Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

5 Nguyên Tắc Để Sống Đơn Giản (Phần 1)

Có người đã ví mỗi người chúng ta như người lái thuyền cho cuộc đời của chính mình, lái khéo thì thuyền nổi đi nhanh, lái tồi thì thuyền đi chậm và chìm. Trước năm 2000 chúng ta đi trên con rãnh nho nhỏ, sóng nhỏ nhưng cũng chẳng có nhiều chỗ mà lách. Từ 2000 tới 2010 thì đi trên con sông nhỏ, sóng có gợn hơn nhưng cũng nhiều chỗ để luồn lách hơn. Từ 2010 tới này thì đúng là đã ra tới cửa biển, sóng to hơn nhưng rộng rãi nhiều chỗ đi hơn.

Trong cuộc sống, có người thích ổn định mong muốn được đi trên con sông nhỏ, có người thích thử thách, vì thử thách đồng nghĩa với cơ hội, muốn được đi trên biển lớn. Cho dù thế nào thì cuộc sống chẳng cho ta cái quyền lựa chọn, đã ra biển thì tất cả cùng ra.

Không cần phải có óc phân tích hay tầm nhìn cao siêu gì ta cũng thấy rõ được xu hướng biến động ngày càng tăng. Chúng ta là một phần trong số đó, chống lại thì bị bỏ lại do vậy chỉ có con đường là sống với biển lớn. Câu hỏi đặt ra không phải là làm sao tránh phải ra biển mà là làm sao có thể sống thích nghi được với nó?

Con nhím lựa chọn một phương pháp phòng vệ duy nhất đó là co mình cuộn lại để giương lông nhọn lên, cho dù đó là bất cứ con gì thì phương pháp của nó cũng giống nhau. Con thỏ thì chọn phương pháp chạy nhanh và thay đổi hướng nhanh, cho dù con cáo hay là hổ thì phương pháp cũng giống nhau. Điểm chung là mỗi con sẽ lựa chọn một phương pháp chống lại kẻ thù duy nhất, chúng dùng phương pháp đó từ thế hệ này tới thế hệ khác ngày càng thành thục hơn. Phương pháp càng đơn giản thì hiệu quả lại càng cao, phương pháp càng phức tạp thì càng nhiều rủi ro. Con nhím thực hiện một động tác duy nhất, 1000 con thực hiện giống nhau y hệt; con thỏ thực hiện vô số động tác, 1000 con thì có 1000 năng lực trốn thoát khác nhau mặc dù cùng là chạy và đổi hướng thật nhanh.

Chúng ta hoặc chọn cách như con nhím hoặc chọn cách như con thỏ. Nếu là thỏ thì bạn phải là con thỏ chạy thật nhanh, chậm là chết. Nếu như không nhanh được hãy học cách như con nhím, hãy chọn cho mình số thao tác và thực hiện nó nhuần nhuyễn tới mức độ đỉnh cao. Bạn sẽ vẫn có thể tồn tại và phát triển giống như con nhím vẫn còn tồn tại tới ngày nay mặc cho sự thay đổi của thế giới.

3 thách thức của con người ngày nay:

Thách thức 1: Phải ra các quyết định thường xuyên hơn

Chúng ta đang chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế tri thức và hiện đã ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trước đây chúng ta cũng phải ra các quyết định quan trọng nhưng chỉ những thời điểm nhất định, ngày nay dường như chúng ta phải ra các quyết định mỗi ngày và quyết định nào cũng ảnh hưởng lớn tới đời ta.

Ra quyết định nhiều hơn khiến bộ óc làm việc liên tục hơn, đặt con người trước áp lực cao, rất dễ tạo ra các quyết định sai lầm.

Thách thức 2: Có rất nhiều thứ gây xao lãng, gây mất sự tập trung

Ngày nay có rất nhiều phương thức giải trí, rất nhiều các đối tượng tham gia vào công việc kinh doanh của bạn. Hồi xưa ngồi thư viện cả ngày đọc sách là việc bình thường, ngày nay bạn bị rất nhiều các cám dỗ. Rất khó làm cái gì đó được tập trung, có quá nhiều các lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Điều này thực không có lợi cho cuộc sống xét về dài hạn. Chúng ta dễ bị cuốn vào các lợi ích trước mắt, có một bàn tiệc trước mặt thật khó mà kiềm chế. Ngày nay chúng ta phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực để tập trung vào một cái gì đó, khác hẳn trước đây đối với thế hệ 7x 8x, ngay cả khi nỗ lực thấp bạn vẫn có thể tập trung được.

Thách thức 3: Khủng hoảng nguồn lực cá nhân

Chúng ta có thời gian, sức khỏe, tiền bạc, các mối quan hệ. Bạn thấy rằng mục nào trong đó cũng đang bị tấn công. Thời gian của bạn liên tục bị tấn công bởi các phương tiện giải trí, những mối quan hệ xung quanh. Công việc cạnh tranh khắc nghiệt cũng khiến bạn phải đi làm sớm hơn, về nhà muộn hơn.

Sức khỏe cũng tương tự và cũng dễ nhận thấy. Một tiện nghi đầy đủ khiến bạn lười vận động hơn. Để có được thực phẩm sạch bạn cũng phải bỏ ra nhiều tiền hơn so với bình thường.

Cảm nhận chung là chúng ta luôn cảm thấy quá nhiều áp lực một cách liên tục. Áp lực này hết thì xuất hiện áp lực khác, cứ liên miên bất tuyệt.

Các thách thức này giống như việc một con thỏ liên tục bị săn đuổi, không có lúc nào nghỉ. Cho dù giỏi tới mấy, một lúc nào đó nó sẽ gục ngã.

Có người nói, người giỏi là người trình bày vấn đề phức tạp một cách đơn giản, người dốt thì trình bày vấn đề đơn giản một cách phức tạp. Một kế hoạch đơn giản bao giờ cũng khả thi hơn một kế hoạch phức tạp và một vấn đề phức tạp không hẳn là cần đi cùng một giải pháp phức tạp. Bạn có thể phức tạp như con thỏ mà cũng có thể đơn giản như con nhím, mong muốn cuối cùng là đạt mục tiêu một bằng một cách đơn giản.

Có lẽ phải có ai đó viết cuốn sách “Sức mạnh của sự đơn giản” mới phải; nó phải được trình bày một cách đơn giản để ai cũng có thể hiểu. Nếu các chính phủ, các thể chế xã hội, mỗi người dân đều hướng tới sự đơn giản thì cuộc sống này chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Sống đơn giản không phải là nhu cầu ít đi, suy nghĩ ít hơn, từ bỏ trách nhiệm,… Đơn giản là một cấp bậc cao hơn so với phức tạp, để đơn giản được đòi hỏi một năng lực cao hơn nhiều so với bình thường.

Nghiên cứu các bài viết trên mạng kết hợp với kinh nghiệm sống ở tuổi 40, tôi xin được tóm tắt và trình bày nguyên tắc sống này. Mục đích cuối cùng để chúng ta có một cuộc sống đáng sống.

Đọc entry này chắc chắn mỗi người sẽ có một phàn ứng khác nhau. Người sẽ phản đối, người sẽ đồng tình. Việc bạn phản đối hay đồng tình bao nhiêu cũng chính là phản ánh hiện trạng bạn đang ở đâu. Bạn cần đọc entry này với một trạng thái rất cởi mở, cho dù ở trình độ nào thì bạn cũng sẽ thu được lợi ích nào đó.

1. Hạnh phúc là mục tiêu của đời người, và có rất nhiều cách để đạt được

Hạnh phúc là sự thỏa mãn của con người khi đạt được, làm được hay sở hữu được một cái gì đó mà họ rất mong muốn. Hạnh phúc là một hành trình, tập hợp những điểm hạnh phúc trên đường sẽ mang lại hạnh phúc trên tổng thể. Hạnh phúc không phải là bạn đi 100km nhưng chỉ happy 5 km cuối. Hạnh phúc là bạn happy trên cả quãng đường 100km đó.

Khi Việt Nam vào top 10 các quốc gia hạnh phúc, có người nghi ngờ vì một nước nghèo như Việt Nam làm sao có thể hạnh phúc hơn các nước giàu được? Đó là vì họ đánh đồng giữa mức độ giàu có và hạnh phúc. Khi bạn có rất ít tiền bạn có xu hướng nghĩ rằng nếu tôi có nhiều tiền hơn thì tôi sẽ hạnh phúc hơn. Khi bạn có nhiều tiền hơn bạn sẽ thấy rằng đó là hai việc khác nhau.

Thu nhập chỉ ảnh hưởng tới hạnh phúc trong giai đoạn đầu khi mà ta đang rất thiếu thốn. Khi thu nhập của gia đình bạn tới một mức nhất định thì hạnh phúc độc lập với thu nhập của bạn.

Mức A này phụ thuộc vào mỗi người. Lúc đó thường là bạn đã có đủ tiền đáp ứng một nhóm nhu cầu nào đó mà bạn rất muốn. Mong muốn của con người là vô hạn nhưng theo thời gian bạn sẽ ngày càng mất nhiều tiền hơn để có một mức độ thỏa mãn như ban đầu.  Tại mức mà bạn phải chi trả một khoản tiền rất lớn nhưng chỉ cảm thấy "happy" rất bé thì đó là ngưỡng của bạn.

Hạnh phúc lại có cấp độ. Đứng trước các cảnh đẹp khác nhau thì cảm xúc của bạn cũng khác nhau. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi trúng giải Vietlott 20 tỷ so với trúng 10 tỷ. Hạnh phúc khi hoàn thành một công việc vô cùng khó khăn sẽ hơn so với hạnh phúc có được khi đi bộ dưới hàng cây rợp bóng mát trong một chiều thu. Một công việc nào đó càng khó, đòi hỏi nhiều càng nhiều nỗ lực thì mức độ hạnh phúc khi hoàn thành sẽ càng cao. Đó là lý do tại sao những ông như Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình hay Bin Gates mặc dù thừa tiền sống tới mấy đời vẫn cứ lăn lộn vất vả. Đơn giản là bạn chỉ có thể sử dụng tiền để mua hạnh phúc tới một mức nào đó, sau mức đó thì tiền không giúp gì được nhiều.

Cấp độ hạnh phúc có xu hướng tăng dần theo thời gian cùng với nỗ lực bỏ ra ngày càng nhiều hơn. Giả sử bạn có được hạnh phúc khi bỏ ra một khoản tiền để mua cái wave alpha, lần kế tiếp nếu mua đúng cái Wave Alpha thì bạn chẳng cảm thấy gì cả, muốn hạnh phúc bạn phải mua cái xe đắt tiền hơn, ví dụ như Air Blade chẳng hạn. Nó có nghĩa là bạn phải bỏ ra nhiều tiền hơn (số tiền mà bạn vất vả mới kiếm được) thì mới có được hạnh phúc.

Tôi lấy ví dụ như trong môn chạy bộ. Khi lần đầu tiên tôi đạt cự ly 10km, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Các lần chạy tiếp theo đạt 10km tôi không còn cảm giác như lần đầu tiên nữa mặc dù công sức bỏ ra ngang nhau. Khi đạt tới cự ly 21km lần đầu tiên tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, lần này tôi cảm thấy hạnh phúc hơn so với lần 10km. Nhưng rồi thì 21km cũng trở thành hết sức bình thường, cứ như vậy, để cảm thấy hạnh phúc hơn tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn. Nếu không duy trì nỗ lực tôi thậm chí còn bị thụt lùi về khả năng, lúc đó sẽ là trạng thái chán nản, thất bại.

Có vô số cách để khiến ta cảm thấy hạnh phúc. Nguyên tắc chung là hạnh phúc tỷ lệ thuận với nỗ lực mà bạn bỏ ra để có được trạng thái đó. Muốn hôm nay hạnh phúc thì hôm qua phải đổ mồ hôi. Sau một trận bóng đá, sau một hoạt động thể lực vất vả uống nước lọc cũng thấy ngon; đang yên đang lành uống nước lọc thì chẳng cảm thấy gì. Sau 6 ngày lao động vất vả thì một ngày nghỉ mới thấy happy. Đợi đói ăn mới ngon, ăn lúc căng bụng ngay cả cho dù có là món thèm muốn nhất cũng chán.

Cho dù thế nào thì cảm giác làm việc không phải vì tiền vẫn cứ thích hơn là làm vì tiền vì vậy hãy phát hiện ra ngưỡng của mình sau đó tuân thủ kỷ luật tìm niềm vui trong những thứ không phụ thuộc vào tiền.

Tóm lại nguyên tắc đầu tiên là, bạn phải dễ dàng cảm thấy hạnh phúc thông qua:

  • Xác định ngưỡng A là điểm chuyển sang giai đoạn nếu theo đuổi vật chất thì sẽ phải tốn rất nhiều tiền. Khi bạn ngừng tại điểm A có nghĩa là bạn đã không còn để chi tiêu tăng theo đà tăng của thu nhập. Đó là lúc bạn sắp có cơ hội Tư do tài chính, hướng tới lúc đi làm mà không phải vì tiền.

  • Hạnh phúc theo cách dùng tiền để mua hàng hóa/dịch vụ nhằm thỏa mãn sở thích là theo đuổi không có điểm dừng. Nó khiến cho bạn đi trên con đường mà nhiều người mắc phải đó là chi tiêu tăng luôn bằng hoặc cao hơn thu nhập. Không tích lũy rồi đến một lúc bạn sẽ phải trả giá cho những happy có được trước đó. Ngoài ra sở hữu càng nhiều thì bạn sẽ càng phải lo nhiều để giữ món đồ đó được toàn vẹn.

  • Xác định rằng hạnh phúc tỷ lệ thuận với nỗ lực bỏ ra. Nỗ lực càng nhiều thì khi đạt được càng hạnh phúc. Nỗ lực có thể là:

    • Tham gia một môn thể thao mà mình yêu thích, theo đuổi các mốc khó dần của môn đó. Khi nỗ lực đạt tới mốc đó bạn sẽ happy. Kết quả phụ đạt được là có sức khỏe ngày càng tăng.

    • Đặt các mục tiêu khó trong công việc, theo đuổi các mục tiêu ngày càng khó khăn dần. Khi hoàn thành mục tiêu bạn sẽ happy. Kết quả phụ đạt được là ngày càng tạo ra nhiều giá trị hơn nhờ vậy thu nhập cao hơn.

    • Đặt các công việc cần phải làm với gia đình ví dụ như chơi với con, dậy con học,… Khi hoàn thành các công việc thì gia đình happy, bạn sống trong đó cũng cảm thấy happy. Kết quả phụ đạt được là gia đình ngày càng gắn bó hơn.

Về nguyên tắc bạn không cần quan tâm tới những thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước hay của thế giới. Cho dù có là ao nhỏ hay biển lớn thì rút cục độ nhẹ và chắc của con thuyền mới là yếu tố quyết định. Thay vì dự đoán bên ngoài, hãy làm mạnh bên trong.

Bản chất của nền kinh tế là nền kinh tế phục vụ. Tôi phục vụ anh (mang lại giá trị cho anh) sau đó anh trả tôi tiền. Tôi dùng tiền đó để trả cho những người phục vụ tôi. Sự thay đổi đó là cùng một hình thức phục vụ nhưng có vô số cách thực hiện, ví dụ cùng là đi từ Hà Nội tới Hồ Chí Minh thì có thể đi đường bộ, đường không, đường thủy. Khi một hình thức nào đó không ai dùng tới nữa thì nó bị đào thải giống như máy ảnh phim, ti vi công nghệ CRT,… Bạn sẽ ở thế bất lợi nếu đang phục vụ với một hình thức đang bị người khác dần từ chối. Bạn sẽ tồn tại nếu bạn đủ sức chuyển đổi từ hình thức này sang hình thức khác một cách nhanh chóng, gốc dễ chính là năng lực tự thân.

Nền kinh tế này cũng được gọi là nền kinh tế tiêu dùng. Nhờ có tiêu dùng thì sản xuất mới phát triển vì vậy người dân luôn bị kích thích tiêu hết số tiền mà họ có, nếu hết người ta sẽ cho bạn vay để tiêu. Bạn phải biết điểm dừng, cho dù ai đó có bảo bạn là nếu ai cũng như bạn thì nền kinh tế làm sao phát triển thì cứ kệ họ. Mục đích cuối cùng của đời người là sống một cuộc sống đáng sống. Một trong những yếu tố đó là bạn phải độc lập được với tiền, thoát khỏi áp lực cần tiền.

>> Đọc tiếp: 5 Nguyên Tắc Để Sống Đơn Giản (Phần 2)5 Nguyên Tắc Để Sống Đơn Giản (Phần 3)

Theo chienluocsong.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,065 lượt xem