiên, rất ít sinh viên (hoặc giáo viên) thấu hiểu được cách học đúng đắn.
Kỹ năng quản lý thời gian chính là lợi thế
Kỹ năng quản lý thời gian là vô cùng quan trọng, nhưng hầu hết sinh viên không có kỹ năng vô giá này. Trường học có thể được chia thành các đơn vị thời gian: giờ học, thời gian cho đến kỳ thi lớn tiếp theo hoặc ngày đến hạn nộp bài, giữa kì, cuối kỳ, năm học, v.v. Nếu bạn lùi lại và nhìn vào một giai đoạn học tập chẳng hạn như một học kỳ, bạn có thể đưa ra một số giới hạn về giờ giấc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và môn học của mình.
Với lượng thời gian hữu hạn, bạn có thể nhận được những đền đáp xứng đáng bằng cách đầu tư thời gian vào các hoạt động mang lại hiệu quả cao. Đó chính là những hoạt động giúp bạn hấp thu lượng kiến thức tối đa với nguồn lực tối thiểu. Đó chính là những hoạt động giúp phát triển quá trình học tập thực sự và lâu dài.
Mục tiêu cho mỗi học kỳ là đạt được càng nhiều lợi ích học tập càng tốt. Nếu bạn biết tối đa hóa việc học của mình, điểm kém chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng học tập thực sự có nghĩa là dù bao lâu sau đi nữa, những kiến thức đã nhận được trong những học kỳ qua vẫn còn, để có thể làm nền tảng cho việc học trong tương lai và góp phần giúp bạn trở thành một người đa-zi-năng.
Bạn nên đặt việc xây dựng nên một nền tảng kiến thức sâu, rộng làm mục tiêu dài hạn. Việc này sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo và liên tục tái tạo lại bản thân xuyên suốt các dốc lồi, hố lõm của cuộc đời.
Vì vậy, nếu đem điểm A làm mục tiêu, bạn rất dễ hài lòng với thành tựu đạt được, và rồi nhanh chóng quên đi những kiến thức bổ ích đã học được ngay sau mỗi kỳ thi cuối kỳ. Điều đó có nghĩa là, bạn đã bỏ lỡ điều quan trọng của quá trình học tập này. Nếu bạn quan tâm đến nhiều thứ hơn, hãy xem xét một vài thủ thuật quản lý thời gian mà tôi đã sử dụng - một vài kỹ thuật siêu trực giác đầy hiệu quả.
- Đừng tham gia các lớp học không cần thiết
Có nhiều môn học là bắt buộc. Nó được tính vào phần GPA của bạn, hoặc bạn phải nắm được nội dung bài giảng. Nhưng tham gia các lớp học không đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh thời gian ở trên lớp, hoạt động này bao gồm thời gian đi lại, ngay cả khi bạn sống trong khuôn viên trường cũng chiếm một lượng thời giờ kha khá. Thời gian ngồi trong lớp nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Giáo sư mới là người kiểm soát nó. Có bao giờ bạn mong giảng viên có thể giảng với tốc độ X2 hay chưa?
Khi bước ra khỏi cửa lớp, bạn rời đi với cuốn tập dán chi chít những ghi chú. Nhưng việc học tại thời điểm đó vẫn chưa thấm vào đâu. Nếu không làm gì khác ngoài tham gia lớp học và hì hục ghi chép, bạn sẽ không đạt được điểm A đâu? Bạn có nhớ kiến thức của môn học vào một năm sau kỳ thi cuối kỳ không? Đối với 99% sinh viên, câu trả lời chắc chắn là không.
Tuy nhiên, tôi xin chia sẻ một bí mật của mình. Mặc dù là học sinh đứng đầu lớp, tôi đã cúp hầu hết mọi bài giảng. Hầu hết các lớp của tôi được tổ chức trong một giảng đường có khoảng 200 sinh viên, và việc điểm danh cho các môn học này không hề bắt buộc.
Nhóm sinh viên lớp tôi có một dịch vụ chép bài hộ: một người nhận việc nhận tiền để ghi chép bài giảng giúp bạn. Những sinh viên này đã ghi chép, tất cả mọi thứ xuất hiện trên bảng. Họ đồng thời cũng ghi âm bài giảng. Bản chép lại của họ chính xác đến 99%, bao gồm cả hình ảnh minh họa.
Hai lần một tuần, tôi chỉ lên trường khoảng một tiếng để thu thập tài liệu bài giảng trong vài ngày qua. Cuối cùng, phần lớn các bạn học của tôi đều học từ các ghi chú từ những người đi chéo thuê giống như tôi, mặc dù họ cũng ngồi trong lớp và có ghi chép của riêng mình. Tôi chắc chắn rằng nhiều người trong số họ cho rằng đi học và ghi chú lại giúp ích cho việc học của họ. Nhưng tôi đã bỏ qua hầu hết mọi bài giảng và vẫn đạt được điểm số một trong mọi kỳ thi.
Bước đầu tiên để đạt được thành tích đó là phương pháp quản lý thời gian cực kỳ hiệu quả của tôi. Tôi đã tiết kiệm được sáu đến tám giờ mỗi ngày bằng cách trốn học, và tôi sử dụng những giờ đó để sử dụng tốt hơn nhiều so với các bạn cùng lớp ngồi trong lớp cả ngày.
Bạn có thể không sử dụng chiến lược được tương tự, nhưng nếu có, bạn nên cân nhắc. Nếu giáo sư của bạn chia sẻ bản ghi video bài giảng của họ, bạn không cần phải đến lớp đâu!
Tất nhiên, nhiều bạn có thể là người học từ xa, vì vậy việc xem video các bài giảng chính là cách học chính của bạn. Nếu bạn đủ may mắn, hãy xem cả các bài giảng bên ngoài trường học. Nếu bạn xem được video bài giảng nhưng không có ghi chép bài giảng, thì ít nhất hãy xem bài giảng chậm rãi. Nếu video đi kèm với bản ghi, bạn có thể chỉ cần đọc bản ghi thay vì xem video.
- Hãy đọc những kiến thức đã học chỉ một lần.
Đọc các ghi chú trên lớp, tài liệu phát tay, sách và các tài liệu học tập khác nhiều lần là một trong những cách học tiêu chuẩn và đều được mọi người chấp nhận. Học sinh cũng thích đánh dấu các đoạn văn và đọc lại nhiều lần các mục đó. Chúng tôi đã tưởng rằng việc đọc lại bằng cách nào đó sẽ khiến nội dung in sâu vào bộ nhớ của chúng tôi.
Mặc dù vậy, việc đọc đi đọc lại mang lại lợi ích rất nhỏ và đòi hỏi một lượng thời gian lớn. Đọc đi đọc lại không phải là một chiến lược học tập hiệu quả và thông minh đâu. Việc tô highlight cũng vậy.
Vậy bạn nên làm gì? Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy thay thế việc đọc lại bằng thực hành truy xuất. Tôi sẽ thảo luận sâu hơn về chủ đề này sau. Thứ hai, sử dụng các tài liệu học tập khác, chẳng hạn như sách, bài báo và video bài giảng từ các giáo sư khác, thay cho việc đọc lại. Hãy nâng cao kiến thức của bạn bằng cách tiếp thu quan điểm của nhiều chuyên gia khác. Giáo sư của bạn và sách giáo khoa được chỉ định của bạn không phải là chân lý tối cao duy nhất về chủ đề này.
Khi còn học trường y, tôi đã tiết kiệm phần lớn thời gian rảnh rỗi có được bằng cách không đến lớp và không đọc đi đọc lại vài cuốn sách giáo khoa về mỗi chủ đề. Bằng cách này, tôi đã tiếp xúc với một tầng kiến thức cao hơn, với nhiều góc nhìn thực tế và sắc sảo hơn. Ngoài ra, tôi cũng đã sử dụng một kỹ thuật để đồng hóa kiến thức vào các mô hình thần kinh của mình: phản xạ. Tôi tự đặt câu hỏi về cách thức và lý do tại sao cùng một khái niệm lại có những cách giải thích khác nhau. Trong một số trường hợp, những lời giải thích của họ không phù hợp, và tôi phải nghiên cứu thêm để xác định sự thật. Bằng cách suy ngẫm về những câu hỏi này, kiến thức của tôi ngày càng sâu rộng.
- Để ghi nhớ những gì bạn đã học, hãy sử dụng flashcard, thực hành truy xuất và trải rộng thời gian học tập ra.
Thực hành truy xuất (Repetitive practice: thực hành một việc nhiều lần) là cách ‘hack não’ hiệu quả nhất. RP tương tự như việc đưa trí nhớ của bạn đến phòng tập thể dục để xây dựng sức mạnh nhằm gợi lại một sự kiện hoặc khái niệm duy nhất trong tương lai. Bạn có muốn sở hữu siêu năng lực đó không? RP là công cụ mạnh mẽ nhất mà bạn có thể sử dụng để cải thiện khả năng ghi nhớ lâu dài và rõ nét về các sự kiện hoặc khái niệm mà bạn muốn ghi nhớ.
Hãy để tôi giải thích RP trông như thế nào. Ví dụ, bạn trả lời một câu hỏi bằng trí nhớ mà không hề cần bất kỳ sự giúp sức nào. Đương nhiên, những câu hỏi mở sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với câu hỏi trắc nghiệm hoặc đúng / sai. Những dạng câu hỏi trắc nghiệm không thực sự nói lên bạn đã thấm nhuần được bao nhiêu kiến thức, mà cho thấy bạn đã quen thuộc với câu hỏi đó chưa thôi!. Chỉ cần dòng chảy ký ức thông suốt là bạn sẽ nhận ra câu trả lời ngay khi nhìn thấy nó, nhưng nếu không có sự hỗ trợ này, khá khó để tìm ra đáp án cho vấn đề. Thử thách trả lời các câu hỏi mở tưởng chừng sẽ làm ta chùn bước, nhưng nếu phá vỡ được, sẽ hiếm có việc gì cản bước được ta.
Con người ta gặp khó khăn nếu họ có khả năng nhận thức kém. Ta tự đánh lừa rằng mình là kẻ thông minh bậc nhất. Đó là lý do tại sao chúng ta dễ mắc phải hiệu ứng Dunning-Kruger (là một dạng thiên kiến nhận thức, trong đó mọi người đánh giá khả năng nhận thức của họ cao hơn năng lực thực tế). Vì vậy, một trong những thách thức của RP là phải có phản hồi chất lượng để không bị đánh lừa về mức độ hiểu của bản thân. Đây là một trong nhiều lợi ích của việc sử dụng flashcard. Khi lật lại, cái bạn nhìn thấy chính là câu trả lời đúng bằng mực đen giấy trắng, chứ không phải suy diễn. Đối với hầu hết mọi người, việc này sẽ họ trung thực với chính mình.
Một ưu điểm khác của Flashcards là có thể tự kiểm tra bất cứ khi nào ta muốn mà không cần phụ thuộc vào người khác, chẳng hạn như nhóm học tập và bạn bè. Khi còn học ở trường y, tôi đã làm rất nhiều tấm flashcard cho mọi thứ mà tôi muốn ghi nhớ. Flashcard phải chi tiết và chỉ nên 1 tờ 1 khái niệm hoặc ghi chú duy nhất. Khi sử dụng RP, hãy tập trung 100% vào lượng kiến thức trước mặt, cũng tương tự với việc hoàn toàn chú ý vào việc sử dụng càng ít cơ càng tốt trong các bài tập tăng cường sức mạnh tại phòng gym.
Giãn cách RP của bạn là bí quyết học tập hiệu quả thứ hai để xây dựng khả năng ghi nhớ dài hạn. Trái nghĩa của việc trải rộng là nhồi nhét. Tất cả chúng ta đều biết nhồi nhét là như thế nào và hầu hết sinh viên tin rằng đó là một chiến lược hiệu quả: học cả đêm hoặc chỉ tập trung ôn tập vào một vài ngày trước khi thi và tin rằng, mình sẽ có thể ghi nhớ nhiều tài liệu cho kỳ thi.
Nhưng trong khi việc nhồi nhét có vẻ hiệu quả tại thời điểm hiện tại, thì để có thể nhớ lại kiến thức ấy sau một thời gian dài, phương pháp ấy chỉ như muối bỏ bể. Nếu mục tiêu duy nhất của bạn là đạt điểm A, nhồi nhét kiến thức có thể là chiến lược tuyệt vời, nhưng ai lại muốn một bác sĩ có điểm cao nhưng chẳng có bất kỳ ký ức gì về những kiến thức đã học? Mặt khác, phương pháp học tập này đã được nghiên cứu và chứng minh rằng có thể giúp xây dựng khả năng nhớ lâu hơn nhiều so với khi chỉ học nhồi nhét.
Khi bạn học tập với thẻ flashcard, bạn đang luyện tập theo phương pháp RP. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng rằng bạn có 1.000 thẻ ghi nhớ. Bạn có nên xem qua từng flashcard vào mỗi buổi sáng không? Tất nhiên là không rồi! Đây không phải là cách học tập bền vững hoặc hiệu quả đâu!
Chiến lược tối ưu là học một lượng nhỏ các thẻ flashcard của bạn mỗi ngày. Roger Craig, một nhà vô địch chương trình trí tuệ Jeopardy, đã lưu giữ một bộ sưu tập 220.000 flashcard cho mọi câu trả lời/câu hỏi trước đó trong chương trình. Rõ ràng là anh ta không thể luyện tập mỗi thẻ hàng ngày hoặc thậm chí ba tháng một lần. Thay vào đó, anh ấy sử dụng phần mềm flashcard Anki. Các ứng dụng công nghệ như Anki và iDoRecall cung cấp các giải pháp tự động để tối ưu hóa quá trình thực hành giãn cách RP của bạn
Phương pháp học tập RP đem lại một số lợi thế khác biệt. Đầu tiên phải kể đến là hiệu quả cao. Thứ hai, RP có thể trị được đường cong trí nhớ của bạn. Đường cong này được phát hiện bởi Hermann Ebbinghaus vào những năm 1880, khi ông tự nghiên cứu để xác định xem mình quên nhanh bao nhiêu âm tiết vô nghĩa mà mình đã ghi nhớ. Ông phát hiện ra rằng ông mất khả năng lưu giữ các âm tiết khá nhanh trong vài phút, vài giờ và vài ngày sau khi ghi chúng vào bộ nhớ. Ông kết luận rằng, quên là một đặc điểm tự nhiên của trí nhớ con người.
Người ta đã chứng minh rằng bằng cách sử dụng RP lặp đi lặp lại cách nhau, bạn có thể chế ngự đường cong lãng quên tự nhiên và phát triển khả năng nhớ lại lâu dài về các khái niệm và sự kiện. RP có hiệu quả nhất trong việc lấy lại một ký ức mà dường như đã trôi vào quên lãng.
Đây là một khó khăn chông gai khác. Hãy coi đây là những bài tập tinh thần, tương tự như bài tập thể chất, tạo ra hiệu quả lớn hơn khi chúng gặp nhiều thử thách hơn. Ví dụ, nếu bạn đến phòng tập thể dục và cố gắng nâng tạ 1kg, bạn sẽ không đạt được kết quả như ý nếu mức tạ gần với khả năng tối đa của bạn.
Khả năng nhớ lại thông tin (ROI) của chúng ta nhanh chóng mất dần do đường cong lãng quên, nhưng có thể khắc phục xu hướng tự nhiên này bằng cách thực hành thu hồi có khoảng cách.
Vì vậy, làm thế nào một thuật toán phần mềm có thể biết khi nào để hiển thị thẻ flashcard cho bạn? Làm thế nào nó có thể biết khi bạn gần như quên một cái gì đó? Tất nhiên, nó không thể. Nhưng rất nhiều điều đã được học bằng cách quan sát thực nghiệm tỷ lệ và sau đó áp dụng kiến thức này.
Trong một thế giới hoàn hảo, bạn sẽ được hiển thị mọi flashcard ngay khi bạn sắp quên câu trả lời, không sớm cũng không muộn. Kinh nghiệm cho thấy rằng để có thể nhớ hàng nghìn thẻ flashcard, bạn chỉ cần học 0,5% số thẻ đó mỗi ngày.
Khi tôi là một sinh viên y khoa vào những năm 1970, không có flashcard kỹ thuật số hoặc các giải pháp tự động. Đó là kỷ nguyên của máy tính cá nhân. Flashcard của tôi là các mảnh giấy và thuật toán giãn cách của tôi là "thực hành mỗi thẻ năm ngày một lần".
Cách hoạt động của hệ thống này khiến tôi khá bất ngờ. Hiệu suất lẫn hiệu quả đều không đạt được mức tối đa. Nhưng nó lại hoạt động tuyệt vời. Tôi có thể dành nhiều thời gian cho việc học hơn bất kỳ ai khác trong lớp của mình, chỉ khác biệt ở chỗ, họ học trên lớp còn tôi tự học ở nhà. Tôi tin rằng tôi vẫn sẽ đứng đầu lớp nếu tôi học một lượng thời gian trung bình và bỏ qua tất cả các bài đọc thêm. Tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian bằng cách đọc mọi thứ một lần, làm thẻ ghi chú và áp dụng RP.
Các chiến lược học tập khác
Đan xen, chuyển đổi, suy ngẫm, tạo ra và trau chuốt là những kỹ thuật học tập mang lại hiệu quả cao. Tôi đã sử dụng chúng thường xuyên xuyên suốt quá trình đạt đến đỉnh cao học tập.
- Interleaving (Xen kẽ)
Interleaving là một kỹ thuật học tập, trong đó bạn quản lý, sắp xếp lại và thực hành các ví dụ và vấn đề để có thể thành thạo hơn. Làm một chủ đề liên tục sẽ gây nhàm chán. Tốt hơn là bạn nên thử thách bản thân với nhiều chủ đề đa dạng. Thực tế, các bài kiểm tra về kỹ năng giải quyết vấn đề của chúng tôi không xảy ra như trình tự trong sách giáo khoa. Chúng ta phải phát triển khả năng nhận biết và tìm kiếm giải pháp từ cơ sở kiến thức của bản thân
Đối với một chủ đề như hình học, học tất cả các bài toán từ hình học phẳng, vật rắn và xạ ảnh sẽ hiệu quả hơn việc tập trung 100% vào một dạng đề duy nhất. Điều quan trọng là bạn phải phát triển các kỹ năng để phân biệt "Đây là loại vấn đề gì?"
Thật không may, sách giáo khoa toán học thường chỉ dạy một dạng vào mốc thời gian nhất định. Khi bạn sử dụng phương pháp xen kẽ, bạn sẽ có một trí óc linh hoạt hơn nhiều, có thể nhận ra công thức nào là công thức chính xác để áp dụng cho thử thách trước mắt.
- Chuyển đổi
Sự biến đổi có một vài ý nghĩa khác nhau trong thế giới học tập và sư phạm. Ví dụ, nếu bạn muốn trở nên thành thạo các cú đánh bóng 3 chân khi chơi gôn, bạn nên thực hành cả các cú đánh bóng hai chân và bốn chân hơn là tập trung toàn bộ thời gian thực hành vào các cú đánh bóng ba chân.
Trong quá trình học tập, tôi thường chuyển đổi địa điểm, thời gian trong ngày và bối cảnh thời gian để học. Đây là một chiến lược tuyệt vời giúp cải thiện việc mã hóa các tài liệu đã học bằng cách tạo ra nhiều liên kết chéo và liên kết làm cho ký ức có thể truy xuất được nhiều hơn.
Mỗi khi học một điều gì đó, chúng ta cần gắn nó với một số kiến thức hoặc liên kết thần kinh đã có từ trước. Mọi thứ chúng ta biết đều có mối liên hệ với những thứ khác đã lưu trữ trong bộ nhớ. Ví dụ: nếu tôi hỏi bạn nghĩ gì về bánh pizza, bạn có thể nhanh chóng nhớ ra ngày đầu tiên bạn hẹn hò với vợ / chồng của mình tại một tiệm bánh pizza hoặc thậm chí một bài hát đang phát khi bạn ăn chiếc bánh pizza đó.
Bộ nhớ của chúng ta có bản được xây dựng dựa trên các loại liên kết này. Chúng ta thậm chí còn có một số hiểu biết về khoa học thần kinh đằng sau cách thức hoạt động của nó trong não. Mốc nối dẫn đến đường dây liên kết bộ nhớ là kết quả của các mạch hoặc dây thần kinh, một nhóm nhỏ các tế bào thần kinh có khả năng lưu trữ bộ nhớ riêng lẻ. Khi các dây liền kề có chung một số tế bào thần kinh, những ký ức mà mỗi nơi lưu trữ có thể trở nên liên kết.
Engram A lưu trữ một ký ức liên quan đến một bữa ăn cá. Engram B lưu trữ bộ nhớ về một số bản nhạc đã được phát trong bữa ăn. B chia sẻ một số nơ-ron chung với A. Do đó, những ký ức đó được liên kết với nhau. Khi nghĩ đến bữa ăn, bạn có thể nhớ lại âm nhạc và ngược lại.
Chúng ta có khả năng lưu trữ nhiều bộ nhớ hơn trong suốt cuộc đời trước khi hết dung lượng lưu trữ. Vấn đề của chúng ta với đường cong quên và bộ nhớ nói chung là vấn đề truy xuất, không phải là vấn đề về dung lượng lưu trữ. Chúng ta càng tạo ra nhiều liên kết giữa các ký ức của mình, thì chúng ta càng giỏi trong việc truy xuất chúng.
- Suy ngẫm
Phản xạ là một cơ sở chính trong y học lâm sàng hàn lâm. Ví dụ kinh điển của phương pháp này là các hội nghị về bệnh tật và tử vong được tổ chức trong bệnh viện, trong đó các bác sĩ ngồi xuống và thực hiện phân tích nhóm về những gì đã xảy ra trong một trường hợp có kết quả không tốt.
Bằng cách phản ánh về những câu hỏi gì và tại sao, đồng thời tự hỏi bản thân về cách họ có thể tiếp cận một tình huống tương tự trong tương lai, các bác sĩ có thể học hỏi tốt hơn từ những sai lầm của họ. Suy ngẫm là một công cụ tuyệt vời để biến kiến thức của bạn thành trí tuệ.
- Generation (tạo mới)
Generation là một kỹ thuật cố gắng trả lời một câu hỏi trước khi bạn có đủ kiến thức cần thiết để giải quyết vấn đề.
Hãy tưởng tượng rằng bạn biết cách tính diện tích hình vuông nhưng chưa học cách tính thể tích của hình lập phương hoặc bất kỳ hình khối 3D nào khác. Nếu bị giáo viên yêu cầu làm điều trên, bạn có thể sử dụng generation để cố gắng tổng hợp câu trả lời. Ngay cả khi bạn không thành công, nỗ lực ngoại suy từ cơ sở kiến thức hiện có sẽ tạo tiền đề xây dựng một mô hình tinh thần về những gì giáo viên sắp dạy cho bạn.
Các bác sĩ liên tục sử dụng phương pháp generation bởi vì chúng ta phải đối mặt hàng ngày với các tình huống mà trước đây chưa từng thấy. Đó là một trong những niềm vui khi trở thành bác sĩ X quang. Không có ngày nào mà tôi không về nhà với một trái tim say sưa với điều gì đó mới mẻ. Đó là những điều đã thách thức tôi đưa ra chẩn đoán mặc dù chưa có kinh nghiệm cụ thể trước đó.
- Trau chuốt
Trau chuốt là khả năng diễn đạt những gì bạn đã học được bằng vốn từ của chính mình và xếp nó với các lĩnh vực kiến thức liên quan mà bạn đã có để tạo ra các liên kết thần kinh phong phú hơn. Đó là nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật Feynman.
Nếu bạn không thể chắt lọc những gì đã học thành một câu chuyện ngắn gọn súc tích và đủ dễ hiểu để có thể dạy nó cho người mới học, hmm...thì có thể bạn không nắm chắc kiến thức ấy như bạn nghĩ đâu.
Bạn cần trau dồi sự hiểu biết của mình bằng cách đắp thêm nhiều lớp vữa kiến thức nữa giúp rèn luyện bộ não và đồng thời cho phép bạn giải thích dễ dàng nó cho một học sinh lớp năm. Khi nói đến việc tạo thẻ flashcard, hiệu quả cao nhất là khi, ghi ra dưới những gì bạn nhớ được và bằng vốn từ của chính mình.
Bài học rút ra
Để đạt được thành công trong học tập bạn phải có kỹ năng quản lý thời gian. Bạn có thể tùy ý sử dụng khối thời gian giới hạn của mình sao cho thật triệt để.
Tôi bị ám ảnh bởi duy trì việc sử dụng hiệu quả khoảng thời gian quý báu đó. Tôi đã bỏ qua các lớp học không yêu cầu điểm danh và tôi có thể nhận được các ghi chú chất lượng cao hoặc bảng điểm của bài giảng. Điều này đã giúp tôi tiết kiệm hơn sáu giờ mỗi ngày trong trường y khoa để có thể hướng tới việc học tập hiệu quả cao và nghiên cứu sâu hơn. Bạn có thể không làm được điều này trong hoàn cảnh hiện tại của mình, nhưng nếu bạn có thể bỏ qua tiết học hoặc ít nhất có thể xem một đoạn ghi âm bài giảng, bạn nên cân nhắc lợi ích của việc làm đó. Có một số bất lợi khi cúp học, nhưng nhìn chung, tôi thấy quyết định đó mang lại một lợi ích ròng rất lớn
Đọc qua các kiến thức một lần để tiết kiệm lượng lớn thời gian. Nhưng khi bạn đọc, hãy tạm dừng và tạo các thẻ flashcard cho tất cả các khái niệm và sự kiện chính mà bạn muốn ghi nhớ. Đừng bao giờ tạo flashcard cho một khái niệm trước khi bạn hiểu đầy đủ về nó. Flashcard là để thực hành truy xuất các khái niệm bạn đã hiểu và bạn nên sử dụng chúng để khơi gợi lại các kiến thức đã học một cách dễ dàng. Flashcard không phải để học mới các khái niệm. Nếu bạn không hiểu một khái niệm, hãy tìm trên một nguồn khác, tác giả, bài báo khoa học, trang web, bài giảng trên YouTube hoặc bất cứ trang web nào đó có thể giúp bạn nắm bắt ý tưởng. Sau đó mới hẳn làm flashcard.
Bằng cách cắt giảm việc đọc lại và chuyển sang flashcard, thực hành truy xuất và giãn cách học tập, bạn sẽ xây dựng khả năng nhớ lâu bền về tất cả các sự kiện và khái niệm mà bạn muốn nhớ.
Bằng cách sử dụng các chiến lược này, bạn sẽ trở thành người chơi chiến nhất trong một trận cầu học tập. Phần lớn sinh viên có thể lấy điểm A, nhưng mục tiêu dài hạn là đạt điểm A và xây dựng nền tảng kiến thức cá nhân có thể khai thác trong nhiều năm. Bạn có thể sử dụng phạm vi kiến thức sâu và rộng này làm nền tảng cho việc học tập và giải quyết vấn đề trong tương lai khi gặp phải những tình huống độc đáo và mới lạ. Bạn sẽ dần trở nên sáng tạo hơn. Sáng tạo thường là sự pha chế được sinh ra từ thuật giả kim của việc trộn lẫn những kiến thức dường như không liên quan để tạo ra các giải pháp mới và sáng tạo.
Bạn có thể đào sâu thêm kiến thức của mình bằng cách sử dụng suy ngẫm, sự tạo mới và trau chuốt để bạn có thể phát triển nhiều mô hình thần kinh sâu sắc hơn.
Tôi vẫn sử dụng những chiến lược và chiến thuật này để theo đuổi việc học suốt đời. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều sở hữu những khả năng bẩm sinh cần thiết để trở thành những sinh viên và người học xuất sắc.
----------
Tác giả: David Handel
Dịch giả: Nguyễn Trần Khánh Thư - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Trần Khánh Thư- Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
3,619 lượt xem